Nghề nuôi ong du mục

ĐBP - Những ngày hè nắng gió, mồ hôi đẫm ướt lưng áo của những người đưa ong đi kiếm mật hoa. Năm này qua năm khác, mùa nào hoa nấy, người nuôi ong với cuộc hành trình, 'di cư' cùng đàn ong của mình. Người và ong rong ruổi khắp các cung đường bất kể nắng hay mưa, để mưu sinh và làm mật ngọt cho đời.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tình thu hoạch mật ong.

Theo những mùa hoa

Những ngày đầu tháng 4, nắng vàng trải dài khắp vườn cà phê ở huyện Mường Ảng. Đây là thời điểm cuối vụ cho những đàn ong tận thu lấy mật.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề dẫn ong “đi ăn” hoa cà phê ở Mường Ảng, ông Nguyễn Hữu Tình, ở bản Nà Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) kể: Mùa hoa cà phê là thời điểm thích hợp để lấy mật hoa bởi hầu hết các xã của Mường Ảng cà phê nở bạt ngàn hoa. Theo kinh nghiệm của dân trong nghề, mật hoa cà phế rất tốt và cho lượng mật nhiều. Hoa cà phê có màu trắng, mùi hương dịu hấp dẫn lũ ong kéo về kết mật tạo nên sản phẩm mật ong đặc sánh, thơm ngon. Từ lâu, mật ong là vị thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm. Ngày nay mật ong còn được sử dụng trong ngành công nghiệp, mỹ phẩm, làm đẹp.

Vừa cẩn thận kiểm tra từng thùng ong, ông Tình cho biết công việc tuy đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ, cầu kì và phải thực sự kiên nhẫn. Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn; các loài hoa, mùa hoa nở; mùa ong đi lấy mật; cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Trong mỗi thùng luôn có một con ong đầu đàn (ong chúa), chúng chỉ làm nhiệm vụ sinh sản ra “đội quân” ong thợ để đi kiếm hoa làm mật. Một con ong chúa có thể sống và sinh sản liên tục từ 3 - 5 năm, sản phẩm quý nhất của nó chính là sữa ong chúa. Để tăng đàn, cứ khoảng 2 năm, người nuôi cần tiến hành thay giống ong chúa một lần, thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng nên chọn gỗ không có mùi. Khi sáp phủ kín khoảng 2/3 cầu thì mật sẽ được quay ngay tại điểm nuôi để đảm bảo độ tươi và độ sánh vàng.

Để thu hoạch, người nuôi ong dùng thùng quay, sử dụng lực ly tâm để lấy mật. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều tay thì mật mới chảy đều. Sau khi thu hoạch, mật ong được lọc, đóng chai rồi bán. Nghề nuôi ong như nuôi con mọn nhưng thu nhập khá. Ông Tình nhẩm tính: Mùa hoa nở rộ 1 tuần quay mật 1 lần, còn mùa ít hoa thì tùy theo thực tế mà định ngày quay mật. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm người nuôi ong có thể được thu 5 vụ mật. Mỗi thùng ong có thể cho từ 3 - 10kg mật nguyên chất. Ở những khu vực có nhiều thức ăn tự nhiên, trung bình mỗi đàn ong cho thu hoạch khoảng 50kg mật/năm. Với giá mật ong hiện nay giao động từ 120.000 - 180.000 đồng/lít thì việc có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng sau khi đã trừ các loại chi phí không phải là quá khó.

Lắm nỗi truân chuyên

Nuôi ong du mục như “đánh bạc với trời”. Không chỉ cần sức khỏe mà còn phải nhẫn nại, tỉ mỉ. Biền biệt xa nhà, ngày đêm làm bạn với đàn ong, với hơn 10 năm gắn bó với nghề, ông Lò Văn Lún, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) trải lòng: Mỗi mùa hoa, để chuẩn bị cho cuộc “di ong” thì từ đêm hôm trước gia đình đã tiến hành đóng cửa tổ ong để nhốt chúng lại. Đến 3 - 4 giờ sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, ong còn đang ngủ thì vận chuyển các thùng ong đến khu vực có hoa, tạo thuận lợi cho các chú ong thợ đi hút mật… Cứ thế, đến mùa hoa hoa nhãn, hoa vải (tháng 3), hoa ngô, hoa chó đẻ (tháng 1), cúc quỳ (tháng 12) ông lại cùng đàn ong rong ruổi khắp các cung đường. Theo kinh nghiệm của ông Lún, nếu nuôi ong mà không di chuyển cùng mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì ong sẽ đói, thậm chí có đàn bỏ tổ bay đi. Dù vất vả nhưng bù lại sẽ cho nguồn phấn hoa phong phú và sản lượng mật cao nếu được mùa. Song điều khiến người nuôi ong di cư lo nhất là làm phật lòng chủ vườn hoặc người dân bản địa. Khi đi đến những vùng đất lạ, không phải chủ nuôi ong nào cũng được cư dân bản địa tiếp đón nồng hậu. Ông Lún từng chứng kiến nhiều chủ ong bị thiệt hại khi chủ vườn “trở chứng” xua đuổi vì cho rằng ong làm hại hoa màu, vườn cây của họ. Thế nên nuôi ong không chỉ nhạy cảm với mùa hoa mà còn cần có mối quan hệ thân thiết với chủ vườn cây.

Chứng kiến dòng mật chảy ra từ thùng quay mới cảm nhận được sự chăm chỉ, cần mẫn không chỉ của hàng triệu con ong mà của cả người nuôi chúng. Công đoạn này rất công phu, nơi đặt thùng quay mật phải xa tổ ong và thùng quay mật được che chắn không cho ong bay vào thùng quay lấy mật. Sau khi kiểm tra đàn ong, đàn nào đạt tiêu chuẩn thu hoạch mới tiến hành quay mật. Người thu mật phải trùm lưới kín đầu, tay đi găng, chân đi ủng, đốt khói xua bớt ong rồi mới lấy cầu ong lên. Sau khi quay xong mật, cầu ong được trả lại cho đàn theo đúng vị trí cũ, theo thứ tự của nó…

Hiểu từng vùng đất, mùa hoa, mỗi chuyến di chuyển hàng trăm thùng ong là những chuyến mưu sinh vất vả thậm chí đối mặt với những rủi ro. Người nuôi ong du mục giống như những thủ lĩnh nắm trong tay cả triệu quân tí hon hành quân trên mọi nẻo đường để tìm kiếm mật hoa với hi vọng về một mùa mật bội thu. Cứ thế, hết mùa hoa, đàn ong được đưa về nghỉ ngơi chờ mùa hoa mới!

Đỗ Quyên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/187565/nghe-nuoi-ong-du-muc