Nghề làm nước mắm di sản quốc gia ở Phú Quốc

Được chế biến từ những con cá cơm, nước mắm Phú Quốc đặc biệt và nổi tiếng từ lâu. Thương hiệu này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ cuối năm 2022.

Hiện thành phố Phú Quốc có hơn 50 nhà thùng hoạt động, với khoảng 7.000 thùng gỗ ủ chượp cá.

Nguyên liệu chính để làm nước mắm truyền thống Phú Quốc là cá cơm, được ủ chượp trong thùng gỗ với công thức 3 cá – 1 muối.

Cá cơm tươi được đánh bắt ở vùng biển Kiên Giang.

Người làm nước mắm Phú Quốc cho cá cơm đã ướp muối vào thùng ủ chượp. Thời gian ủ từ 12 - 15 tháng sẽ cho ra nước mắm thành phẩm.

Phần lớn các nhà thùng nước mắm quy mô lớn ở TP Phú Quốc tập trung chủ yếu ở hai phường Dương Đông và An Thới, nơi có cư dân khá đông đúc, có cảng cá, điều kiện giao thương đường biển, đường sông (sông Dương Đông) thuận lợi.

Thùng gỗ ủ chượp nước mắm ở Phú Quốc được những người thợ chế tác đặc trưng theo nguyên tắc ghép ván gỗ, gia cố bằng dây mây, có kích thước lớn để chứa được từ 12 - 15 tấn cá cơm ướp muối.

Sản phẩm nước mắm thường có 25 độ đạm trở lên, nước mắm gốc đạt ngưỡng trên 40 độ đạm. Hàng năm, toàn Phú Quốc sản xuất từ 20- 30 triệu lít nước mắm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Để được công nhận là di sản, nghề làm nước mắm ở Phú Quốc trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Người làm nghề kế thừa và phát huy nghề qua hàng trăm năm, không ngừng tìm tòi, học hỏi, cải tiến kỹ thuật với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng của nước mắm.

Ngư dân Phú Quốc vận chuyển cá cơm đã ướp muối về nhà thùng.

Ngư dân dùng lưới vây bắt cá cơm trên vùng biển Kiên Giang. Nhiều năm gần đây, sản lượng cá cơm đánh bắt được có xu hướng giảm khá mạnh.

Việc thiếu hụt nguyên liệu cá cơm là thách thức lớn đối với nghề làm nước mắm truyền thống ở đất đảo. Tuy nhiên, người dân vẫn bám nghề, duy trì sản xuất khá ổn định.

Nước mắm truyền thống Phú Quốc dần trở thành một trong số ít thương hiệu nước mắm nổi tiếng trên cả nước. Nhiều du khách quốc tế cũng biết đến nước mắm Phú Quốc và chọn mua sản phẩm này khi đến với đảo ngọc.

Sản phẩm nước mắm Phú Quốc thành phẩm được đóng chai, làm nhãn hiệu theo những quy chuẩn khắt khe, nỗ lực tạo lòng tin nơi người dùng. Hội nước mắm Phú Quốc đã thành lập từ nhiều năm trước. Đây là tổ chức nghề nghiệp quy tụ những người làm nước mắm ở đất đảo. Từ đó, hội viên có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm nghề.

Chính quyền Kiên Giang thường xuyên tổ chức các hoạt động công nhận, tuyên tuyền, quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Nghề làm nước mắm truyền thống này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cuối năm 2022.

Hoàng Giám

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-lam-nuoc-mam-di-san-quoc-gia-o-phu-quoc-2196392.html