Nghề làm bánh đặc sản Quảng Nam hái ra tiền dịp Tết

Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ dân đã giàu lên từ nghề làm các loại bánh truyền thống, đặc sản của Quảng Nam. Trong dịp Tết, nhiều hộ kiếm được cả trăm triệu đồng.

Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam kịp thời hỗ trợ người dân nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất, kết nối với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.

25 năm gắn bó với nghề làm bánh, bà Hồ Thị Nhung, chủ cơ sở sản xuất bánh in Lợi Phổ ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên cho biết: ngày trước, cuộc sống gia đình quá khó khăn, chủ yếu dựa vào mấy sào đất trồng lúa, ngô, đậu... Từ khi chuyển sang nghề làm các loại bánh đặc sản của Quảng Nam, kinh tế gia đình khấm khá, có tiền xây nhà, mua sắm được nhiều đồ dùng trong nhà. Dịp Tết Quý Mão này, gia đình bà Hồ Thị Nhung sản xuất gần 4 tấn bánh các loại bán cho bạn hàng các tỉnh lân cận.

Mỗi ngày, một cơ sở bánh in có thể sản xuất 4 - 5 tạ bánh các loại để bán khắp nơi.

Mỗi ngày, một cơ sở bánh in có thể sản xuất 4 - 5 tạ bánh các loại để bán khắp nơi.

Cơ sơ sản xuất bánh của bà Hồ Thị Nhung có quy mô lớn nhất vùng, sản xuất quanh năm với nhiều loại bánh như: bánh in, bánh nếp trắng, bánh dừa nướng, bánh da dẻo. Bà Hồ Thị Nhung, chủ cơ sở sản xuất bánh in Lợi Phổ cho biết: Dịp Tết này, gia đình bà có lãi khoảng 200 triệu đồng từ việc sản xuất bánh truyền thống.

“Làm nghề bánh này đời sống khấm khá hơn ngày xưa, ngày xưa làm nông thì khó khăn. Ngày Tết mình làm nhiều hơn phục vụ thị trường. Năm nay không có dịch bệnh thì mình bán được hơn mấy năm. Các ngành chức năng tỉnh huyện cũng hỗ trợ tiền đầu tư máy móc sản xuất bánh. Ngày Tết làm tăng ca để phục vụ thị trường” - bà Hồ Thị Nhung chia sẻ.

Những chiếc bánh in đậu xanh mới ra lò có màu vàng óng rất đẹp mắt.

Những chiếc bánh in đậu xanh mới ra lò có màu vàng óng rất đẹp mắt.

Những năm gần đây, người làm bánh tại làng An Lạc mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều mẫu mã đẹp mắt. Ông Huỳnh Quang Trung, chủ cơ sở sản xuất bánh in tại làng An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: nguyên liệu làm bánh từ bột nếp, đậu xanh, đường cát, sau đó cho vào khuôn, ép chặt tạo nên những chiếc bánh có nhiều hình dáng đẹp mắt. Loại bánh này thường được thờ cúng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và làm quà biếu.

Bánh in An Lạc có vị ngọt thanh của đường, vị thơm của nếp và đậu xanh, rất xốp được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo ông Huỳnh Quang Trung, nhờ làm bánh truyền thống nên gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Những gói bánh in được trang trí đẹp mắt, giá dao động từ 19.000 đồng đến 22.000 đồng gói (tùy loại).

Những gói bánh in được trang trí đẹp mắt, giá dao động từ 19.000 đồng đến 22.000 đồng gói (tùy loại).

“Sản xuất bánh này có thu nhập cao hơn các nghề khác. Trong dịp Tết, sản lượng sản xuất ra gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường. Dịp Tết sản xuất 3 đến 4 tấn. Mình tạo việc làm cho nhiều lao động, bình quân mỗi lao động là 300 ngàn đồng, chủ yếu bàn trong dịp Tết” - ông Huỳnh Quang Trung nói.

Đến nay, làng An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có 25 cơ sở sản xuất các loại bánh đặc sản như bánh đậu xanh, bánh in, bánh dừa, bánh lăng…, đưa đi tiêu thụ mạnh khắp nơi, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương, giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Nghề bánh in truyền thống ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam giúp người lao động hái ra tiền trong dịp Tết.

Nghề bánh in truyền thống ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam giúp người lao động hái ra tiền trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vài năm trở lại đây, người dân tập trung làm nghề bánh truyền thống, đời sống khấm khá hơn.

“Bánh này cũng đã đưa đi khắp cả nước, sản phẩm này cũng bán chạy, từ đó tạo điều kiện cho người dân tiếp tục mở rộng ra để tạo một làng nghề lớn hơn. Hiện nay cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ thành lập Hợp tác xã, tạo được chuỗi liên kết, hình thành sản phẩm OCOP có chất lượng và được đưa ra thị trường” - ông Nguyễn Thế Đức nói./.

Tuyết Lê/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nghe-lam-banh-dac-san-quang-nam-hai-ra-tien-dip-tet-post997534.vov