Nghe lại một số ca khúc ghi dấu ấn của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập

Trong di sản âm nhạc mà Nhạc sỹ Tôn Thất Lập để lại có rất nhiều ca khúc là 'bản hit' đình đám của một thời, ngay cả bây giờ, khi cất lên vẫn khiến người nghe phải xao động.

Hàng đầu: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (đeo kính) và nhạc sỹ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Hàng đầu: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (đeo kính) và nhạc sỹ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Nhắc đến Nhạc sỹ Tôn Thất Lập, người ta sẽ nhớ ngay đến ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông: “Hát cho dân tôi nghe” đã mở đầu cho một phong trào tranh đấu tranh âm nhạc có một không hai mang tên “Hát cho đồng bào tôi nghe” thời đất nước còn bị chiến tranh chia cắt.

"Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang..."

Ca khúc được viết theo thể hành khúc mang màu sắc ngũ cung. Bài ca vừa có sức sống của dân tộc, vừa có âm hưởng rõ nét của dòng nhạc Cách mạng.

"Hát cho dân tôi nghe” được nhạc sỹ trẻ viết trong những ngày sôi sục khí thế tranh đấu của phong trào sinh viên, học sinh tại Huế cuối năm 1966.

Nghe ca khúc "Hát cho dân tôi nghe"

Giai điệu và lời ca của ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” đã mở đầu cho phong trào tiếng hát tranh đấu “Hát cho đồng bào tôi nghe” của giới học sinh-sinh viên miền Nam, trở thành ngòi pháo của các giới đồng bào, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975.

Nhà văn Trần Bạch Ðằng từng nói: “Phong trào ‘Hát cho đồng bào tôi’ nghe làm run rẩy cả một chế độ. Nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù."

Ngoài “Hát cho dân tôi nghe,” nhiều nhạc phẩm khác của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập viết trong thời kỳ này cũng được phổ biến rộng rãi trong phong tranh đấu của học sinh, sinh viên miền Nam như: “Xuống đường,” “Hát trong tù,” “Lúa reo trên khắp đồng bằng…”

Không chỉ sáng tác những ca khúc tranh đấu, Nhạc sỹ Tôn Thất Lập còn sáng tác những bản tình ca rất lôi cuốn. Những bài hát về tuổi trẻ, tình yêu của ông đầy ắp sự lãng mạn, nồng nàn, giai điệu trẻ trung, tươi sáng, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước.

Thập niên 1980 đánh dấu sự phát triển của phong trào Thanh niên xung phong. Đây cũng là thời điểm chứng kiến dòng chảy mãnh liệt của “ca khúc chính trị,” hàng loạt những ca khúc viết về thanh niên xung phong đã ra đời, một trong những ca khúc điển hình của thời kỳ này chính là “Tình ca tuổi trẻ” của Tôn Thất Lập

Sau khi nghe tin về chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông đã thân chinh lên vùng biên giới, gặp gỡ các chiến sỹ thanh niên xung phong đang anh dũng làm nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi. Và sau đó, một bản tình ca tươi sáng, rộn ràng ra đời.

“... Bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới/ Bản tình ca em hát cho anh trên dòng kênh xanh/ Trời mây trong xanh và mắt em xanh/ Tiếng hát ta làm vui cuộc đời/ Có chúng ta dựng xây cuộc đời...”

Bài hát sau đó đã được tốp ca Đài tiếng nói Việt Nam thu âm và phát trên khắp cả nước.

Nghe bài hát "Tình ca tuổi trẻ"

“Bài hát được vang lên nhiều nhất ở khu vực biên giới phía Bắc vào thập niên 1980. Các chiến sỹ bộ đội ở khu vực biên giới phía Bắc rất thích ca khúc này. Tôi nhớ nhất là hình ảnh đoàn nữ thanh niên xung phong hát bài này. Các chị nữ hát hay lắm, họ trẻ đẹp và phơi phới làm sao,” Nhạc sỹ Tôn Thất Lập kể lại.

Một ca khúc khác rất nổi tiếng của Tôn Thất Lập ra đời cùng thời điểm này với phong cách pop-rock sôi động cũng ngay lập tức được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đó chính là là bài hát “Trị An âm vang mùa Xuân.”

Hồ Thủy điện Trị An. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Hồ Thủy điện Trị An. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 30/4/1984, Nhạc sỹ Tôn Thất Lập cùng với các văn nghệ sỹ thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai dự lễ khởi công xây dựng Công trình Thủy điện Trị An.

Ý nghĩa của công trình và viễn cảnh về dòng điện Trị An thắp sáng trong tương lại đã gợi nên những nét nhạc vui tươi trong tâm hồn người nhạc sỹ. Thế là sau ít ngày trở về thành phố, bài hát "Trị An âm vang mùa Xuân" ra đời.

Bài hát mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng, tự sự, gợi cảm giác mênh mang, có tính chất suy ngẫm về công trình thủy điện trọng điểm của đất nước:

“Một dòng nước trong hát câu chờ mong âm vang dòng sông/ Một trời nước non thắp trong lòng anh sáng trong lòng người/ Lặng nghe gió reo nhớ bao ngày qua ước mơ dạt dào/ Lặng nghe nước reo cháy trong lòng ta ước mơ rực sáng/ Dòng điện thắp lên, sáng trong lòng anh sáng trong lòng em…”

Sang đoạn 2, giai điệu có nhiều “phách đảo” (syncope) đầu mỗi câu nhạc hoặc đầu mỗi phân câu (tiết nhạc) tạo nên không khí sôi nổi, rạo rực với niềm tin chắc chắn vào một tương lai tươi sáng, rộng mở:

"... Dòng điện mênh mang, từ ngàn khối óc/ Dòng điện mê say gọi ngày tương lai/ Dòng điện bao la, gọi đời bay xa...”

Ngay sau khi ca khúc ra đời, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh liền cho các nghệ sỹ tập luyện để biểu diễn tại các tỉnh. Các ca sỹ Hoàng Cúc, Chánh Tín, Ngọc Bích là những người đầu tiên hát ca khúc này phục vụ khán giả.

Giai điệu rộn ràng của bài hát đã tạo ra một luồng gió mới, không dừng lại ở một ca khúc hát về ngành mà trở thành một "bản hit" trên các sân khấu lớn nhỏ, mang lại thành công cho nhiều ca sỹ.

Nghe bài hát "Trị An âm vang mùa Xuân"

Hầu hết các cuộc thi Tiếng hát truyền hình từ Trung ương đến địa phương đều có thí sinh chọn ca khúc này để dự thi.

Người trong giới cho rằng sức lan tỏa mạnh mẽ của“Trị An âm vang mùa Xuân” là nhờ Nhạc sỹ Tôn Thất Lập đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiết tấu thể loại pop-rock với âm hình giai điệu dân tộc rất thành công.

Một số ca khúc nổi tiếng của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập. (Nguồn: Youtube)

Một số ca khúc nổi tiếng của Nhạc sỹ Tôn Thất Lập. (Nguồn: Youtube)

Trong những khúc tình ca của Tôn Thất Lập có một bài hát khá đặc biệt và tinh nghịch, đó là ca khúc “Oẳn tù tì.” Âm hình giai điệu và âm hình tiết tấu của bài hát rất dễ thương, dễ nhớ và dễ thuộc. Các khán giả trẻ vô cùng yêu thích nhạc phẩm này của ông.

“Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này/ Em ra cái kéo cắt tình vu vơ/Anh ra phong thư gửi tình thương nhớ/ Đền em đi nhé, thua rồi làm ngơ/ Đền em một đoạn bài thơ tỏ tình.

Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này / Em ra cái búa đánh đòn ăn gian/ Anh ra cây kim tặng em may áo/ Ngày nay may máy ai cần kim đâu/ Ừ thôi anh để về khâu cuộc tình…”

Những ca từ của bài hát sẽ khiến nhiều người ngỡ rằng nhạc sỹ sáng tác từ cảm hứng về một bóng hồng nào đó hoặc về một mối tình của thời trai trẻ đầy sôi nổi của mình. Thế nhưng, hoàn cảnh ra đời của bài hát này lại từ một chuyến thực tế ông theo đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình thi công đường dây tải điện 500 kV tại Quảng Nam.

Trong lúc các công nhân ngồi tụ tập ở khoảng đất trống để nghỉ ngơi, trò chuyện, không hiểu sao Tôn Thất Lập chợt nhớ đến trò chơi “Oẳn tù tì” mà thủa nhỏ thường chơi với chúng bạn. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn chảy. Ông hoàn thành ca khúc ngay lúc đó và đưa cho các công nhân hát thử.

“Tuy không bài bản, kỹ thuật nọ kia, nhưng với tôi, họ chính là những người trình bày ca khúc này một cách tình cảm nhất, chân thật nhất,” nhạc sỹ nhớ lại.

Còn ca khúc "Oẳn tù tì" cũng lập tức trở thành “bản hit,” được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận.

Nghe ca khúc "Oẳn tù tì"

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nhạc sỹ Tôn Thất Lập còn có nhiều ca khúc khác cũng được đông đảo công chúng yêu thích như: "Tình ca mùa Xuân," "Mưa thì thầm," "Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi..."

Nhạc sỹ Tôn Thất Lập cũng đã xuất bản các tuyển tập nhạc: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa Xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa Xuân… Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều ca khúc nhạc múa và nhạc phim. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2007).

Ngày 26/7/2023, Nhạc sỹ Tôn Thất Lập qua đời ở tuổi 81, để lại một di sản quan trọng trong ngành âm nhạc Việt Nam và nỗi tiếc thương trong lòng các nhạc sỹ, ca sỹ và công chúng. Người nhạc sỹ đã ra đi những những tác phẩm âm nhạc của ông sẽ còn sống mãi./.

Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lễ viếng Nhạc sỹ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9 giờ ngày 28/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh). Lễ truy điệu diễn ra lúc 6 giờ ngày 30/7.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình “Tôn Thất Lập-Vang mãi những bài ca” tối 5/8 tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công Trường Lam Sơn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để tưởng nhớ ông.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nghe-lai-mot-so-ca-khuc-ghi-dau-an-cua-nhac-sy-ton-that-lap/885543.vnp