Nghệ nhân 'giữ lửa' nghề cói

Là một trong những người đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục, truyền lửa và phát huy giá trị nghề dệt cói truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch ở xã Kim Chính (huyện Kim Sơn) đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với những thăng trầm, thịnh suy của nghề cói. Đến nay, dù đã cao tuổi nhưng ông Thạch vẫn luôn trăn trở với câu hỏi làm sao 'giữ lửa' cho nghề cói.

Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ của ông Thạch, những lá dứa đã trở thành sản phẩm đẹp mắt.

Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ của ông Thạch, những lá dứa đã trở thành sản phẩm đẹp mắt.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có nhiều đời đều làm nghề đan cói vì vậy ngay từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch có một tình cảm đặc biệt dành cho loài cây mỏng manh mà bền bỉ này. Trong tâm trí ông vẫn còn in đậm những ngày nắng rát lội bì bõm theo bố ra bãi bồi cắt cói hay những đêm mưa phùn nằm thiêm thiếp trên chiếc chiếu, bên cạnh mẹ vẫn đang cần mẫn, nhịp nhàng đan cói trên khung.

Ông Thạch tâm sự: "Thủa nhỏ thấy bố mẹ cực nhọc tôi chỉ mong lớn thật nhanh để làm được nhiều việc, giúp đỡ một phần cho bố mẹ đỡ vất vả. Ngoài thời gian đi học, tôi phơi cói, đan cói, nhặt cói, nói chung tất cả những việc gì làm được tôi đều cố gắng. Khi đó tôi chỉ mong mẹ được nghỉ ngơi sớm để ôm tôi ngủ một giấc trọn vẹn. Tôi thương mẹ như thương cây cói mỏng manh, phải chống chịu mọi nắng gió mà vẫn xanh tươi, bền bỉ."

Theo ông Thạch, nghề đan cói với ông như là cái nghiệp, cái duyên. Ban đầu làm để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập, lâu dần thành niềm say mê lúc nào không hay. Thấy sản phẩm cói của địa phương được đánh giá cao về chất lượng, cói bóng đẹp nhưng mẫu mã không thể sánh với các sản phẩm nơi khác.

Vì vậy, ông Thạch đã tìm tòi, học hỏi nhiều kỹ thuật đan mới sau đó về truyền dạy cho bà con trong vùng. Có những thời điểm khi nghề cói không còn hưng thịnh, có nguy cơ thất truyền ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Ngọc Thạch tình nguyện đi dạy nghề, truyền nghề miễn phí cho người dân. "Bất cứ ai có nhu cầu tôi đều sẵn sàng chỉ dạy những kỹ thuật mới, bài bản, chỉ mong sao càng nhiều người quay lại gắn bó với nghề đan cói của ông cha càng mừng". Suốt cả cuộc đời gắn bó với nghề đan cói, ông Thạch không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm, truyền dạy kỹ thuật cho bao nhiêu người. Nhưng ở đâu ông cũng truyền dạy bằng tất cả đam mê, sự nghiêm túc, tỷ mỷ của một người lính.

Với ông, mỗi sản phẩm làm ra không phải là thứ hàng vô tri, vô giác mà ở đó chất chứa bao mồ hôi, vất vả, tỷ mỷ, cần cù từ người nông dân trồng, thu hoạch cói đến người thợ đan cói. Ngoài việc phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu cói của quê hương, ông còn trăn trở nghiên cứu những chất liệu khác như: bèo tây, mây, tre, lá dứa, bẹ cau... để tạo ra nhiều sản phẩm như túi xách, giỏ đựng, mũ, dép… Ông mong muốn một ngày nào đó các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên sẽ thay thế hoàn toàn cho những sản phẩm công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Trong một lần đi Thanh Hóa, khi gặp những người nông dân đang thu hoạch ngô, ông đã nảy ra ý định sáng tạo một sản phẩm từ bẹ ngô - một loại chất liệu vừa dai, vừa bóng đẹp, lại bền màu. Ông Thạch nhớ lại: "Thấy bà con thu hoạch ngô, bẹ ngô tuốt ra để chất thành đống cao rồi đốt, tôi thấy lãng phí nên mới suy nghĩ làm cách nào để tận dụng những bẹ ngô đó. Tôi chọn làm sản phẩm mũ vì nó vừa tiện dụng lại phù hợp với chất liệu này." Với tính thẩm mỹ, thân thiện môi trường, phù hợp làm hàng xuất khẩu, sản phẩm mũ bẹ ngô được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014.

Trong mỗi chuyến đi tham quan, giảng dạy ông Thạch đều cố gắng mang hết tâm nguyện, kiến thức của mình chia sẻ cho mọi người. "Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là đợt đi dạy nghề đan cho bà con dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam. Vụ sạt lở kinh hoàng đợt tháng 10/2020 khiến bản làng tôi ở bị cô lập, thiếu thốn, nguy hiểm đủ bề nhưng bà con người Cơ Tu ai cũng yêu thương, quý mến, có gì ngon cũng phần cho tôi hết. Tôi cảm động vô cùng. Điều đó như truyền thêm cho tôi 200% nhiệt huyết, quyết tâm để truyền nghề, giảng dạy cho bà con. Giờ đây tôi vui nhất là bà con Cơ Tu ở đó đã tự tin sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói, lá dứa. Nhiều sản phẩm đạt độ tinh xảo, được thị trường ưa chuộng. Đồng bào ta ở đó còn nghèo lắm, nếu có nghề để làm chắc chắn thu nhập sẽ được cải thiện." - Ông Thạch tâm sự.

Kể từ năm 2014, sau khi được công nhận là nghệ nhân nghề đan cói bèo bồng của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thạch thấy mình cần phải có trách nhiệm, cố gắng nhiều hơn để tiếp tục duy trì, phát triển nghề truyền thống của địa phương. Năm 2015, ông đạt giải A cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình.

Năm 2017, ông đạt giải C cho sản phẩm "Làn cói du lịch"; năm 2019 đạt giải B với sản phẩm "Túi xách thời trang". Năm 2020, ông đạt giải khuyến khích Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: "Dù đạt giải khuyến khích nhưng tôi rất vui, bởi các giải đặc biệt, nhất, nhì đều là học trò cũ của tôi ở các tỉnh thành. Tôi vui vì đã có lớp thế hệ trẻ tiếp bước, vui vì họ không những giữ được nghề đan lát của cha ông mà còn đưa vào đó hơi hướng của hiện đại, cách tân để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ lên tầm cao hơn."

Gần 70 tuổi, mái tóc đã bạc nhiều, giọng nói cũng không còn hào sảng như xưa nhưng người lính, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch vẫn không ngừng tìm tòi, học tập các kỹ thuật mới để trao truyền kiến thức cho bà con. "Cây cói chính là đặc ân mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất trù phú Kim Sơn qua hàng trăm năm quai đê lấn biển. Bảo tồn và phát triển nghề đan cói chính là trách nhiệm của mỗi người con quê hương, là cách để chúng ta khẳng định giá trị lao động và tưởng nhớ công lao của cha ông"- nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nghe-nhan-giu-lua-nghe-coi/d20221209083355255.htm