Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng qua đời, thọ 72 tuổi

Theo tin từ các học trò của Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 10 phút ngày 30-4 do bệnh già, hưởng thọ 72 tuổi.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng trong lễ đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng trong lễ đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng tên thật Lê Khắc Tùng, ông nổi tiếng trong giới nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ khi nhiều thập niên qua mở lớp dạy đờn ca tại ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM. Ông đã từng dìu dắt nhiều học trò thành đạt trong phong trào đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, trong đó có Nghệ sĩ Hoài Thanh (người nổi tiếng với vở cải lương "Gánh cỏ sông Hàn" trên sân khấu Hương Mùa Thu).

Đến chợ Hóc Môn hỏi lò dạy đờn ca tài tử của thầy Tùng thì người dân trong khu vực ai cũng biết, vì đó là điểm hẹn của những học trò đủ mọi nghề nghiệp, lứa tuổi cùng có chung niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng sử dụng được nhiều loại nhạc cụ, ông đã truyền nghề cho nhiều học trò tại lớp đờn ca tài tử do ông gầy dựng ở Hóc Môn

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng sử dụng được nhiều loại nhạc cụ, ông đã truyền nghề cho nhiều học trò tại lớp đờn ca tài tử do ông gầy dựng ở Hóc Môn

Sinh ra và lớn lên tại quê hương "Mười tám thôn vườn trầu", Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng còn là soạn giả với bút danh Lê Thanh, Lê Khắc Tùng.

Những năm gần đây, ông đã cùng với hai học trò là anh Đặng Thành Được và chị Nguyễn Thị Thu Hằng hướng dẫn lớp học đào tạo những nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca cho phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ,

Thạc sĩ – NSƯT Huỳnh Khải cho biết cả cuộc đời của Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng gắn bó với đờn ca tài tử. Năm 8 tuổi ông bắt đầu học đờn kìm với thầy Huệ Trì ở chùa Giác Huệ tại xã Tân Hiệp. Sau 4 năm học tập và rèn luyện nghề, ông đã sử dụng thành thạo các loại đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn sến, violon, guitar Việt Nam, tỳ bà, ống tiêu…

Năm 18 tuổi, nhận thấy bản thân có năng khiếu về đàn, ca và có khả năng truyền dạy nên ông bắt đầu dạy đàn trong nhạc tài tử và ca cổ cho những bạn bè, con cháu đam mê đờn ca tài tử. Năm 1995, ông mở lớp truyền dạy tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn. Năm 2000, ông cùng với nghệ sĩ ưu tú Ba Tu mở lớp dạy đờn ca tài tử cho tỉnh Long An và An Giang.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng, nghệ nhân Thu Hằng và Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng, nghệ nhân Thu Hằng và Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ

"Trong khoảng thời gian khi còn công tác, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, Nghệ nhân Nhân dân - soạn giả Lê Thanh Tùng thành lập được 2 câu lạc bộ sáng tác và 5 câu lạc bộ biểu diễn sân khấu. Các câu lạc bộ cải lương do ông đào tạo đã có nhiều đóng góp trong việc đi biểu diễn giao lưu và phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện và đạt nhiều thành tích trong các đợt liên hoan, hội diễn. Bên cạnh truyền dạy, ông còn tham gia sáng tác ca khúc nhạc tài tử với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, trong đó có nhiều bài ca do ông sáng tác đạt giải thưởng cấp thành phố, cấp quận. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ của TP HCM nói riêng và cả miền Nam nói chung" – Thạc sĩ – NSƯT Huỳnh Khải nói.

Có thể kể từ năm 2002 đến 2008, Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng làm chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP HCM nơi có khoảng 300 thành viên. Ông đã biên soạn thành giáo trình để hướng dẫn cho học viên theo từng bước với phương pháp cụ thể và dễ hiểu nhất và giúp họ trưởng thành, gầy dựng thêm nhiều nhóm đờn ca tài tử trên khắp cả miền Nam và TP HCM.

Từ năm 2008, sau khi nghỉ hưu, ông mở lớp dạy đờn, ca tại nhà. Ông được mời làm giám khảo trong Liên hoan đờn ca tài tử giải "Hoa sen vàng" và Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới của TP…

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng và học trò - Nghệ nhân Thu Hằng

Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh Tùng và học trò - Nghệ nhân Thu Hằng

Nghệ nhân Nhân dân, soạn giả Lê Thanh Tùng đã được trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú loại hình "Nghệ thuật trình diễn dân gian TP HCM" năm 2015; "Nghệ nhân Nhân dân" năm 2019; Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian 2012; Bằng khen của Thủ tướng tặng về việc có thành tích trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2014; Bằng khen của UBND TP HCM tuyên dương Tấm gương thầm lặng cao cả; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa; Huy chương Vì thế hệ trẻ…

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nghe-nhan-nhan-dan-le-thanh-tung-qua-doi-tho-72-tuoi-20210501081743891.htm