Nghề nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh: Đến lúc 'xốc lại'!
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nghề nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh phát triển bền vững, người dân cần quan tâm hơn đến yếu tố kỹ thuật, quy trình thả nuôi.
Khu vực Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh được biết đến là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, người dân ở đây cũng đã không ít lần lao đao vì hiện tượng ốc chết hàng loạt sau thả giống. Những nguyên nhân "cố hữu" được cơ quan chuyên môn nhận định là do người dân không tuân thủ quy trình, kỹ thuật khi thả nuôi như nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường ao chưa được xử lý đúng quy định, mật độ thả giống cao hơn nhiều so với khuyến cáo... Cùng đó, tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, thất thường khiến sức đề kháng của ốc hương bị giảm sút.
Ông Trần Mạnh Duyên (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: “Hơn 15 năm trong nghề, tôi vẫn thả giống với mật độ dày vì cho rằng ốc trong quá trình nuôi sẽ bị hao hụt nhiều, thả dày đến khi thu hoạch là vừa. Còn tác hại của việc thả với mật độ quá dày thì ít quan tâm đến. Nguồn nước chúng tôi còn thường xuyên lấy trực tiếp từ ngoài vào, không qua ao lắng cặn cũng có thể còn tiềm ẩn nhiều sinh vật gây hại tới sức khỏe con ốc. Sau sự cố lần này, tôi “vỡ lẽ” ra nhiều điều, phải xem xét lại quá trình nuôi của mình để hạn chế thiệt hại trong những vụ tới”.
Cùng thời điểm này 1 năm về trước, người nuôi ngao ở tại xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà), xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) cũng từng xót xa khi hàng trăm tấn ngao bị chết, bao vốn liếng trôi theo con nước bạc. Khi các cơ quan chuyên môn về lấy mẫu kiểm tra thì mật độ nuôi ở khu vực xã Đỉnh Bàn có nơi lên đến gần 2.000 con/m2. Mật độ nuôi như này dày gấp 8 - 10 lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn (bình quân 180 – 250 con/m2). Nuôi với mật độ dày dẫn đến tình trạng cạnh tranh thức ăn và chỗ trú ẩn (khi nhiệt độ xuống thấp) làm ngao bị yếu, giảm sức đề kháng.
Tại vùng nuôi xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), qua đánh giá, để tăng sản lượng và lợi nhuận, người dân thường xuyên để thời gian nuôi ngao tại các bãi liên tục, không có thời gian nghỉ bãi, thả nhiều đợt giống gối vụ chồng lên nhau. Ngoài ra, việc không thực hiện vệ sinh, cải tạo bãi nuôi trong thời gian dài đã gây áp lực lớn lên môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi.
Cùng đó, chất lượng nguồn giống, kích cỡ con giống cũng chưa được người dân quan tâm đúng mức. Ông Phan Văn H. (xã Mai Phụ, Lộc Hà) cho biết: “Giống được người dân mua chủ yếu ở Bến Tre, Thái Bình...; thường kích cỡ lớn bé khi chuyển về đều thả lẫn với nhau. Chúng tôi cũng ít quan tâm đến kích cỡ "chuẩn" theo khuyến cáo".
Được biết, hiện nay, diện tích nuôi nhuyễn thể của Hà Tĩnh đạt trên 420 ha (chiếm 15,2% diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ) với các đối tượng nuôi chủ yếu gồm: ngao, hàu, vẹm, ốc hương... Trong đó, các vùng nuôi trọng điểm là huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… Sản lượng nuôi năm 2023 đạt hơn 3.500 tấn, cho giá trị sản xuất khoảng 53,3 tỷ đồng. Chi phí sản xuất các đối tượng này không lớn, chủ yếu là đầu tư bãi nuôi, giàn bè, giống và nhân công nên đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Tuy còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển nhưng việc thả nuôi các đối tượng nhuyễn thể như ốc hương, ngao, hàu… tại các địa phương vẫn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo các khâu theo quy trình kỹ thuật và quản lý dịch bệnh. Thực tế nhiều năm qua, cứ vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết diễn biến thất thường, môi trường nước, nhiệt độ nhiều xáo trộn, các vùng nuôi lại xảy ra hiện tượng đối tượng nuôi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ đời sống kinh tế của người dân”.
“Về lâu dài, các ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá lại thực tiễn nuôi nhuyễn thể để có kế hoạch phát triển phù hợp. Cùng đó, huy động nguồn lực nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, chỉ đạo bổ cứu thường xuyên kỹ thuật nuôi cho người dân; tiến hành thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong điều kiện thời tiết, môi trường ngày càng khắc nghiệt, để hạn chế thiệt hại, bản thân người nuôi khi thực hiện thả giống, chăm sóc cần tuân thủ quy trình nuôi và quản lý dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn như: sử dụng giống có nguồn gốc, được cơ quan chức năng kiểm tra; thả mật độ, kích cỡ con giống phù hợp; chú trọng vệ sinh, xử lý môi trường nuôi thường xuyên…” - bà Nguyễn Thị Hoài Thúy khuyến cáo thêm.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nghe-nuoi-nhuyen-the-o-ha-tinh-den-luc-xoc-lai-post264971.html