Nghe quảng cáo 'nâng ngực' không cần phẫu thuật, nhiều cô gái gặp họa
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) liên tiếp nhận các trường hợp nữ bệnh nhân 'nâng ngực đệm mô lipid', 'nâng ngực bằng sóng xung kích' đến cấp cứu, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy các bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Nhập viện sau khi tiêm chất lạ
Gần đây, trên mạng xã hội tràn lan quảng cáo “nâng ngực đệm mô lipid” sẽ đẹp lên như ý sau 60 phút mà không cần phẫu thuật đã thu hút phái đẹp muốn nâng cấp vòng 1 nhưng lại sợ phẫu thuật, sợ đau…Tuy nhiên, phía sau những lời quảng cáo có cánh về phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không ít chị em đã phải gánh chịu hậu quả "tiền mất tật mang".
Đó là, trường hợp bệnh nhân T.H.T (30 tuổi, Thanh Hóa) do tự ti với vòng một quá nhỏ nên chị muốn “chơi lớn” thay đổi kích cỡ vòng 1. Sau khi lên mạng, chị T bị hấp dẫn với phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không cần phẫu thuật, không đau đớn, ngực đẹp nhanh và chi phí rất phải chăng chỉ với 10 triệu đồng.
Nghe theo lời mật ngọt của nhân viên spa tư vấn, chị T đã tới một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện “nâng ngực đệm mô lipid”.
Theo chia sẻ của chị T, trước khi thực hiện nâng ngực, thẩm mỹ viện này cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo. Chỉ dùng máy tác động bên ngoài để kích các mô mỡ ngực phát triển. Sau đó, sẽ cấy mô lipid nhập khẩu vào mô mỡ dưới da bằng đầu cấy nano chuyên dụng…Trước khi làm thủ thuật nhân viên thẩm mỹ viện dùng 2 máy áp vào ngực để mát xa.
“Các bạn nhân viên có giải thích với tôi làm vậy nhằm kích thích mô mỡ cho mềm ra, để khi tiến hành “nâng ngực đệm mô lipid” dễ dàng hơn. Họ lấy máu và giải thích sẽ tách mỡ (mỡ tự thân) từ máu để tiêm vào cơ thể. Sau đó, nhân viên gây tê để tiến hành thủ thuật. Lúc này, chân tay tuy không thể phản ứng nhấc lên được nhưng tôi vẫn biết mọi việc diễn ra xung quanh. Tôi thấy họ có tiêm khoảng 10 xi lanh dung dịch có màu trắng vào người tôi”, chị T nói.
Sau khi chị T tỉnh dậy có yêu cầu spa cho biết chất lỏng đã tiêm vào người chị là gì, nhưng nhân viên của cơ sở thẩm mỹ viện này từ chối với lý do đó là sản phẩm độc quyền của bên họ, không thể tiết lộ. Sau 14 ngày, thực hiện phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” chị T cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường. Sau đó, chị đã tới Bệnh viện 108 khám.
Trường hợp khác là chị B.T.H (26 tuổi, Hà Nội) đến một spa với mong muốn cải thiện vòng ngực theo thông tin quảng cáo nâng ngực mà không cần phẫu thuật của cơ sở này. Sau khi đến, chị được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích kích thích nâng ngực. “Chi phí ban đầu là 100 triệu, nhưng sau khi gây mê họ nói tôi có bệnh ở ngực, nên phải tăng thêm 50 triệu để thực hiện kỹ thuật này, lúc gây mê tôi cũng không biết họ tiêm thuốc gì cho mình”, chị H chia sẻ.
Vài ngày sau, chị thấy đau nhức vùng ngực và đi kiểm tra tại phòng khám gần nhà thì kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy xuất hiện các ổ dịch phía sau, bên trong và xung quanh nhu mô tuyến vú hai bên. Hoang mang quá, chị đến Bệnh viện 108 để khám.
Cảnh giác trước những quảng cáo mỹ miều
Theo TS.BS Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện 108, sau khi tiếp nhận và thăm khám lâm sàng, siêu âm cho các bệnh nhân này, BS thấy ngực bệnh nhân T có nhiều khối hỗn hợp âm bất thường trong tổ chức mô tuyến vú. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cấp tổ chức phần mềm vú lan tỏa.
“Hiện tại, bệnh nhân chưa có dấu hiệu dịch áp xe nên được chỉ định uống thuốc kháng viêm kèm theo các liệu pháp lý tiêu viêm. Trong trường hợp xấu khối cứng tại ngực có thể bị áp xe, khi đó sẽ phải mổ rạch tháo mủ, sẽ để lại nhiều sẹo mổ trên bầu ngực. Hoặc bệnh nhân có thể xảy ra tình trạng viêm mạn tính, các khối cứng lổn nhổn trong ngực sẽ xơ trong tổ chức vú kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng sinh hoạt và tâm lý lâu dài”, TS.BS Phạm Ngọc Minh nói.
Việc lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân T để xét nghiệm cũng không hề dễ dàng. Vì thường chất này có thể là silicon lỏng đã bị cấm từ lâu. Nếu chất tiêm vào ngực bệnh nhân T là silicon sẽ có tính chất bám dính tổ chức tăng nguy cơ gây ung thư.
"Chị em cần lưu ý khi tiêm, bơm chất lỏng vào người phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Vì người không có chuyên môn khi tiêm sẽ không nắm rõ nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật tiêm cũng như những chất được phép hay không được phép đưa vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm", BS Minh cho biết.
Theo BS Minh, cả hai trường hợp kể trên đều tin theo những quảng cáo mỹ miều nhằm cải thiện "vòng 1". Tuy nhiên, trên thực tế chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật.
Các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo, ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler cũng được khuyến cáo không nên tiêm vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
TS.BS Phạm Ngọc Minh khuyến cáo, chị em làm đẹp để bản thân thấy tự tin hơn là nhu cầu rất chính đáng. Chị em khi quyết định muốn cải thiện “vòng 1” cần phải trang bị hiểu biết cơ bản về các phương pháp nâng “vòng 1” phổ biến như: Độn túi hoặc cấy mỡ tự thân. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được công nhận bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận FDA. Trường hợp nâng ngực bằng mỡ tự thân thì cần được tư vấn và tiến hành bởi các bác sĩ và bệnh viện uy tín.
“Hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng”, TS.BS Phạm Ngọc Minh nói thêm.