Nghề làm chậu kiểng vào mùa tết
Đối với những người trồng hoa, chơi hoa, cây kiểng thì chậu cây là một vật dụng không thể thiếu được. Nhất là dịp tết đến, xuân về thì nhu cầu chơi hoa, cây kiểng của người dân càng tăng đáng kể.
Chính vì vậy, thời điểm này, các cơ sở sản xuất chậu kiểng trên địa bàn thị xã La Gi đang tất bật làm ra những chậu kiểng thật đẹp mắt để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chúng ta thường được chiêm ngưỡng nhiều chiếc chậu kiểng vô cùng đẹp mắt, nhưng ít ai biết được để làm ra được những chiếc chậu như vậy, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn vô cùng công phu và vất vả. Công việc của người đúc chậu bắt đầu từ những buổi sáng tinh mơ, cho đến tận đêm khuya, họ mới được nghỉ ngơi. Từ 4 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình An 2, xã Tân Bình, thị xã La Gi đã tiến hành lắp ráp khuôn để chuẩn bị cho công việc đúc chậu.
Sinh năm 1999, mặc dù mới 24 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn Phi đã có hơn 4 năm kinh nghiệm trong nghề đúc chậu kiểng. Được biết, loại chậu chủ yếu mà cơ sở của anh sản xuất là chậu lục giác được sơn, trang trí, đa dạng về hoa văn và vô cùng đẹp mắt. Đặc biệt để cung ứng cho thị trường tết thì dịp này những hoa văn mà anh chú trọng sẽ trang trí cho chậu là hoa mai, hoa đào, chữ xuân, chữ tết, các chữ phúc – lộc – thọ… để gia chủ có thể trang hoàng cho ngôi nhà của mình những chậu kiểng mang ý nghĩa tươi vui và rộn ràng không khí mùa xuân.
Được tận mắt chiêm ngưỡng đôi bàn tay điêu luyện của những người đúc chậu, mới thấy hết được sự tinh tế, kỹ thuật của những người thợ lành nghề. Mồ hôi ướt đẫm, đưa đôi bàn tay thô ráp xoa nhẹ mép chậu, anh Phi liên tục xoay chuyển đổ bê tông làm chậu. Khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ sau đó, anh tiến hành rút lòng trong của chậu. Và trong khoảng thời gian từ 20 - 24 tiếng đồng hồ, sau khi chậu đã đủ độ cứng, anh Phi tiến hành tháo khuôn ngoài, quét thêm một lớp mỏng xi măng. Anh Phi cho biết, đây là một trong những chi tiết nhỏ, nhưng lại rất quan trọng, nước xi măng sẽ giúp mặt chậu thành phẩm mịn và đẹp hơn. Được biết mỗi ngày như vậy, khởi đầu từ 4 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm, anh Phi cùng với 2 người thợ đúc được 2 chiếc chậu kiểng thành phẩm. Và khoảng 5 ngày sau đó, sau khi đã được “phơi nắng”, những chiếc chậu kiểng này sẽ được những người thợ “khoác” lên chúng “những chiếc áo” rực rỡ sắc màu theo thị hiếu và gu thẩm mỹ của khách hàng.
Vừa làm chậu kiểng, anh Phi vừa tâm sự với chúng tôi: “Nghề làm chậu kiểng tuy không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nhưng rất cần sự tinh tế và sáng tạo, sản phẩm làm ra phải được bền lâu và người thợ cần phải cẩn thận, tỉ mỉ nhất trong công đoạn sơn chậu, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người chơi cây kiểng”.
Đa dạng về kích cỡ, chính vì vậy giá chậu bán ra cũng khác nhau, tùy vào từng kích cỡ, cái nhỏ nhất sẽ có giá 100.000 đồng, và cái lớn nhất thì khoảng 5 triệu đồng. Tùy vào nhu cầu và sở thích mà người chơi cây kiểng có thể chọn lựa cho mình những chậu kiểng hợp “túi tiền”.
Được biết, không những bán lẻ, mà cơ sở sản xuất chậu của anh Phi còn thường xuyên cung cấp chậu cho các vựa hoa, cây kiểng trong và ngoài tỉnh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghe-lam-chau-kieng-vao-mua-tet-115594.html