Nghệ sĩ: biên chế và chuyên nghiệp

Nghệ sĩ công chức có lẽ là một danh từ xa lạ với nhiều người nhưng trong thực tế, đó lại là một tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Vừa là nghệ sĩ, vừa là công chức, vẫn hoạt động nghệ thuật đều đặn, họ chiếm một số lượng rất lớn trong ngành văn hóa và có thể nói, hiện trạng này chính là tồn dư còn lại của văn nghệ thời bao cấp. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn cần phát triển công nghiệp văn hóa như hiện nay, với sự đề cao tính chuyên nghiệp, môi trường chuyên nghiệp, hình thức nghệ sĩ biên chế nhà nước dạng này đang để lại nhiều mâu thuẫn và bất cập.

Ở Việt Nam hiện nay, số lượng các đoàn nghệ thuật của bộ, ngành, địa phương, các nhà hát Nhà nước quản lý... là rất lớn. Đa số, nếu không nói là gần như 100%, các nghệ sĩ hoạt động trong các đoàn, các nhà hát như vậy đều có biên chế nhà nước. Song, hình thái của mỗi đơn vị là mỗi khác. Một đơn vị nghệ thuật mang tính sự nghiệp sẽ khác hẳn với một đơn vị nghệ thuật đang hoạt động một cách chuyên nghiệp như một công ty. Chính vì sự khác nhau này, đã đến lúc cần nhìn nhận lại về sự hiện diện của các nghệ sĩ biên chế nhà nước.

Nếu ở các đơn vị mang tính sự nghiệp, sự tồn tại của nghệ sĩ biên chế, nghệ sĩ công chức là chấp nhận được tuy vẫn có bất cập mà chủ yếu là gánh nặng lên ngân sách cũng như đời sống nghệ sĩ chưa được đảm bảo đầy đủ. Còn ở các đơn vị đang hoạt động kiểu như một công ty, ví dụ như Nhà hát Nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO); Nhà hát Giao hưởng và Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) chẳng hạn, việc để nghệ sĩ trong biên chế nhà nước sẽ làm giảm đi chất lượng nhân sự của đơn vị cũng như kìm hãm tính chuyên nghiệp của chính những nghệ sĩ.

Lý giải cho vấn đề này thực sự không quá khó. Để tinh giản biên chế, để chấm dứt biên chế đối với một cá nhân không có sai phạm nào trong tổ chức là rất khó. Song, việc tồn tại nghiễm nhiên trong biên chế dù chất lượng chuyên môn bắt đầu giảm sút do các yếu tố tự nhiên (như tuổi tác chẳng hạn) của một nghệ sĩ có thể sẽ chặn đường phát triển của một nghệ sĩ khác có năng lực hơn. Nói nôm na, ví dụ một Nhà hát A có một nghệ sĩ solist số 1 của họ đang ở vào giai đoạn đi xuống của sự nghiệp, nhà hát ấy rất khó tìm cách thay thế nghệ sĩ solist này bằng những nhân tố trẻ trung, tài năng hơn và đang bắt đầu vào độ chín. Cơ bản, suất biên chế không còn nữa. Giảm biên chế với solist không mắc sai phạm kỷ luật nào là bất khả. Chất lượng nhà hát từ đó cũng đi xuống là điều hiển nhiên.

Trên thế giới, các nhà hát thường chỉ ký hợp đồng với các nghệ sĩ có kỳ hạn. Kỳ hạn đó dựa trên đánh giá chuyên môn của lãnh đạo nhà hát về khả năng giữ phong độ đỉnh cao của nghệ sĩ kéo dài được bao lâu. Khi chuẩn bị kết thúc hợp đồng, nhà hát sẽ có đánh giá năng lực, sức hút của nghệ sĩ để đưa ra quyết định hoặc là tái ký hợp đồng, hoặc là thay thế bằng một cá nhân khác tiềm năng hơn. Chính cơ chế hợp đồng này cũng tạo ra thêm sức cạnh tranh trong nghề, buộc các nghệ sĩ phải không ngừng rèn luyện để nâng cấp chính bản thân mình. Trong khi đó, ở Việt Nam, vào biên chế coi như nghệ sĩ đã hoàn thành mục tiêu của mình, cảm nhận được vị trí không thể bị thay thế của mình và từ đó, họ lơ là với nghề hoặc lơ là với các nguyên tắc sinh hoạt để giữ nghề.

Giải pháp tốt nhất cho tình trạng này phải là cải tổ các đơn vị nghệ thuật trước đã. Nếu đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, cần doanh nghiệp hóa nó để trở thành một dạng công ty mà ở đó, biên chế không còn tồn tại nữa. Nhược bằng không, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục duy trì một môi trường nghệ thuật rất nghiệp dư dù lúc nào cũng khẳng định rằng “nghệ sĩ của chúng tôi vô cùng chuyên nghiệp”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghe-si-bien-che-va-chuyen-nghiep-i732767/