Nghệ nhân giúp học sinh hứng thú với môn Sử

Những bàn tay lấm lem đất sét nhưng học sinh lớp 12 trường THPT Pró (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đều hào hứng với trải nghiệm thú vị từ những tiết học ngoài trời.

Học sinh hào hứng với sản phẩm gốm do chính tay mình nặn

Học sinh hào hứng với sản phẩm gốm do chính tay mình nặn

Ngày 28/5, thầy Phạm Thanh Hoài, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân- Quốc phòng trường THPT Pró, cho biết, tổ vừa tổ chức cho học sinh (HS) khối lớp 12 học lịch sử địa phương theo cách thức mới. Bên cạnh việc vào lớp nghe thầy giảng bài như lâu nay, HS còn được tham gia chuyên đề “Dạy học lịch sử địa phương kết hợp giáo dục, bảo tồn nghề làm gốm truyền thống của người Chu Ru ở thôn Krăng Gọ”. HS được cho đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi về nghề làm gốm tại nhà của các nghệ nhân Chu Ru, thăm phòng trưng bày gốm và văn hóa của tộc người thiểu số này.

Sau đó, giáo viên chuẩn bị nguyên vật liệu và mời các nghệ nhân đến trường hướng dẫn HS nặn gốm, tạo ra những sản phẩm như nồi, niêu, chén, bát, bình hoa bằng gốm… khiến HS vô cùng hào hứng. Thay vì tổ chức làm bài kiểm tra lý thuyết trên giấy, HS sẽ được thầy cô đánh giá, cho điểm trên cơ sở những báo cáo về chuyến đi thực tế hay từ sản phẩm gốm mà các em tạo tác.

“Từ trước đến nay, bài giảng về các tiết học lịch sử địa phương có một số nội dung trùng lặp với các sự kiện lịch sử dân tộc, cách thức học cũng khá khô cứng nên HS cảm thấy nhàm chán. Để HS hứng thú hơn, tổ chuyên môn thử nghiệm từng bước lồng ghép nghề gốm truyền thống vào nội dung giảng dạy lịch sử địa phương hoặc tổ chức chuyên đề gốm cho từng khối lớp”, thầy Hoài nói.

Trước đó, thầy Hoài cùng cô Trần Thị Hằng hướng dẫn các HS Pơ Ju Nai Uyển My và Nguyễn Thị Luyến thực hiện đề tài “Thực trạng nghề gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ và một số định hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian tới”. Kết quả, đây là một trong 5 đề tài đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, năm học 2019 - 2020.

Theo Ban giám hiệu, mặc dù trường THPT Pró đóng ở thôn Krăng Gọ, nơi có làng gốm Chu Ru độc đáo, nhưng rất ít HS hiểu được giá trị của nghề gốm nơi đây. Trường triển khai các hoạt động nói trên để nâng cao nhận thức cho HS, định hướng nghề nghiệp trong tương lai và góp phần bảo tồn nghề truyền thống tại địa phương.

Khác với các dân tộc khác, người Chu Ru không dùng bàn xoay mà nặn gốm hoàn toàn bằng tay. Các nghệ nhân đi vòng quanh cục đất để nặn và chỉnh cho sản phẩm tròn đều. Có lẽ vì thế người ta ví von kỹ thuật làm gốm ở Krăng Gọ là “nặn bằng tay, xoay bằng mông”. Mô típ hoa văn khá mộc mạc cùng với việc giữ nguyên màu nâu vàng của đất sét sau khi nung đã làm nên cái hồn cho sản phẩm gốm Krăng Gọ. Người Chu Ru còn dùng những thứ có sẵn trong thiên nhiên như quả trám rừng để đánh bóng làm đẹp bề mặt gốm.

Cách nung gốm của người Chu Ru cũng độc đáo. Họ không xây lò mà nung lộ thiên trên bãi đất trống. Xếp gốm chồng lên thành cụm, những cái to đặt ở giữa, còn các sản phẩm nhỏ chèn xung quanh. Kế đến lấy củi và rơm rạ chèn và dựng vòng quanh thành hình chóp nón rồi châm lửa đốt trong vòng vài tiếng đồng hồ, sau đó ủ tro vài giờ nữa là mẻ gốm hoàn tất. “Cho một ít lá bạch đàn và phi lao vào đống lửa để tránh việc đồ nung bị nổ đột ngột”, nghệ nhân Ma Phương tiết lộ.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nghe-nhan-giup-hoc-sinh-hung-thu-voi-mon-su-1665108.tpo