Nghề rèn của người Mông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

UBND tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.

Trước đó, ngày 1/6/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL, đưa nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với nghề rèn của người Mông, các di sản của tỉnh Điện Biên được công nhận cấp quốc gia trong đợt này gồm: Tập quán xã hội tín giưỡng Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông; Tri thức dân gian Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật múa của người Lào huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông.

 Nghệ nhân người Mông tỉnh Điện Biên thực hành nghề rèn. Ảnh: TTXVN

Nghệ nhân người Mông tỉnh Điện Biên thực hành nghề rèn. Ảnh: TTXVN

Tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa (diễn ra từ ngày 20-22/10), thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành đã trao Giấy chứng nhận cho đại diện chủ thể di sản các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên.

Với việc công nhận thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể mới, đến nay tỉnh Điện Biên đã có 18 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong 18 di sản nói trên, có 2 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghệ thuật Xòe Thái và Then Tày, Nùng, Thái.

Đặc biệt, cộng đồng dân tộc Mông ở Điện Biên đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Tết Nào Pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọn, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông và nghề rèn của người Mông tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên.

Theo thống kê toàn tỉnh Điện Biên có 41 NNƯT là những người am hiểu đang nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống để trao truyền cho các thế hệ trẻ, nhằm gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa; quảng bá và khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch địa phương gắn với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số tỉnh Điện Biên, sinh sống ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố, song nhiều nhất vẫn là ở các huyện vùng cao Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Đồng bào người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc, trong đó nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con. Ngày nay, nhiều vật dụng trong nhà đã dễ dàng mua được ở chợ xã, chợ huyện nhưng nhiều người Mông vẫn giữ nghề rèn truyền thống.

 Trình diễn nghề rèn của người Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: VH

Trình diễn nghề rèn của người Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: VH

Theo các nghệ nhân, trong khâu tôi thép của người Mông có một bí quyết riêng. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước muối, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Sau khi tôi xong là đến công đoạn mài dao, người Mông thường mài dao bằng đá suối. Đây cũng là một bí quyết để người Mông hoàn thiện sản phẩm tốt nhất.

Nghề rèn không chỉ giúp đồng bào Mông ở Điện Biên tạo ra những nông cụ thiết thực, phục vụ đời sống mà còn là nét văn hóa độc đáo. Hiện nay, trong các thôn, bản người Mông, chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-ren-cua-nguoi-mong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post269516.html