Nghề phụ thu nhập chính

Dù là nghề phụ nhưng buôn bán đồ gia dụng đã mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều gia đình ở khu dân cư Sơn Khê, phường Thái Thịnh (Kinh Môn).

Chị Vũ Thị Hằng ở khu dân cư Sơn Khê, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) chuẩn bị hàng hóa để đi bán dạo

Chị Vũ Thị Hằng ở khu dân cư Sơn Khê, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) chuẩn bị hàng hóa để đi bán dạo

Cứ 6 giờ sáng hằng ngày, chị Vũ Thị Hằng ở khu dân cư Sơn Khê lại kiểm tra xe máy, chằng buộc thêm chiếu, ga trải giường, màn, vỏ bọc đệm ghế, chổi quét nhà… để "lên đường" đi làm. Chị tiếp tục sang huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) bán hàng dạo. Hơn 10 năm gắn bó với nghề này, chỉ những ngày mưa hay gia đình có việc bận, chị mới nghỉ còn ngày nào cũng cần mẫn đi bán. Chị bán đến khoảng 17 giờ tối mới quay trở về. Gần 1 năm trở lại đây, khi cầu Dinh hoàn thành, chị Hằng và các chị em trong nhóm buôn bán đi lại thuận tiện hơn nhiều.

“Công việc tuy có đôi chút vất vả và nguy hiểm bởi phải tham gia giao thông liên tục, hàng hóa cũng tương đối nặng và cồng kềnh nhưng bù lại thu nhập khá nên chúng tôi xác định gắn bó lâu dài với nghề”, chị Hằng chia sẻ.

Cũng gắn bó với nghề buôn bán vật dụng gia đình được chục năm nay, chị Đặng Thị Then cho biết gia đình chị có hơn 2 sào ruộng, chủ yếu là cấy lúa. Để có tiền chi phí học hành của con và các khoản khác, trước đây những lúc rảnh rỗi chị làm công nhân ở các doanh nghiệp gần nhà nhưng thời gian gò bó, nhiều khi bận việc gia đình không được nghỉ. Vì thế, chị cũng đi buôn bán hàng hóa gia dụng. Chị lấy hàng từ tỉnh Thái Bình hoặc của một số người buôn lớn hơn trong khu dân cư.

Chị Then cho biết: “Làm nghề này vốn bỏ ra không nhiều, lại có thu nhập ngay. Mỗi ngày sau khi trừ vốn và các khoản chi phí khác chúng tôi lãi từ 250.000-300.000 đồng”.

Không giống như chị em phụ nữ đi bán lẻ, anh Trần Văn Thắng lại sắm ô tô buôn bán lớn. Anh Thắng cho biết, trước đây gia đình anh cũng trực tiếp sản xuất các mặt hàng gia dụng và cung cấp cho người dân bán lẻ nhưng thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nhập nguyên liệu khó khăn, nhiều lao động lại chuyển sang làm nghề khác nên anh dừng sản xuất và sang tỉnh Thái Bình nhập hàng về bán buôn. Hiện anh bỏ mối cho khoảng chục cửa hàng và người bán lẻ.

Khu dân cư Sơn Khê vốn có nghề sản xuất chiếu cói. Thế nhưng khoảng 20 năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, người dân không sử dụng chiếu cói mà thay bằng chiếu gỗ, tre, nilon. Vì thế, nghề dệt chiếu cói ở Sơn Khê cũng mai một dần và đến nay gần như mất hẳn. Nhiều người làng nghề đã kịp thời thích nghi với thị trường bằng cách nhập các mặt hàng như chiếu làm bằng các chất liệu gỗ, tre, nilon, gối, ga, phất trần nhà, bình ngâm rượu, giường xếp về bán thay thế sản phẩm làng nghề. Thị trường tiêu thụ ở các huyện trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh…

Theo ông Phạm Bá Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thái Thịnh, khu dân cư Sơn Khê có khoảng 200 hộ buôn bán nghề gia dụng nhỏ lẻ và khoảng 4 hộ buôn bán lớn, chiếm gần 50% số hộ trong khu dân cư. Thu nhập của những hộ này đạt từ 10-15 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 40% so với mức thu nhập trung bình của xã. Từ nguồn thu nhập trên, đời sống của người dân cũng khá giả. Nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều gia đình sắm được ô tô, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa rộng rãi. UBND phường Thái Thịnh luôn tuyên truyền, vận động người dân trong khu dân cư tích cực theo nghề để có cuộc sống ổn định.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nghe-phu-thu-nhap-chinh-199245