Nghề làm giá đỗ ven sông Trà Khúc
Xóm Vạn đò ở thôn Thọ Lộc, thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) là nơi cung cấp giá đỗ lớn nhất cho Quảng Ngãi hiện nay. Nghề làm giá đỗ được người dân ở đây lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Phước giữ nghề truyền thống làm giá bên sông Trà Khúc
Tay thoăn thoắt rửa giá bà Nguyễn Thị Phước (66 tuổi), xóm Vạn đò, thị trấn Tịnh Hà kể: “Chúng tôi chẳng biết thứ hóa chất là gì. Chỉ biết tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên từ những bãi cát, gieo đậu trực tiếp trên những ổ cát rồi chờ vài ngày giá lên mầm thu hoạch. Như thế sợi giá vừa giàu giá trị dinh dưỡng vừa sạch nhờ hấp thụ khoáng chất tự nhiên vốn có trong cát”.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm giá bà Phước cho hay, nơi đây là vùng đất gắn bó lâu đời với nghề ủ giá bằng cát sông Trà Khúc, với gần 100 hộ dân theo nghề. Nhưng giờ đây, nghề truyền thống này đang dần lụi tàn bởi giá đỗ công nghiệp tràn ngập thị trường, thời tiết ngày càng thất thường, trong khi nguồn cát sông Trà Khúc được coi là linh hồn của nghề cũng trở nên khan hiếm vì bị khai thác quá mức.

Giá đỗ ủ bằng cát rất sạch, ngọt, giòn và vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của đậu xanh
Để cho ra những cọng giá sạch, khâu đầu tiên là chọn đậu xanh chất lượng tốt. Cùng với đó, cát dùng để ủ giá cũng phải là loại cát sạch từ ven sông Trà Khúc, cát được sàng kỹ để loại bỏ rác và sỏi, chỉ giữ lại phần mịn nhất. Đặc biệt, cát chỉ dùng 2 - 3 lần cho mỗi mẻ ủ, nếu sử dụng nhiều lần, đậu sẽ không nảy mầm.
Sau khoảng 4 ngày, giá bắt đầu bung mầm và có thể thu hoạch. Trung bình, 1kg đậu xanh sẽ cho ra khoảng 6kg giá. Mỗi ngày, gia đình bà Phước sẽ thu hoạch khoảng 20kg, đem bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/ký.

Để thu hoạch, việc đầu tiên phải làm là gạt lớp cát ra xung quanh cho đến khi hiện lên những mầm giá
Bà Nguyễn Thị Đoàn Viên, thị trấn Tịnh Hà cho biết, nghề thoạt nhìn thì đơn giản nhưng nghề này vất vả lắm. Mùa nắng thì phải tưới nước thường xuyên, mỗi ngày tưới nước 3 lần (sáng, trưa, chiều tối). Mỗi ổ giá cần khoảng 20 lít nước mỗi ngày mới đủ độ ẩm cần thiết cho giá nảy mầm.
Để thu hoạch, việc đầu tiên phải làm là gạt lớp cát ra xung quanh cho đến khi hiện lên những mầm giá. Tiếp đến sẽ lấy giá ra, giũ bớt cát, vặt gốc rồi cho vào rổ. Người trồng giá đào một cái hố lớn, sau đó lấy tấm bạt che mưa phủ lên hố rồi dùng mô tơ bơm nước vào để rửa.

Nghề làm giá đỗ truyền thống ở xóm Vạn đò đem lại thu nhập ổn định
“Tôi đã bám nghề làm giá bằng cát ở sông Trà khúc suốt hàng chục năm nay. Mỗi ngày, gia đình tôi dùng khoảng 20kg đậu xanh làm giá, thời điểm cận Tết thì nhu cầu của người dân tăng làm nhiều hơn”, bà Viên nói.
Hiện nay, hầu hết các hộ tham gia nghề làm giá đỗ truyền thống ở xóm Vạn đò đều có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội. Nhờ làm giá đỗ, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nghe-lam-gia-do-ven-song-tra-khuc-127047.html