Nghệ nhân Phan Minh Đức: Trọn lòng với nghệ thuật dân gian
Dân chơi nhạc Tài tử đều quý trọng anh, bởi anh không chỉ là một nghệ nhân giỏi chuyên môn, có uy tín, mẫu mực trong hoạt động nghệ thuật mà còn là người rất tâm huyết gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống của đất Nam Bộ. Anh chính là nghệ nhân Phan Minh Đức.
Giọng ca đậm chất tài tử
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lái Thiêu (Thuận An - Bình Dương) cây lành trái ngọt, nơi có nghệ thuật Đờn ca Tài tử sớm phát triển, với nhiều giọng ca hay, ngón đờn điệu luyện như: NSƯT Phương Quang, NNƯT Cao Thị Thắng, NNƯT Phạm Ngọc Phú...
Từ thuở thiếu thời, cậu bé Phan Minh Đức đã mê đắm những giai điệu của dòng nhạc cổ truyền Nam Bộ. Thấy Minh Đức có chất giọng tốt, cô bác chơi nhạc Tài tử ở địa phương tận tình chỉ dạy anh cách ca vọng cổ. Ngoài ra, anh còn học lỏm ca cổ qua làn sóng của Đài phát thanh, tự tập ca những điệu lý dân ca Nam Bộ và các bài bản vắn của âm nhạc Tài tử - Cải lương.
Đầu thập niên 1990, khi học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, anh “tầm sư học đạo”, tìm đến các bậc thầy để thọ giáo. Anh may mắn được Nghệ nhân dân gian (NNDG) Bạch Huệ và nhà giáo Kim Loan chỉ dạy kỹ thuật hành văn, sắp nhịp; NSƯT Công Thành và NSƯT Tấn Đạt hướng dẫn phong cách ca tài tử. Sau một thời gian, Minh Đức ca rành rọt 20 bản Tổ và các bài bản truyền thống trong nhạc mục Tài tử - Cải lương. Từ đó, anh bắt đầu tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể - nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Sở hữu chất giọng “thổ pha đồng”, làn hơi đầy đặn, cao độ tốt, nhất là biết kết hợp ca - diễn thật nhuần nhuyễn. Nhờ vậy mà Phan Minh Đức thể hiện những bài bản thuộc hơi điệu Bắc và vọng cổ khá hay. Đặc biệt, kỹ thuật sắp nhịp của anh thật tài tình, độc đáo. Khi ca, anh không cần luyến láy hay lạng bẻ, nhưng vẫn hấp dẫn người nghe nhờ chất giọng trầm ấm của mình. NSƯT Huỳnh Khải từng nhận định: “Trong giới chơi Đờn ca Tài tử Nam Bộ hiện nay, Minh Đức là một trong những giọng ca hiếm hoi “rặt” chất Tài tử”.
Cũng nhờ giọng ca mà suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Phan Minh Đức luôn được các đơn vị văn hóa - nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ hết lòng tin tưởng chọn tham gia trình diễn Đờn ca Tài tử phục vụ bà con kiều bào ở nước ngoài (Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…), công chúng và du khách trong các dịp lễ, Tết…
Trong thời gian 21 tỉnh, thành có Đờn ca Tài tử ráo riết chuẩn bị hồ sơ trình tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (viết tắt UNESCO) công nhận Đờn ca Tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ nhân Phan Minh Đức tham gia tích cực trong bộ phim tư liệu về Đờn ca Tài tử Nam Bộ (bao gồm: băng thu thanh, đĩa hình, sách, hình ảnh) do Nhà Xuất bản Âm nhạc và Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện. Nghệ nhân Phan Minh Đức đã có công lớn khi Đờn ca Tài tử Nam Bộ được thế giới vinh danh.
Những năm gần đây, anh đồng hành với các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi chuyên môn như: TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng, NSƯT Văn Môn, NSƯT Lê Nguyên Đạt, NNƯT Thanh Tuyết, NNƯT Ngọc Đặng, nhà giáo Kim Loan, ThS. Phan Nhứt Dũng, ThS. Phạm Thái Bình… thực hiện các chương trình giới thiệu, biểu diễn Đờn ca Tài tử và âm nhạc dân tộc phục vụ học sinh - sinh viên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với mục đích giúp cho giới trẻ hiểu sâu sắc hơn những giá trị độc đáo của nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Tham gia truyền nghề
Song song với quá trình làm nghề, nghệ nhân Phan Minh Đức cũng nhận học trò để truyền dạy, với mong muốn duy trì và ngày càng phát huy các giá trị độc đáo của Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Nghệ nhân Phan Minh Đức trải lòng: “Tôi thấy Đờn ca Tài tử Nam Bộ có nhiều cái hay và độc đáo, luôn thỏa mãn nhu cầu giải trí của quần chúng nhân dân. Thế nhưng, hiện nay lực lượng kế thừa có tay nghề cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy mà từ năm 2009, tôi bắt đầu nhận và truyền nghề cho học trò”.
Đến nay, anh đã truyền dạy trên dưới 1.000 người, trong đó có những học trò xuất sắc, từng đoạt giải cao ở các cuộc liên hoan, hội thi về cổ nhạc miền Nam như: Mỹ Tiên, Nhật Nguyên, Võ Hoàng Dư, Nguyễn Nguyệt Thu, Trần Nhựt Đức, Nguyễn Trọng Nhân… Hiện tại tất cả đã cùng anh tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể - Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Chương trình giới thiệu, biểu diễn Đờn ca Tài tử và âm nhạc dân tộc phục vụ học đường, cũng như các sự kiện văn hóa - chính trị ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long… ngày một phong phú, có thêm nhiều gương mặt trẻ là nhờ công đóng góp của anh. Khi tôi hỏi, anh cảm nhận thế nào về thái độ của khán giả dành cho Đờn ca Tài tử hiện nay? Anh nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên vì khán giả vẫn lưu tâm đến Đờn ca Tài tử, trong đó có giới trẻ. Người ta cứ nói công chúng quay lưng với nghệ thuật cổ truyền nhưng tôi thấy nếu làm nghiêm túc, tâm huyết thì ngược lại là đằng khác. Quan trọng là phải trình diễn làm sao cho công chúng không thấy chán”.
Hơn 30 năm đằng đẵng theo nghề, mọi người mến mộ nghệ nhân Phan Minh Đức không chỉ vì tài năng với nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, giải thưởng, mà còn vì đức độ của anh. Anh luôn thân thiện, hòa đồng với mọi người. Đặc biệt, với các bạn trẻ, anh tận tâm chỉ dẫn các em từ chuyên môn đến cách “đối nhân xử thế”. Cho nên nghệ nhân Phan Minh Đức luôn được mọi người trân quý.
NNƯT Ngọc Đặng tâm sự: “Nghệ nhân Phan Minh Đức là thế hệ đàn anh của tôi. Anh làm việc hết lòng, nhiệt tình, có khả năng và trình độ cao ở loại hình nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Đặc biệt, anhcó kinh nghiệm truyền dạy cực hay vì anh là người am hiểu sâu về dòng âm nhạc độc đáo này và có kỹ năng sư phạm tốt. Do đó học trò dễ tiếp thu phong cách thể hiện các làn điệu của nhạc Tài tử Nam Bộ”.
Chị Ngọc Lan, một học trò của nghệ nhân Phan Minh Đức chia sẻ: “Thầy Phan Minh Đức là người giàu tâm huyết. Nhờ có thầy mà chúng tôi trưởng thành, trở thành những người có đóng góp cho hoạt động Đờn ca Tài tử ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Với nhiều cống hiến cho nghệ thuật dân gian - dân tộc, nghệ nhân Phan Minh Đức được UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 - năm 2021.
Hiện nay, nghệ nhân Phan Minh Đức vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là làm sao đào tạo nhiều người trẻ làm đội ngũ kế cận. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả của những người làm công tác này rất ít được cộng đồng biết đến. Song những điều đó không làm chùn bước người nghệ nhân luôn trọn lòng với nghệ thuật âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam.