(LĐ online) - Thời gian qua trên địa bàn huyện Đam Rông, các mô hình, dự án nuôi cá tầm công nghệ cao được người dân phát triển rất mạnh, mang lại sự thành công lớn. Điều này góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, làm phong phú thêm mặt hàng thủy sản ở địa phương.
Đến thăm mô hình nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu (Thôn 2, xã Rô Men), chúng tôi thật ngỡ ngàng với mô hình nuôi cá tầm ở đây khác lạ với các mô hình chăn nuôi thủy sản truyền thống. Vùng nuôi không phải là ao, hồ, ngòi, suối... mà là bể xây bằng gạch, bằng bê tông có láng xi măng tạo thêm độ bền, chống thấm nước, các bể được đặt trên mặt đất.
Trên diện tích trên 1 ha, anh Thu đã xây dựng được 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16 m3 để nuôi cá nhỏ.
Khi cá lớn, anh san đàn ra 32 bể lớn, mỗi bể có diện tích 10*10 m2. Các bể được thiết kế có mức nước phổ biến cao 1m, dung tích chứa cũng tương ứng 100 m3 nước/bể. Theo tính toán của anh Thu thì nuôi thả cá ở mức 10 đến 15 kg cá thương phẩm/m3 nước chứa trong bể, là mật độ nuôi phù hợp.
Với lợi thế về về khí hậu và nguồn tài nguyên nước lạnh (nhiệt độ dưới 18 độ C, độ cao từ 600 m trở lên). Đây là môi trường rất thích hợp với điều kiện sinh sống của cá tầm. Có nguồn nước suối trong mát, nhiệt độ nước và nguồn nước bổ sung cho các bể nuôi ổn định, cá tầm sẽ phát triển rất tốt, không mắc dịch bệnh.
Hiện tại, nguồn cá giống đã được anh Thu trực tiếp nhập trứng đã thụ tinh từ Nga về để cung cấp cho người dân. Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15-16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt trong 75 ngày.
Thức ăn cho loại cá trên là cám viên sản xuất dành riêng cho cá tầm được mua về hoặc thức ăn người nuôi tự sản xuất nhưng phải dựa theo nhu cầu dinh dưỡng, sở thích của cá
Sau 12 tháng, cá có thể đạt trọng lượng 1,8-2kg và đây là thời điểm thu hoạch để bán cho các nhà hàng, doanh nghiệp.
Với giá cá dao động ở khoảng 180.000-200.000 đồng/kg, năng suất 10-15 kg/m3, người nuôi có thể đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/bể 16 m3, hoặc 150 triệu/bể 100 m3.
Tuy nhiên, việc xử lý nguồn nước thải từ hoạt động nuôi cá tầm đang là vấn đề đặt ra, nhất là đối với nông hộ nuôi quy mô nhỏ. Tại các trang trại nuôi cá tầm lớn, nước nuôi cá sau khi thải ra được đưa về một bể trung tâm để nuôi các loại cá tạp, các loại cá tạp sẽ ăn thức ăn dư thừa và các loại chất thải của cá tầm. Sau đó tiếp tục đưa qua các bể lắng, cuối cùng được thải ra ngoài môi trường khá sạch.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết: Nghề nuôi cá tầm đang mang lại hiêu quả kinh tế cao cho bà con. Cùng với cây chuối Laba, sản xuất rau hoa trong nhà kính, con cá tầm đã được Huyện ủy Đam Rông chọn làm bước đột phá để phát triển kinh tế cho người dân.
UBND huyện cũng đã tiến hành lập quy hoạch vùng nuôi cá, đồng thời khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP.
HOÀNG SA