Nghề làm bánh chưng, bánh tét hối hả vào vụ tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, những người 'giữ lửa' nghề làm bánh chưng, bánh tét ở La Gi đang vội vã, từng giây từng phút để làm ra những chiếc bánh thơm ngon phục vụ khách hàng, góp thêm hương vị xuân đậm đà trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Có thể nói, bánh chưng, bánh tét là món ăn, là hương vị mà dù ai đi đâu về đâu cũng muốn thưởng thức như một biểu tượng cho sự đoàn viên, sự đủ đầy. Trong không khí vui tươi, đầm ấm của những ngày Tết, trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt đều không thể thiếu đĩa bánh chưng xanh vuông vức hay đĩa bánh tét tròn đầy. Với ý nghĩa sâu xa đó, mà nghề làm bánh chưng, bánh tét truyền thống ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình gắn bó với nghề này, nhất là trong thời điểm tết đến xuân về .

Gắn bó với nghề làm bánh tét hơn 10 năm, mỗi năm cứ vào thời điểm này, lò bánh tét của vợ chồng anh Đoàn Anh Quang và chị Bùi Thị Như Ngọc ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi lại tất bật, hối hả hơn ngày thường. Để “chiều lòng” khách hàng anh Quang đã gói những chiếc bánh tét với nhiều kích cỡ khách nhau, được biết chiếc nhỏ nhất có giá 10 ngàn đồng, và chiếc lớn nhất là 70 ngàn đồng.

Nhanh tay trải lớp nếp, nhân đậu xanh để gói bánh, anh Quang phấn khởi cho biết: “Ngày thường gia đình tôi làm khoảng 100 đòn bánh tét để bỏ mối và bán lẻ ở chợ, nhưng dịp tết thì phải lên đến 300 đòn, có ngày lên đến 500 đòn bánh. Nhờ đó mà dịp này gia đình chúng tôi kiếm được một nguồn thu nhập khá để hưởng một cái tết sung túc, đủ đầy hơn”

Nói đến bánh chưng, bánh tét thì chắc chắn ai cũng biết rằng nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, còn loại lá dùng để gói bánh là lá dong hoặc lá chuối. Thế nhưng để bánh được thơm ngon thì nguyên liệu phải được chọn thật kỹ lưỡng. Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng với hạt mẩy, đều và to, đậu xanh là loại đậu mộc, loại 1, thịt heo phải chọn thịt ba rọi tươi ngon có cả nạc lẫn mỡ.

Theo như anh Quang chia sẻ thì sau khi chọn xong nguyên liệu, thì khâu chuẩn bị cũng khá kỳ công, gạo nếp phải được vo kỹ, đãi sạch và ngâm qua đêm cho gạo nở ra, đậu xanh cũng phải được đãi sạch nhưng thời gian ngâm ít hơn so với gạo nếp rồi để ráo nước, thịt heo thì chọn loại thịt thơm ngon và thái thành miếng dài rồi ướp với muối hạt và hạt tiêu.

Ngoài những công đoạn chuẩn bị nêu trên, việc rửa lá cũng được cho là khâu quan trọng không kém, quyết định tới chất lượng cũng như màu bánh bắt mắt khi bánh chín ra lò. Lá dong, lá chuối phải được rửa sạch qua nhiều nước, khi rửa phải dùng khăn mềm lau sạch 2 mặt của tàu lá cho sạch hết những bụi bẩn, rồi dùng một chiếc khăn mềm khác lau cho ráo nước để khi luộc, bánh sẽ không bị chua và lên mốc. Việc rửa lá trước khi gói bánh không thể vội vàng mà đòi hỏi người rửa phải thật cẩn thận, tỉ mỉ.

Vợ chồng anh Quang, chị Ngọc đang hối hả làm ra những chiếc bánh tét thơm ngon phục vụ khách hàng trong dịp tết đến xuân về

Từ bao đời nay, món bánh chưng, bánh tét mang đậm hương vị xuân không bao giờ có thể thiếu được trong mâm cúng ông bà, tổ tiên. Thắp một nén nhang thơm và dâng cúng một dĩa bánh chưng, bánh tét lên bàn thờ ông bà, tổ tiên như tỏ lòng thành kính của con cháu đối với những người đã khuất.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hiếm có loại bánh nào khi được làm ra vẫn còn giữ nguyên hương vị đất trời hòa quyện, hài hòa vào nét tinh tế ẩm thực ngày tết cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, bánh tét. Trong không khí vui tươi, hứng khởi của những ngày tết đến xuân về, trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt mà thiếu đi hương vị đậm đà của bánh chưng, bánh tét thì xem như thiếu đi một phần trọn vẹn cho sự khởi đầu của một năm mới.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghe-lam-banh-chung-banh-tet-hoi-ha-vao-vu-tet-116184.html