Nghề làm hương vào vụ tết

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, các làng nghề làm hương truyền thống trên địa bàn tỉnh lại tất bật hối hả sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Hộ sản xuất hương truyền thống tại làng hương Quán Giò, ngõ Hàng Hương, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa).

Hộ sản xuất hương truyền thống tại làng hương Quán Giò, ngõ Hàng Hương, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa).

Những ngày này đến làng hương Quán Giò, ngõ Hàng Hương, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), không khó để bắt gặp những “đóa hoa hương” được xếp dọc hai bên tường con ngõ nhỏ. Mùi thơm thoang thoảng, ngan ngát của bột trầm cùng tiếng lách cách phát ra từ những dụng cụ sản xuất hương đã thu hút tôi đến cơ sở làm hương của chị Cao Thị Minh. Trong căn nhà ngói đỏ mộc mạc, chị Minh đang miệt mài quấn, đóng gói sản phẩm để chuẩn bị đơn hàng cho khách. Vừa làm chị vừa cho biết: “Nghề sản xuất hương ở đây duy trì quanh năm, nhưng thời điểm cận kề tết sản lượng thường phải tăng hơn theo nhu cầu của người mua. Trước đây, gia đình tôi chỉ làm hương theo phương pháp thủ công, nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng sản phẩm, tôi đã đầu tư các loại máy móc vào trong sản xuất; kết hợp giữa thủ công với máy móc hiện đại đã nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm có mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt mà hương vẫn giữ được mùi thơm. Với những nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như nhựa trám, bột cây bài, bột than đốt từ các loại thảo mộc..., hương ở đây có mùi thơm đặc trưng, được khách hàng tin dùng từ nhiều năm”.

Cũng theo chị Minh, hai loại hương được sản xuất phổ biến là hương bài và hương đen với độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Một sản phẩm được hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo pha trộn nguyên liệu đến se hương, phơi sấy... của người thợ sao cho thành phẩm làm ra đạt chất lượng như hình dáng thẳng, tròn, màu vàng nâu... Tùy từng loại mà có giá bán mỗi bó, hộp khác nhau. Những tháng cuối năm, lượng hàng sản xuất của gia đình chị thường tăng từ 30-40%. Cũng như chị Minh, nhiều người sản xuất hương Quán Giò đều quan niệm: Hương là mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh nên người sản xuất phải làm bằng cái tâm, sao cho hương vừa sạch, vừa thơm.

Hương Quán Giò làm quanh năm, nhưng vào những tháng cuối năm là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất. Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch các cơ sở, hộ sản xuất phải chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, gấp rút sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm. Trong khoảng thời gian này hương Quán Giò xuất ra thị trường số lượng sản phẩm gấp khoảng 5 lần so với thời điểm khác trong năm.

Như mọi năm, vào những tháng giáp tết, tại các cơ sở sản xuất hương thị trấn Yên Cát (Như Xuân) không khí sản xuất, vận chuyển hàng hóa, mua bán lại trở nên tấp nập. Bà Hà Thị Oanh, chủ cơ sở sản xuất hương đã có nhiều năm làm nghề, cho biết: "Những ngày cuối năm tiết trời lạnh hơn, mưa phùn, nồm ẩm nên những ngày có nắng chúng tôi phải tranh thủ mang hương ra phơi để kịp số lượng hàng cho khách. Nghề làm quanh năm nhưng tiêu thụ nhiều nhất là tháng 7 âm lịch và những tháng giáp tết nên cứ đến thời điểm này cơ sở của gia đình tôi phải thuê thêm nhân công, nhập thêm nhiều nguyên liệu”.

Cũng theo bà Hà, các công đoạn thì cơ sở nào cũng giống nhau, song cách trộn nguyên liệu để hương có mùi thơm thì mỗi cơ sở lại có bí quyết riêng. Tuy nhiên đây là sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh nên quá trình sản xuất luôn được thực hiện một cách cẩn thận với nhiều công đoạn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây gia đình bà đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy xay, lò sấy để sản xuất hương với số lượng lớn. Chỉ tính những tháng cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã xuất bán gần 5 triệu thẻ hương phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Các chủ thể sản xuất là thành viên trong HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Yên Cát để làm ra sản phẩm với năng suất cao cũng đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, thu nhập từng bước được nâng lên. Hiện HTX có 16 thành viên luôn hỗ trợ nhau việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tạo việc làm cho người lao động.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, sẽ không thể thiếu được mùi thơm linh thiêng của những nén hương trong những ngày tết. Đây là nghề không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất, mà trong nó còn chứa đựng cả giá trị văn hóa, góp phần làm đậm thêm cho hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nghe-lam-huong-vao-vu-tet/175655.htm