Nghệ nhân Hà Nội chắp cánh cho chuồn chuồn tre 'bay' xa

Theo chia sẻ của nghệ nhân Đỗ Văn Liên, mỗi năm gia đình ông xuất khẩu sang Đài Loan khoảng 60-80 nghìn con chuồn chuồn tre, chưa kể thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ món đồ chơi truyền thống nay đã trở thành sản phẩm du lịch, xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm chuồn chuồn tre sau hoàn thành. Ảnh: Văn Đoan

Sản phẩm chuồn chuồn tre sau hoàn thành. Ảnh: Văn Đoan

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía Tây, làng nghề làm chuồn chuồn tre truyền thống tại Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành điểm đến du lịch trải nghiệm mới của du khách trong nước và quốc tế. Gắn bó với nghề truyền thống 23 năm nay, nghệ nhân Đỗ Văn Liên cho biết, quá trình chế tác chuồn chuồn tre đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến việc cắt, cạo bỏ lớp vỏ, phơi khô, công đoạn pha chế, khoan vót, uốn mỏ, mài cánh, cắt mỏ, cắm cánh và cuối cùng là tô điểm bằng những nét vẽ tinh xảo.

Nguyên liệu làm chuồn chuồn tre phải là những cây tre bánh tẻ đủ độ dẻo, không quá cứng cũng không quá mềm, để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ của sản phẩm. Tre được cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài từ 1-2m, sau đó cạo bỏ lớp vỏ xanh và phơi khô dưới nắng để loại bỏ mối mọt. Đồng thời quá trình phơi nắng giúp tre trở nên cứng cáp và dễ uốn hơn. Sau khi phơi khô, tre được cắt thành hai phần chính gồm phần thân và phần cánh, mỗi phần có chiều dài từ 30-50cm, tạo nên bộ khung cho những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Trong đó, công đoạn khó khăn nhất trong quá trình chế tác chuồn chuồn tre chính là việc cắm 4 cánh. Yêu cầu ở khâu này là vô cùng cao, các cánh phải được căn chỉnh một cách tỉ mỉ để chuồn chuồn có thể đứng vững. Mỗi chi tiết, từ kích thước đến góc cắm của cánh, đều phải đạt độ chính xác gần như tuyệt đối. Nếu không, chuồn chuồn sẽ bị mất cân đối và không thể đứng vững được.

“Điểm đặc biệt sản phẩm chuồn chuồn tre hấp dẫn khách hàng là có thể đậu trên hầu hết các bề mặt nhờ sự tính toán chính xác của người thợ” – nghệ nhân Đỗ Văn Liên bày tỏ.

Sản phẩm chuồn chuồn tre sau khi hoàn thành. Ảnh: Văn Đoan

Sản phẩm chuồn chuồn tre sau khi hoàn thành. Ảnh: Văn Đoan

Để thích ứng với sự thay đổi của thị trường, người thợ làng Thạch Xá đã chủ động liên kết với các tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển đồ chơi truyền thống. Đồng thời, những người thợ không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa chuồn chuồn tre đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Sản phẩm chuồn chuồn tre xuất hiện thường xuyên tại các chương trình, sự kiện du lịch, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống của Hà Nội. Thứ đồ chơi truyền thống chinh phục khách hàng bởi sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Những năm qua, sản phẩm chuồn chuồn tre xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan

Thành công này không chỉ khẳng định giá trị của sản phẩm truyền thống mà còn mở ra những triển vọng mới cho làng nghề, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi xuất sang Đài Loan khoảng 60-80 nghìn con, được chia thành 2 đợt, mỗi đợt từ 30-40 nghìn con. Giá bán mỗi con từ 5-7 nghìn đồng tùy và kích thước”.

Cũng theo nghệ nhân Đỗ Văn Liên, bí quyết nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các họa tiết trang trí trên chuồn chuồn tre vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt, vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao không ngừng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên (bên trái) chụp ảnh cùng với diễn viên, MC Tuấn Tú Ảnh: Văn Đoan

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên (bên trái) chụp ảnh cùng với diễn viên, MC Tuấn Tú Ảnh: Văn Đoan

Dịp cận Tết, nhu cầu của người dân tăng cao, đây cũng chính là thời điểm làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo nghệ nhân Đỗ Văn Liên, làng nghề tất bật từ khoảng giữa tháng 10 đến cuối năm.

Bằng tâm huyết “giữ lửa” nghề thủ công truyền thống, năm 2017, ông Đỗ Văn Liên được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghệ nhân. Cùng năm ông được Ban chấp hành Hội làng nghề Việt Nam tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc tham gia trưng bày khu “Không gian thủ công mỹ nghệ tre, nứa”. Nhiều năm liền ông Đỗ Văn Liên được nhận Giấy chứng nhận về những đóng góp tích cực trong hoạt động bảo tồn nghề thủ công truyền thống của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Thạch Thất trao tặng.

Mộc Miên - Văn Đoan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghe-nhan-ha-noi-chap-canh-cho-chuon-chuon-tre-bay-xa-405069.html