Nghề làm chậu cây cảnh vào vụ tết

Nằm trên tuyến đường trục xã Nam Mỹ (Nam Trực), cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình anh Cù Thiết Mai rộng hàng trăm mét vuông. Tại khu sản xuất chậu cảnh, những người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn sản xuất, các sản phẩm thô, hoàn thiện bày la liệt khắp nơi. Anh Mai làm nghề này khoảng 12 năm... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thời điểm này, những người làm chậu cây cảnh trong tỉnh; nhất là ở các làng nghề cây cảnh, cây thế tất bật vào vụ sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường các loại chậu phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Anh Cù Thiết Mai hoàn thiện sản xuất chậu cảnh.

Nằm trên tuyến đường trục xã Nam Mỹ (Nam Trực), cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình anh Cù Thiết Mai rộng hàng trăm mét vuông. Tại khu sản xuất chậu cảnh, những người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn sản xuất, các sản phẩm thô, hoàn thiện bày la liệt khắp nơi. Anh Mai làm nghề này khoảng 12 năm; hiện mỗi tháng sản xuất được từ 30-40 chiếc chậu phục vụ thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh... Mỗi chiếc chậu sẽ có mức giá từ 300 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng. Nguyên liệu chính để làm chậu là sắt, thép, cát, xi măng. Trước kia, chậu cây cảnh được làm bằng xi măng chỉ đơn thuần là dùng cho việc trồng cây để tiện chăm sóc cho cây, chịu lực không tốt. Hiện nay các cơ sở làm chậu cây cảnh đã có khuôn định hình mẫu sẵn, không phải làm bằng khuôn quay như trước. Phần lớn các loại chậu được đúc bằng xi măng, bên trong có cốt thép nên chịu lực tốt, được nhiều người lựa chọn để trang trí, phối cảnh sao cho phù hợp với những tác phẩm sinh vật cảnh. Với những đường nét nghệ thuật, tinh tế, thị trường chậu cảnh, đặc biệt chậu nghệ thuật bằng chất liệu xi măng phát triển mạnh mẽ, thu hút khá đông khách hàng. Để làm được một chiếc chậu cảnh xi măng đẹp đòi hỏi kỹ thuật, bí quyết riêng của người làm nghề. Anh Mai đưa đôi bàn tay chai sạn xoa nhẹ mép chậu rồi liên tục xoay chuyển đổ bê tông làm thành chậu. Khi chậu đã đủ độ cứng, anh tháo khuôn ngoài, quét thêm một lớp mỏng xi măng. Anh Mai cho biết, đây là một trong những chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng. Nước xi măng giúp mặt chậu thành phẩm mịn và đẹp hơn. Sau khi hoàn thiện phần thô, việc trang trí, sơn màu cho chậu phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ. Người thợ phải chú ý pha màu thật chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố. Các hình họa tiết trang trí phải mềm mại, đẹp mắt. Nghề làm chậu hoa cảnh, không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, nhưng rất cần sự tinh tế và sáng tạo, sản phẩm làm ra phải đạt được chất lượng bền lâu mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người chơi cây cảnh. Với tay nghề lâu năm cộng với sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm, hiện nay anh Mai đã tạo ra những mẫu chậu, đôn chậu mới lạ và đầy sáng tạo với hình dáng các loại cây: tùng, cúc, trúc, mai, hay cảnh núi non hùng vĩ giữa sông nước bình yên... Cơ sở sản xuất chậu cây cảnh của anh Mai hiện đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày. Mỗi tháng, tổng thu nhập từ việc làm chậu cây cảnh của gia đình anh Mai đạt khoảng 200 triệu đồng. Anh Trần Văn Tùng, nhân viên tại cơ sở sản xuất chậu cây cảnh của anh Mai cho biết: “Tôi làm nghề đã được 5 năm. Nghề sản xuất chậu cây cảnh không đòi hỏi bằng cấp nên rất phù hợp với người lao động như tôi. Quá trình học nghề không quá khó, chỉ 1-3 tháng là đã có thể làm được sản phẩm hoàn chỉnh. Có tay nghề cộng với chăm chỉ và nhiệt huyết là có thu nhập ổn định”. Anh Lê Văn Tiến, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) trước kia chỉ sản xuất các loại chậu cảnh đơn giản, dáng tròn, không có hoa văn, họa tiết, làm bằng khuôn quay. Những năm gần đây, do đòi hỏi của khách hàng về mẫu mã, kiểu dáng chậu cảnh ngày càng cao, đa dạng nên gia đình anh Tiến cũng tiếp cận xu hướng, nâng cao tay nghề. Thay vì chậu quay tròn như trước, giờ đây, gia đình anh sản xuất chủ yếu chậu vuông, lục giác, chậu kỷ, chậu mi ni, bầu dục, chậu in chữ “phúc, lộc, thọ”, hỷ hay hình “tứ linh” (long, ly, quy, phượng…) với kích thước đa dạng, mẫu mã đẹp, phong phú, bắt mắt hơn, phù hợp theo yêu cầu của khách hàng.

Còn hơn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng dạo qua các cơ sở sản xuất chậu cây cảnh trên địa bàn tỉnh, không khí lao động đã rất nhộn nhịp. Những chiếc chậu thành phẩm được xếp thành hàng với nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau đang chờ được giao tận tay cho khách hàng. Người làm nghề cũng mong muốn Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tới, thị trường hoa cây cảnh sẽ tiếp tục khởi sắc để họ làm thêm nhiều chậu cảnh, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202011/nghe-lam-chau-cay-canh-vao-vu-tet-2540756/