Nghề se lanh dệt vải ở vùng cao Xím Vàng
Xím Vàng là xã vùng cao huyện Bắc Yên có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống với nhiều nét văn hóa truyền thống được lưu truyền, trong đó, nghề se lanh dệt vải của bà con nơi đây đang được gìn giữ, bảo tồn, gắn với định hướng phát triển du lịch.
Nghề se lanh dệt vải từ báo đời nay đã gắn với cuộc sống của người phụ nữ dân tộc Mông ở vùng cao. Con gái dân tộc Mông từ nhỏ đã theo mẹ, theo bà học nghề dệt vải. Nếu như ở vùng đồng bằng, bà con sử dụng sợi bông hoặc sợi tơ tằm để dệt vải, thì ở vùng cao, cây lanh lại là nguyên liệu để làm vải. Cây lanh được gieo trồng trên nương, khi cây lớn đến độ "nếp", bà con chặt bó đem về để bắt đầu cho các công đoạn làm vải lanh.
Để dệt được tấm vải lanh, bà con đem phơi khô cây lanh dưới trời nắng trong khoảng 15 ngày, sau đó, tước vỏ thành từng sợi nhỏ, se thành sợi và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo ra mấu ở chỗ nối. Các sợi lanh sau đó được cuốn cho vào khung quay để xoắn lại thành từng cuộn. Đem các cuộn lanh này luộc trong nước tro cho sợi lanh mềm mại, để sợi có màu trắng cần tiếp tục luộc qua nước sôi vài lần, trằm đi, trằm lại rồi phơi khô, sau đó, đưa vào guồng chia sợi trước khi đưa vào khung cửi để dệt thành vải.
Khung cửi dệt vải lanh của đồng bào Mông được tối giản hơn so với khung cửi của các dân tộc khác với 2 thanh gỗ có tiết diện 12cm x 12cm. Tùy theo từng vùng mà chiều dài của 2 thanh này khác nhau, giữa 2 thanh gỗ này có một thanh ngang bằng tre để nối các sợi lại với nhau. Để dệt được vải lanh, đòi hỏi người dệt phải có sự kiên nhẫn và khéo léo.
Vải lanh sau khi dệt xong thường được người dân dùng sáp ong vẽ hoa văn theo những mô típ hình, khối đối xứng nhau. Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm, những đường nét có sáp ong, chàm không ngấm vào được sẽ tạo ra những nét hoa văn chìm.
Những trang phục truyền thống của phụ nữ người Mông như áo, váy, tấm vải che phía trước, thắt lưng... đều được may từ vải lanh. Màu chủ đạo của những trang phục này thường là đỏ, xanh hoặc vàng. Với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mông, từng đường chỉ, hoa văn trên trang phục trở nên đẹp mắt và độc đáo.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vải, với chất liệu đa dạng và dễ dàng mua được để may váy áo. Song vải sợi lanh của người dân Xím Vàng có độ bền cao hơn và là nét văn hóa đặc trưng của người Mông vùng cao, nên vẫn được một số bà con duy trì se lanh, dệt vải.
Năm nay đã hơn 80 tuổi, bà Mùa Thị Dợ, bản Xím Vàng vẫn cần mẫn, duy trì dệt vải lanh. Bà Dợ tâm sự: Hiện tại, số người duy trì dệt vải lanh trong xã chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Tôi làm nghề dệt đã hơn 60 năm nay, tuổi giờ đã cao, mong muốn nhiều con trẻ học nghề dệt, để lưu giữ truyền thống của cha ông.
Trao đổi với chúng tôi về việc bảo tồn nghề dệt vải lanh, bà Vừ Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xím Vàng, cho hay: Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang tiến hành rà soát những người còn duy trì nghề dệt vải lanh, để tham mưu với Đảng ủy xã đề xuất phương án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Mông. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong xã tích cực tham gia học nghề để lưu giữ nghề truyền thống này.
Với mục tiêu trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tour du lịch vùng cao Bắc Yên, xã Xím Vàng đang xúc tiến việc bảo tồn nghề dệt vải truyền thống của địa phương, vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống, vừa tạo những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn du khách khi đến với Xím Vàng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-xe-lanh-det-vai-o-vung-cao-xim-vang-33679