Nghệ nhân ưu tú Đức Tân: Thổi hồn cho thương hiệu gốm Bát Tràng

Để tạo sự khác biệt trong sản phẩm trên đất làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm năm, nghệ nhân ưu tú Đức Tân và vợ là nghệ nhân Thu Hằng đã quyết tâm nghiên cứu và tìm lối đi cho riêng mình bằng một phong cách riêng biệt và kỹ thuật tráng men độc đáo.

Mang văn hóa Việt đi khắp năm châu

Đang vào hạ, trời nắng nóng như đổ lửa nhưng gian hàng trưng bày của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh vẫn đông nườm nượp khách du lịch quốc tế và trong nước. Đến làng Bát Tràng không ai là không biết đến nghệ nhân ưu tú Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm tại Bát Tràng nhiều đời, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã nuôi dưỡng ước mơ từ thuở nhỏ, ông luôn tự tìm kiếm, sáng tạo ra những sản phẩm gốm mới lạ mang phong cách và thương hiệu gốm Đức Tân rất riêng biệt. Năm 2013, ông thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Gốm Tân Thịnh, nơi tập hợp 11 thành viên đều là những nghệ nhân giỏi, ưu tú của làng.

Ngay từ những ngày đầu, Tân Thịnh đã tập trung nghiên cứu để "làm mới" gốm cổ. Đặc biệt để tăng tính nhận diện sản phẩm, mỗi năm Tân Thịnh đều sẽ cho ra những bộ sản phẩm với họa tiết, màu sắc khác nhau, phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng. Một số tác phẩm tiêu biểu được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ…

Nghệ nhân Trần Đức Tân không ngừng sáng tạo để lưu giữ nghề gốm truyền thống của Làng Bát tràng

Nghệ nhân Trần Đức Tân không ngừng sáng tạo để lưu giữ nghề gốm truyền thống của Làng Bát tràng

Đặc biệt, năm 2023, bộ sản phẩm men Suối ngọc của Hợp tác xã đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao về độ sáng tạo cũng như thiết kế tinh xảo, đạt được chứng nhận OCOP 5 sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đây là một trong những sản phẩm mang cả những nét truyền thống và đương đại. Gốm men Suối ngọc khẳng định là sản phẩm gốm Bát Tràng của thế hệ mới, không thuộc dạng kiểu phục chế những gì của thế kỷ cũ. Dù vậy, sản phẩm này vẫn kế thừa những tinh hoa truyền thống nhưng mang hơi thở đương đại. Điểm nhấn phải kể đến việc bản thân Suối ngọc đã hội tụ 5 loại men cổ xưa của gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng mang 5 màu sắc biểu tượng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Gốm men Suối ngọc đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng

Gốm men Suối ngọc đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng

Sự ra đời của sản phẩm Gốm men Suối ngọc đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng bằng chứng là khách hàng đối tác và khách du lịch tìm đến HTX nhiều hơn. Số lượng đơn hàng đặt cho dòng sản phẩm này ngày một tăng đây là minh chứng cho thấy, sức sống của sản phẩm với người tiêu dùng lớn như thế nào.

Trao đổi về lý do lựa chọn mô hình HTX, ông Tân cho biết: “HTX Sản xuất kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh ra đời có vai trò rất lớn trong kinh tế xã hội của làng nghề. Việc chúng tôi quyết định liên kết để thành lập HTX thay vì công ty liên doanh là bởi các thành viên cũng chính là các nghệ nhân lâu năm của làng nghề mong muốn có một thứ gì đó chung để gắn kết các hộ làm nghề trong vùng, nhưng cũng phải gần gũi với tính chất làng nghề truyền thống. Vì vậy, HTX chính là một mô hình hợp lý, tạo điều kiện giúp chúng tôi cùng nhau phát triển và đưa danh tiếng của làng nghề bay xa”.

Được biết hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập trung bình từ 10 -15 triệu đồng/tháng. Hiện, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường trong nước và nước ngoài trên 50.000 sản phẩm các loại, với nhiều chủng loại và mẫu mã đa dạng.

Không ngừng truyền lửa cho thế hệ trẻ

Làm thế nào để giữ nghề, phát triển nghề luôn là vấn đề khiến nghệ nhân Trần Đức Tân đau đáu.

“Nghệ nhân là người phải sáng tạo, phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn nghề, phát triển nghề cũng như để truyền lại cho các thế hệ sau. Tên tuổi của làng gốm đã tạo tiền đề cho thế hệ các nghệ nhân trẻ, là một nửa của sự thành công khi được kế thừa và tiếp nối nghề của cha ông. Gìn giữ tinh hoa của nghề là điều mà những người làm gốm như chúng tôi luôn đau đáu”, nghệ nhân Trần Đức Tân chia sẻ.

Tình yêu dành cho nghề gốm sứ mãnh liệt đã khiến nghệ nhân Trần Đức Tân luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người dùng nhưng cũng như giữ được nét tinh túy của nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng. Ông đã thành công trong việc truyền lại tình yêu, sự đam mê ấy cho người con trai cả: nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú (sinh năm 1995).

Làm thế nào để giữ nghề, phát triển nghề luôn là vấn đề khiến nghệ nhân Trần Đức Tân đau đáu.

Làm thế nào để giữ nghề, phát triển nghề luôn là vấn đề khiến nghệ nhân Trần Đức Tân đau đáu.

Mặc dù là người đi sau, kế thừa và học hỏi tinh hoa, song những sản phẩm của nghệ nhân Trần Anh Tú đã để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện tinh hoa của làng nghề. Nghệ nhân trẻ có góc nhìn, sự sáng tạo độc đáo, lạ mắt, đã trẻ hóa mẫu mã gốm sứ Bát Tràng, thổi hồn đương đại vào gốm sứ mà không làm mất đi giá trị cốt lõi của truyền thống làng nghề.

Nói về “truyền nhân” của mình, nghệ nhân Trần Đức Tân tự hào cho biết: “May mắn được thừa hưởng “chất nghệ” của bố mẹ nhưng nghệ nhân Anh Tú đã tạo được dấu ấn riêng của riêng mình, thể hiện được sự sáng tạo của một người trẻ, đó là những họa tiết, hoa văn truyền thống, quyện trong những kiểu dáng hiện đại. Tú có thế mạnh là bố mẹ đã để lại nền tảng, chất liệu cũng như kinh nghiệm, khi có những chất liệu ấy thì Tú luôn có tư duy sáng tạo, tư duy mới lạ để tạo ra những sản phẩm mang tính văn hóa, lịch sử, bắt kịp xu hướng, tôi rất vui vì điều đó”.

Cũng như mong ước của cha mình, nghệ nhân Trần Anh Tú đã rất có ý thức trong việc bảo tồn, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Với sự sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết với nghề gốm, Trần Anh Tú đã có cách học tập và nhìn nhận khác biệt so với thế hệ đi trước. Tú nghĩ, điều quan trọng cần có là những trải nghiệm về gốm mang tính chuyên nghiệp. Bằng sự nỗ lực và không ngừng sáng tạo của mình, sau gần một thập kỷ gắn bó với nghề, tên tuổi của Trần Anh Tú đã được biết đến nhiều hơn trong làng gốm, anh đã “thoát khỏi” danh nghĩa là con trai Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân mà vươn lên bằng chính năng lực thực thụ của mình. Và dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Trần Anh Tú đã “thổi hồn” vào đất sét Bát Tràng để nhào nặn thành biểu tượng rồng cho năm mới Giáp Thìn, tượng trưng cho năm mới an lạc, thái bình và thịnh vượng, có tên gọi “Long mã hà đồ”. Đây chính là minh chứng cho sự sáng tạo, đột phá trong tư duy của nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú.

Nhiều người nói, mỗi gia đình hay mỗi nghệ nhân đều giữ những bí kíp nghề cho riêng mình, tuy nhiên, với sự hội nhập hiện nay nếu cứ giữ như vậy thì sẽ không lan tỏa được giá trị của nghề. Riêng bản thân tôi, trong gia đình cũng như ở làng Bát Tràng hay trong giới nghệ nhân, luôn có sự trao đổi, giao thoa với nhau để phát triển những giá trị mà ông cha để lại, chứ không phải giữ cho riêng mình”, nghệ nhân Đức Tân cho hay.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-nhan-uu-tu-duc-tan-thoi-hon-cho-thuong-hieu-gom-bat-trang-10284393.html