Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca

Ở độ tuổi 75, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế vẫn luôn tất bật với những công việc liên quan đến nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế.

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng

Là giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế, với mỗi người học trò cô đều ân cần chỉ dạy tận tình. Tôi đã từng có duyên được theo cô đến lớp, và có lần nhìn hình ảnh người nghệ sĩ bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy đứng trên bục giảng, dạy từng cách luyến láy nhả chữ, gõ phách nhịp và liên tưởng đến hình ảnh kiếp tằm nhả tơ. Kim Vàng là một nghệ sĩ có đủ đầy cả tài lẫn đức.

NNƯT Kim Vàng đang từng ngày dìu dắt những thế hệ trẻ tiếp truyền bộ môn Ca Huế vào bất cứ lúc nào, ở đâu. Với cô, được cống hiến cho nền nghệ thuật truyền thống của quê hương được ngày nào, đó là niềm hạnh phúc. Và bất cứ ai yêu Ca Huế, tìm đến Ca Huế, cô đều sẵn sàng truyền dạy. Cô nói, ở độ tuổi của cô bây giờ quỹ thời gian không còn nhiều, nên trao truyền được điều gì để môn nghệ thuật phi vật thể này lan tỏa, cô đều không quản ngại.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế: Thân sinh là NNƯT Ngọc Yến, thân mẫu là nghệ sĩ Kim Oanh, hai người đã từng bán cả gia tài để thành lập Đoàn Nghệ thuật Ca kịch Trị Thiên (tiền thân Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế ngày nay). Người em trai là NSND Ngọc Bình, giám đốc đầu tiên của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; em gái là nghệ sĩ Kim Kiều. NNƯT Kim Vàng đã kết duyên cùng nghệ sĩ Đình Hạp, người sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc: nhị, nguyệt, sáo trúc…

Nay tiếp theo thế hệ truyền thống âm nhạc của gia đình là hai người con gái: Nghệ sĩ diễn viên Mai Sao, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nghệ sĩ Mai Anh đàn tranh. Nghệ sĩ Quốc Khánh, con trai nghệ sĩ Mai Sao, cháu ngoại NNƯT Kim Vàng tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã tỏ ra rất tài hoa khi đàn được nhiều bài bản khó trong Ca Huế cũng như dàn dựng phần âm nhạc cho Ca kịch Huế.

Từ lâu đã gắn bó với Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế số 25 Lê Lợi, nay NNƯT Kim Vàng vẫn đều đặn đến sinh hoạt hàng tuần cùng các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này. Với ai cũng vậy, NNƯT Kim Vàng luôn công tâm, yêu thương truyền dạy. Không cậy mình là "cây cao bóng cả", cô nghiêm khắc nhưng tế nhị nhắc nhở, uốn nắn, cô động viên, nâng đỡ những ai có tiến bộ để giúp họ có thể phát huy hết những khả năng của mình.

Với vai trò hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NNƯT Kim Vàng đã hoạt động rất tâm huyết, trong đó ghi nhận đáng trân trọng là NNƯT Kim Vàng đã giảng dạy cho các em khiếm thị từ tháng 7/1999 cho đến nay. NNƯT Kim Vàng đã giúp các em ấy tìm thấy ánh sáng nghệ thuật đúng nghĩa trong cuộc đời.

Trước nay, Ca kịch Huế đã có mặt song song bên cạnh Ca Huế, nhưng sau một thời gian những buổi diễn Ca kịch Huế dần dần không còn nữa do những điều kiện khách quan nhưng niềm mong mỏi được phát triển môn nghệ thuật này vẫn luôn cháy bỏng trong lòng các nghệ sĩ. Vậy nên, khi NNƯT Kim Vàng đề nghị phục dựng lại các trích đoạn tuồng cổ của Ca kịch Huế thì đã nhận được sự hưởng ứng rất phấn khởi từ các thành viên của Câu lạc bộ. Vậy là mỗi ngày các diễn viên được sự truyền dạy nhiệt tâm của cô đã biểu diễn khá thành công các trích đoạn tuồng cổ, như vở Thoại Khanh Châu Tuấn, Phụng Nghi Đình, Trần Bồ... và nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và người mộ điệu.

Tựa như những bữa cơm hàng ngày được thay đổi món, giờ đây Câu lạc bộ Ca Huế Thính phòng lại mang một sắc thái sinh động hơn nhưng vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc truyền thống của mình vì thật ra Ca kịch Huế và Ca Huế vốn là một. Các lời ca trong Ca kịch vẫn lấy từ những làn điệu trong Ca Huế, như: Nam bình, Phú Lục, Nam xuân, Quả phụ, Tương tư khúc... Điều này có một sự đóng góp không nhỏ của NNƯT Kim Vàng.

Có thể nói, NNƯT Kim Vàng là một trong số ít nghệ nhân Ca Huế thuộc thế hệ vàng còn giữ được phong độ trong biểu diễn. Ở độ tuổi ngoài 75, cô không chỉ giữ nguyên giọng hát mượt mà, phong thái biểu diễn sang trọng, truyền cảm mà còn lôi cuốn trong rất nhiều vai diễn. Những vai giả nam, già, trẻ, hài… vai diễn nào Kim Vàng cũng diễn tròn trịa, vũ đạo thuần nhuyễn, chuyên nghiệp. Diễn xướng nghệ thuật dân gian cũng là thế mạnh của NNƯT Kim Vàng, trong đó bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu đã được NNƯT Kim Vàng thể hiện xuất sắc qua làn điệu Vè đã được công chúng hoan nghênh, tán thưởng.

Một người nghệ nhân ngoài giọng ca trời phú, sự tài hoa trong nghề ra còn phải sống bằng cái tâm của mình, đó mới thực sự là một nghệ nhân, nghệ sĩ đúng nghĩa. Kim Vàng là một trong những nghệ nhân đáng quý ấy khi luôn luôn hết lòng, hết sức truyền dạy, giúp cho những thế hệ sau tiếp truyền, tiếp cận với môn nghệ thuật mang tính bác học sang trọng này. Qua thực tiễn hoạt động nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế, NNƯT kim Vàng đã nhận được Huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và nhiều Bằng khen khác của Trung ương, của khu vực cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế.

Bài, ảnh: Trang Thùy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/nghe-nhan-uu-tu-kim-vang-sang-dep-mai-loi-ca-136681.html