Nghề 'mua của người chán, bán cho người cần'

PTĐT - Hàng ngày, trên những con đường, ngõ phố, thôn quê không khó để nhìn thấy những người phụ nữ với chiếc áo bạc màu rong ruổi đi thu mua phế liệu.

Từ những lon bia, vỏ nhựa, giấy vụn đến những chiếc quạt hỏng, nồi cơm đều được thu mua và phân loại rõ ràng.

Từ những lon bia, vỏ nhựa, giấy vụn đến những chiếc quạt hỏng, nồi cơm đều được thu mua và phân loại rõ ràng.

PTĐT - Hàng ngày, trên những con đường, ngõ phố, thôn quê không khó để nhìn thấy những người phụ nữ với chiếc áo bạc màu rong ruổi đi thu mua phế liệu. Theo mỗi vòng bánh xe trong cuộc mưu sinh vất vả này, tiếng giao “Ai nhôm đồng, sắt vụn, vỏ chai, dép hỏng bán không” của họ đã trở thành những gì quá đỗi quen thuộc khiến người ta nhớ đến như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Nghề thu mua phế liệu không còn xa lạ với bất kỳ ai nhưng không phải ai cũng có thể làm được, bởi còn đòi hỏi cả sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ. Giờ đây, từ thành thị đến nông thôn, nghề này ngày càng có “quân số” đông đảo, từ những người đi mua nhỏ lẻ tại các gia đình đến những người mở cửa hàng thu mua. Xã Hồng Đà, huyện Tam Nông nhiều năm trước đây đã có 2/3 số hộ dân đổ xô đi mua phế liệu. Nhiều người mở cửa hàng để thu mua phế liệu khi nhận thấy giá trị kinh tế mà nghề này đem lại, nhờ đó mà cũng có của ăn của để. Đồ nghề của họ rất đơn giản, là cái cân móc nhỏ, đôi ba bao tải đựng, hoặc thêm đôi sọt buộc vào gác ba ga chiếc xe đạp không cần mới chỉ cần chắc chắn và khỏe, đảm bảo để có thể thồ đồ trên suốt chặng đường đi. Làm nghề này, không cần phải bỏ quá nhiều vốn, bởi thế mà người ta vẫn hay đùa “vốn ăn mày, lãi quan viên”.

Nghề thu mua phế liệu giờ đây cũng đã khác trước rất nhiều. Tôi vẫn nhớ trước đây, lũ trẻ ở nông thôn chúng tôi vẫn thường cóp nhặt lông gà, ngan, vịt rồi vỏ chai nhựa chỉ để chờ nghe một tiếng giao vọng từ xa của người thu mua phế liệu là ba chân bốn cẳng chạy ra cổng chờ, tìm cho bằng được để bán lấy tiền mua kem que, kẹo kéo. Giờ đây, vẫn là những người còng lưng đạp xe giữa những ngày hè nắng nóng mồ hôi nhễ nhại hay những ngày trời đông rét buốt nhưng họ chỉ còn đi mua, không có đổi trác như ngày trước. Thuận mua, vừa bán, người nào khéo léo thì mua được nhiều thậm chí thành quen, khi cần bán chủ nhà chỉ cần điện thoại là họ sẽ đến mua, điều quan trọng là phải thật thà. Anh Thức, chủ một cửa hàng thu mua phế liệu tại xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì chia sẻ: Có khoảng 20 người thường xuyên đi mua rồi đem đến bán cho tôi. Họ có những hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần đều là nông dân vất vả, lam lũ, làm lúc nông nhàn để có thêm thu nhập. Trong số họ có người mới ngoài 20 tuổi, có người 60 tuổi, nghề này không kén chọn tuổi tác miễn sao là có sức khỏe và chịu khó. Nhiều người thậm chí còn mua được cả những thứ đồ dùng tốt của nhiều gia đình có điều kiện muốn thay đồ mới nên bán, thế nên mới nói “cũ người mới ta”. Anh Thức vừa cười vừa chỉ cho tôi người phụ nữ ngồi cạnh và bảo: “Chị này còn vừa mua được cả cái xe máy và cái tủ lạnh vẫn còn dùng tốt lắm”.

Những người thu mua phế liệu hàng ngày có thể rong ruổi cả vài chục km miễn sao là mua được hàng.

Những người thu mua phế liệu hàng ngày có thể rong ruổi cả vài chục km miễn sao là mua được hàng.

Phế liệu khi mua được phân thành từng loại và bán lại cho các chủ thu mua. Thông thường theo những cơ sở thu mua giá giấy vụn là khoảng 2.500 đồng/1kg, nhựa khoảng 4.000 - 5.000 đồng/1kg, đồng khoảng 90.000 - 100.000 đồng/1kg... Vì thế người đi mua thường sẽ khéo léo mua với giá hợp lý để đôi bên cùng có lợi. Nghề này cũng đòi hỏi phải nhanh nhẹn, tinh ý, nếu không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những thứ không bán được, hoặc chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí thấp hơn mua vào. Theo chân cô Nguyễn Thị Sâm, quê ở huyện Lâm Thao, rong ruổi trên con đê, rồi rẽ vào mọi ngõ ngách của các làng xã, chốc chốc lại giao to “ai nhôm đồng, sắt vụn bán đi” - tiếng giao đã trở thành quen thuộc không lẫn với bất kỳ nghề nào khác. Vừa đi cô vừa tâm sự: “Sở dĩ cô chọn nghề này bởi nó tự do, giờ quá tuổi nên không xin vào được các nhà máy. Vài tháng trước còn phải chăm mẹ già ốm đau nên tranh thủ đi được lúc nào thì đi, còn giờ chỉ có một mình nên cũng đi suốt, cứ lang thang cả ngày, bữa trưa tiện gì ăn đấy, hôm cái bánh chưng nhỏ, hôm cái bánh mì cũng xong. Trước đây tiền có thì nuôi mẹ già, giờ mẹ mất thì dành dụm nay mai ốm đau, bệnh tật còn nhờ anh em lo giúp”.Những người làm nghề thu mua phế liệu cũng gặp không ít rủi ro khi làm nghề tự do, không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại và nhiều khi trở hàng cồng kềnh cũng khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.

Các phế liệu mua được họ đem bán cho các chủ cửa hàng lớn thu mua, chất lên xe ô tô và chở đi.

Các phế liệu mua được họ đem bán cho các chủ cửa hàng lớn thu mua, chất lên xe ô tô và chở đi.

Theo những lời chia sẻ của họ, nghề này không phải lúc nào cũng suôn sẻ có những hôm xe đầy, nặng phải quay về bán cho các cơ sở thu mua rồi lại đi tiếp nhưng có những hôm cả một ngày lang thang chỉ được đôi 3kg giấy vụn, vài kg chai lọ nhựa, xe đi về nhẹ tênh. Họ đi có khi phải đến cả vài chục km, thậm chí là hơn thế. Nhiều người từ Vĩnh Tường, Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc hay ở Sơn Tây, Hà Nội cũng đạp xe đến các xã, phường trong thành phố Việt Trì để thu mua. Nghề thu mua phế liệu cũng có thời vụ, đặc biệt vào dịp Tết âm lịch, gia đình nào cũng dọn dẹp nhà cửa nên có nhiều thứ để bán, còn những ngày khác cũng đều đều như nhau. Bỏ lại những vất vả mưu sinh phía sau cánh cửa nhà, niềm vui của những người như họ sau một ngày vất vả bươn trải ngoài đường là được thấy con cái có bữa cơm no ấm, được học hành, khôn lớn trưởng thành, là niềm vui khi có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Chị Nguyễn Thị Thạch, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với chúng tôi: “Hàng ngày tôi cứ đạp xe lên thành phố Việt Trì, len lỏi mọi ngõ ngách để mua đồ phế liệu, sau đó bán luôn cho cửa hàng quen rồi về nhà, hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình. Về nhà có mệt mỏi đến đâu nhìn thấy các con là mọi thứ đều tan biến hết”.Vẫn được coi là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, hình ảnh những người phụ nữ hàng ngày miệt mài với chiếc xe đạp, trở những đồ phế liệu cũ kỹ trên đường khiến chúng ta biết trân trọng và cảm thông với mỗi nghề. Ai cũng có những lựa chọn công việc cho chính mình để nó có thể giúp họ cân bằng cuộc sống, bỏ qua những mặc cảm, những ánh nhìn của nhiều người họ vẫn âm thầm lặng lẽ trên con đường, ngõ hẻm để mưu sinh miễn sao họ tìm thấy được niềm vui và sự bình yên trong chính công việc của mình. Niềm vui của họ còn là được làm việc có ích cho xã hội bởi không có họ môi trường sẽ ra sao?

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201906/nghe-mua-cua-nguoi-chan-ban-cho-nguoi-can-165042