Nghe lại phần ứng xử dở khóc dở cười của Hương Ly - Nam Anh để thấy: Sự sai lầm khi chọn song ngữ của các thí sinh HHHVVN

Không ít các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vì ham muốn thể hiện khả năng tiếng Anh của mình mà lâm vào cảnh khó xử.

"SBD 314 Nguyễn Thị Ngọc Châu là tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022!"

Đó là câu nói vang lên khiến cả khán đài vỡ òa. Và cũng lâu rồi, khán giả mới được chứng kiến màn đăng quang ít gây tranh cãi nhất từ trước đến nay của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Nguyên nhân ít nhiều xuất phát từ việc Ngọc Châu là một trong những thí sinh có phần ứng xử vô cùng lưu loát, lại sở hữu kỹ năng tiếng Anh tốt.

Ngọc Châu đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Đây cũng là lần hiếm hoi netizen không thấy những màn "khẩu chiến" trên MXH bởi lẽ cô nàng có khả năng tiếng Anh ổn áp, visual ưa nhìn cùng kỹ năng tốt

Ngọc Châu đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Đây cũng là lần hiếm hoi netizen không thấy những màn "khẩu chiến" trên MXH bởi lẽ cô nàng có khả năng tiếng Anh ổn áp, visual ưa nhìn cùng kỹ năng tốt

Bằng một cách nào đó, tiếng Anh bỗng trở thành một trong những “nỗi ám ảnh" của không ít thí sinh Hoa hậu đến từ Việt Nam. Là một fan của sắc đẹp, dễ dàng nhận thấy hầu hết những đại diện của đất nước ta trên đấu trường nhan sắc quốc tế đều sở hữu kỹ năng nói tiếng Anh khá kém. Đó là một trong những nguyên nhân khiến H'Hen Niê chỉ dừng ở top 5 Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018. Hoa hậu Khánh Vân hay Á hậu Kim Duyên cũng từng vấp phải không ít tranh cãi vì khả năng tiếng Anh yếu kém của mình khi đi chinh chiến.

Để lịch sử không lặp lại, năm nay BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã bổ sung thêm phần thi ứng xử song ngữ để các thí sinh thể hiện khả năng tiếng Anh của mình, cho thấy tham vọng ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế đến từ BTC. Tuy nhiên, vô tình đây cũng trở thành con dao 2 lưỡi đối với các thí sinh.

Xuất hiện những màn ứng xử song ngữ "dở khóc dở cười", chọn song ngữ thành pha "tự hủy" của thí sinh

Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, khán giả đã được chứng kiến không ít màn ứng xử nửa Việt nửa Anh, dở khóc dở cười của các thí sinh. Một số người còn tuyên bố luôn rằng họ sẵn sàng “ụp” vương miện cho Hương Ly và Nam Anh trừ khi…họ lên tiếng. Quả thật, cả 2 đều rất cố gắng thể hiện khả năng ứng xử song ngữ của mình nhằm ghi điểm với khán giả những tất cả những gì đem đến chỉ là một tràng cười châm biếm vừa hài hước, vừa tiếc nuối.

Khi nhận được một trong những câu hỏi khá dễ về LGBT, Hương Ly đã quyết định trả lời song ngữ. Tuy nhiên, có lẽ vì mải suy nghĩ về việc “chuyển mã” ngôn ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh nên những gì cô nàng chia sẻ lại khá cơ bản, không mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nhận được câu hỏi: “Nhiều quốc gia đối diện cơ cấu dân số già, tỷ lệ sinh thấp nên có quan điểm hôn nhân đồng giới, ủng hộ hay phản đối?", Hương Ly chọn trả lời bằng song ngữ: “Yêu thì yêu cứ yêu thôi. Tình yêu là không phân biệt giới tính. Đất nước hạnh phúc khi người dân ở đó hạnh phúc, tự do với quyền bản thân mình”. Kèm theo đó là một đoạn tiếng Anh ấp úng - kết câu “So ok. Happy Pride……month”.

Trước Hương Ly, Nam Anh cũng quyết định trổ tài song ngữ khi nói về ý nghĩa của Vina Woman: “Từ những vết sẹo của bạo lực gia đình. Đã có lúc tôi đau đớn, tôi gục ngã nhưng điều quan trọng nhất là tôi tìm thấy sức mạnh của nội tại và tôi chiến đấu vì nó. Ai trong chúng ta cũng sẽ có những cuộc chiến cá nhân nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta tin vào giá trị của bản thân. Đội vương miện cho chính mình, viết tiếp cuộc đời bằng hành trình nhiệt huyết, bản lĩnh cá nhân. Mỗi chúng ta là một chiến binh và hãy chiến đấu bằng giấc mơ của mình. Know your value, wear your crown, write your own story, it opens your warrior. Wear your crown, thank you”. Nhưng để có thể nghe được chính xác câu nói bằng tiếng Anh của Nam Anh là gì, chắc chắn ta phải tua đi tua lại clip khoảng 3 lần, cộng thêm tham khảo từ một số ý kiến của cư dân mạng để tránh sai sót. Vậy mới thấy, nếu cô nàng dừng ở đoạn thuyết trình bằng tiếng Việt, mọi thứ có lẽ sẽ ổn áp hơn.

Việc Hương Ly và Nam Anh gò ép bản thân trả lời bằng song ngữ hẳn là một hành động tự hủy. Rõ ràng, Hương Ly và Nam Anh đều là những người có bản lĩnh sân khấu tốt, có kinh nghiệm lâu năm trong các hoạt động nghệ thuật, giải trí. Thậm chí, Hương Lý còn trải qua 3 mùa thi Hoa hậu và bản lĩnh sân khấu là điều họ không thiếu. Nhưng chính vì màn thuyết trình có quá nhiều yếu điểm, cả Hương Ly lẫn Nam Anh đều không lọt vào top 3. Đúc kết lại, trước khi làm chủ tiếng Anh, có lẽ các thí sinh nên học làm chủ sân khấu trước. Nếu hoàn toàn không có cả 2 yếu tố trên, “out top” là điều dĩ nhiên.

Trên thực tế, các thí sinh vẫn có thể sử dụng phiên dịch khi chinh chiến tại đấu trường quốc tế. H'Hen Niê vẫn đủ sức làm nên lịch sử cho Việt Nam tại Miss Universe vì cô ấy có khả năng làm chủ sân khấu. Biết rõ bất lợi về tiếng Anh nên H’Hen Niê giao phó trọng trách ấy cho phiên dịch, còn lại, cô tập trung vào thông điệp mình mang đến, kỹ năng trình diễn và visual chuẩn gu nước ngoài.

H'Hen Niê sử dụng phiên dịch trong đêm thi tại Miss Universe và lọt top 5, làm nên lịch sử cho nhan sắc Việt

H'Hen Niê sử dụng phiên dịch trong đêm thi tại Miss Universe và lọt top 5, làm nên lịch sử cho nhan sắc Việt

Không thể phủ nhận, việc phụ thuộc vào phiên dịch ít nhiều sẽ xảy ra rủi ro, khiến thí sinh không hoàn toàn làm chủ được những gì mình muốn truyền đạt Song, có phiên dịch viên đồng nghĩa với việc thí sinh có được lợi thế để suy nghĩ tốt hơn về câu hỏi, và chọn cách truyền đạt trôi chảy hơn. Hoa hậu Leila Lopes vào năm 2011 đã trả lời ứng xử bằng tiếng Bồ Đào Nha và xuất sắc giành chiến thắng. Hoa hậu Zuleyka Rivera cũng đã trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 2006 và đăng quang ngôi vị Hoa hậu.

Bước nhỏ nhưng an toàn, hơn là bước xa rồi lọt hố!

Rất nhiều từ tiếng Anh không thể dịch trực tiếp qua tiếng Việt, hoặc ngược lại, vì sự bất đồng khái niệm giữa hai ngôn ngữ. Do đó, với những thí sinh thực sự chưa có đủ khả năng "chuyển mã" từ tiếng Việt sang tiếng Anh, lựa chọn an toàn để tránh gây sơ suất vẫn là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt của mình rất đẹp, đôi khi việc thể hiện hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ còn khiến bạn ghi điểm trong mắt người hâm mộ nếu “bào chữa" bằng những câu từ như: Tôi thấy Tiếng Việt rất đẹp hoặc là tôi muốn thể hiện sự tự hào khi là người con gái dải đất hình chữ S..., bởi dù gì, chủ đề của chương trình năm nay cũng là VinaWomen - một thông điệp rất việt Nam.

Tiêu chí để tuyển chọn Hoa hậu chắc chắn vẫn là việc bạn phải có một cái đầu nhạy bén, một trái tim ấm áp, một gương mặt ưa nhìn và một sự nỗ lực khổng lồ. Thực chất, thí sinh Hoa hậu có thể bằng cách nào đó trau dồi anh văn nhiều hơn sau khi đăng quang cuộc thi, sau khi bạn thuyết phục ban giám khảo và khán giả rằng bạn có đủ tất cả những tố chất vừa nhắc đến. Mỗi ngày học thêm một từ mối, một ngữ pháp mới để vượt qua điểm yếu của bản thân trước khi đến với đấu trường Quốc tế cũng là một các. Vừa hay, đó cũng là cách để các thí sinh minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng, tham vọng của mình. Để đại diện Việt Nam có thể ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế, và để các thí sinh thuyết phục khán giả rằng họ xứng đáng, đôi khi đó chỉ là những bước nhỏ, đều đặc chứ không phải là cú nhảy xa dài rồi lọt hố!

Thảo Nhi Lê trả lời ứng xử bằng tiếng Việt 100% trong phần thi ứng xử top 5

Thảo Nhi Lê trả lời ứng xử bằng tiếng Việt 100% trong phần thi ứng xử top 5

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay đều đã thuyết trình khá tốt bằng tiếng Việt, họ đưa đến thông điệp có ý nghĩa, sâu sắc và hoàn toàn làm chủ được phần thi ứng xử

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay đều đã thuyết trình khá tốt bằng tiếng Việt, họ đưa đến thông điệp có ý nghĩa, sâu sắc và hoàn toàn làm chủ được phần thi ứng xử

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghe-lai-phan-ung-xu-do-khoc-do-cuoi-cua-huong-ly-nam-anh-de-thay-su-sai-lam-khi-chon-song-ngu-cua-cac-thi-sinh-hhhvvn-22022266163940515.htm