Nghề nuôi loài cá 'đặc sản' trên miền di sản Phong Nha Kẻ Bàng

Cá nuôi ở đây, chất lượng thịt thơm ngon không khác gì cá tự nhiên, mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Dòng sông Son nổi tiếng với làn nước trong xanh tận đáy, chảy ra từ các hang động đá vôi trong những ngọn núi Kẻ Bàng (thuộc Di sản Thiên nhiên Thế giới). Với lợi thế đó, người dân ở Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã tập trung nuôi nhiều cá lồng bè, chủ yếu là cá trắm.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, 58 tuổi, trú thị trấn Phong Nha, nghề nuôi cá trắm lồng giữa sông Son có từ 70 năm trước, riêng gia đình ông nuôi 25 năm. Trải qua nhiều thập kỷ, nghề có lúc thăng trầm, nhưng gần đây nghề này mang lại thu nhập ổn định nhờ sự phát triển du lịch ở di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các lồng bè nuôi cá trắm trên sông Son.

Các lồng bè nuôi cá trắm trên sông Son.

Trên dòng sông Son, nhà ông Thứ có hai lồng nuôi, kích thước 2,5x7x1,8 m mỗi lồng, thả 200 con gối vụ. Lồng cá nằm cách nhà tầm 100m, mỗi sáng sớm, ông đi bộ ra lồng, chọn cá xuất bán cho các mối đặt hàng. Đôi tay lành nghề, nhanh thoăn thoắt, ông Thứ nhanh chóng chọn ra 10 con lớn nhất có trọng lượng từ 5 đến 7kg mỗi con.

"Tùy theo trọng lượng mà mức giá có giao động khác nhau, chẳng hạn cá trên 7kg bán 130.000 đồng/kg, nhẹ hơn 100.000 đồng/kg. Những con cá này được nuôi ít nhất 5 năm, đạt cân nặng khoảng 5kg mới xuất bán. có nhiều hộ nuôi có thể kéo dài thời vụ thêm 1-2 năm, khi cá nặng trên 7kg để bán giá cao hơn", ông Thứ cho biết.

Cá trắm nuôi ở đây có chất lượng thịt thơm ngon không khác gì cá tự nhiên

Cá trắm nuôi ở đây có chất lượng thịt thơm ngon không khác gì cá tự nhiên

Ban đầu lồng làm bằng tre, quây lưới xung quanh, bên ngoài có thùng phi nhựa để lồng nổi trên mặt nước. Sau nhiều năm lồng bị vỡ, thùng phi bể, ông Thứ cải tiến làm lồng bằng sắt, đặt thùng phi bên trong lồng. Kết thúc một vụ nuôi, các lồng được đưa lên bờ gia cố.

Thức ăn nuôi cá chủ yếu là rong rêu ở dưới sông được người dân vớt lên. Loại rong này mọc tự nhiên, nằm ở mực nước 0,7-1,5m, xuất hiện từ sau Tết cho đến đầu mùa lũ. Những tháng mưa lũ rong bị cuốn trôi, người dân ở đây hái lá, củ sắn, cắt cỏ, chuối cho cá ăn.

Thức ăn nuôi cá chủ yếu là rong rêu ở dưới sông được người dân vớt lên.

Thức ăn nuôi cá chủ yếu là rong rêu ở dưới sông được người dân vớt lên.

Chính vì vậy, cá nuôi ở đây, chất lượng thịt thơm ngon không khác gì cá tự nhiên, mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, với khí hậu khắc nghiệt mỗi lần mưa lũ đến, người dân bao lần điêu đứng vì nguy ngơ mất trắng nếu thiếu kinh nghiệm trong quá trình nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Hảo, 62 tuổi, ở làng Na, thị trấn Phong Nha, có 5 lồng lớn với hơn 700 con cá trắm đen chia sẻ: "Nuôi cá trắm có lợi nhuận cao nhưng cũng rất cực khổ. Vào mùa mưa, nước sông ở đây lên nhanh lại chảy xiết sẽ làm cho cá ở lồng bị sốc nước và chết không ít, dịch bệnh cũng gây thiệt hại đáng kể, nhẹ cũng thiệt hại vài chục triệu đồng, nặng thì hàng trăm triệu, có khi mất trắng", ông Hảo kể lại.

Cá trắm trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn.

Cá trắm trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn.

Ông Phan Thanh Luận, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha, cho hay địa phương có 390 hộ dân nuôi với 700 lồng cá. Hộ nhiều nhất nuôi 5 lồng. Hàng năm, làng nghề xuất bán hơn 100 tấn cá trắm. Thời gian nuôi lâu, giá bán vừa phải nên lợi nhuận người dân thu được cho một lồng nuôi suốt 5 năm không cao, khoảng 70 triệu đồng. Người dân xem đây là thu nhập thụ động, công việc lúc nhàn rỗi.

Sau năm 2003, khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, cá trắm trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn. Cá trắm có thể chế biến thành cháo, món xào, hấp, gỏi, nướng. Gần đây, thị trấn Phong Nha thành lập Hợp tác xã chả cá trắm, chế biến cá thành chả, đạt chất lượng sản phẩm OCOP bốn sao.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-nuoi-loai-ca-dac-san-tren-mien-di-san-phong-nha-ke-bang-a597633.html