Nghệ sĩ bốn phương hội tụ tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã đi đến gần cuối chặng đường, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người dân, du khách, đặc biệt là các nghệ sĩ bốn phương. Họ cùng nhau tạo nên một 'bản phối' nghệ thuật đa văn hóa hoàn hảo, hài hòa giữa truyền thống và đương đại. Bản phối này chính là kết tinh của những nỗ lực tập luyện lâu dài và tinh thần yêu nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Hết mình vì nghệ thuật

Đoàn nghệ thuật đến từ Bỉ biểu diễn đi cà kheo tại lễ hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đoàn nghệ thuật đến từ Bỉ biểu diễn đi cà kheo tại lễ hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Mang trong mình tình yêu với thành phố Huế xinh đẹp và ấn tượng vì lòng mến khách của người dân Cố đô, Đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem (Koninklijke Steltenlopers Merchtem) của Vương quốc Bỉ với 47 thành viên đánh dấu lần thứ 5 góp mặt ở Festival Huế. Đây là đoàn nghệ thuật quốc tế có số lượng người tham gia hùng hậu nhất cùng những trang phục sắc màu đặc trưng bắt mắt in hình cờ tam tài Bỉ. Bà Nadine Van Isveldt, thành viên Đoàn cà kheo nghệ thuật Koninklijke Steltenlopers Merchtem (Vương quốc Bỉ) cho biết, bà đã cùng đoàn của mình đi lưu diễn trên nhiều quốc gia như: Liên bang Nga, Trung Quốc, Hungary, Nhật Bản… Bà rất hào hứng vì có thể hai lần đến Huế tham gia lễ hội đặc sắc này.

Đến Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, các thành viên nhí (từ 7 - 8 tuổi) đến các phụ nữ trung niên, người lớn tuổi (khoảng 60 tuổi) của đoàn cà kheo Vương quốc Bỉ đã mang đến cho du khách những màn trình diễn, diễu hành đầy sắc màu và thú vị trên đường phố. Thưởng thức nghệ thuật giữ thăng bằng trên những chiếc cà kheo cao 1 - 4 m, người xem có cơ hội được hiểu hơn câu chuyện văn hóa có lịch sử hàng trăm năm tại quốc gia này về cách con người sinh tồn, chiến đấu với thiên tai, khí hậu khắc nghiệt.

Ông Janick Appelmans (51 tuổi, thành viên đoàn) hào hứng chia sẻ, dù chúng tôi đều đang có công việc, thậm chí các cháu bé đang đi học nhưng tất cả đều sẵn sàng gác lại để đến đây tham gia chương trình. Hành trình của chúng tôi phải bắt đầu từ khoảng 2 tuần trước, khởi đầu bằng chuyến tàu đến Paris, Pháp và tiếp tục bay các chặng tới TP Hồ Chí Minh, cuối cùng là đến Huế. Thật khó để có thể đặt mua được vé cho một nhóm lớn 47 người cùng hành lý cồng kềnh là nhạc cụ (trống, kèn, saxophone…) và những chiếc cà kheo. Do đó, chúng tôi phải đặt mua vé theo các nhóm 6 - 9 người và đi trên những chuyến tàu, chuyến bay đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng hài lòng với hành trình này.

Đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đúng với chủ đề của Festival Huế 2024 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, ở Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, người dân không chỉ cảm nhận được âm hưởng của nghệ thuật truyền thống mà còn tiếp cận những “sân chơi” nghệ thuật đương đại mới mẻ. Đó là sự góp mặt của múa trống Eisa (Nhật Bản), nghệ thuật dân gian Sae Nyuk (Hàn Quốc), nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; các điệu nhảy hiphop, vũ nhạc hiện đại sôi động từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Lần đầu tiên đến Festival Huế nhưng các thành viên nhóm Hiphop Cergy (Pháp) đã rất tự tin với sân chơi lớn này. Trên sân khấu trình diễn cộng đồng, sự hò reo của khán giả xứ Huế cùng nhiệt huyết của các vũ công nhóm đã tạo nên một tiết mục nhảy “Dòng chảy” sôi động, tuyệt vời. Mặc cho sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng những bước nhảy hiện đại đã biến khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng trở nên vô hình. Họ cùng nhau giao lưu, trao đổi bằng các điệu nhảy, chuyển động hình thể. Thành viên Mariana Neto Brito Luz cho biết, họ đến đây như một phần của chương trình trao đổi giữa thành phố Huế và Cergy (Pháp). Bên cạnh màn trình diễn mang tên “Dòng chảy”, nhóm có nhiều buổi biểu diễn cộng đồng, trên đường phố, giao lưu cùng những vũ công khác. Ở đó, các thành viên sẽ chia sẻ những câu chuyện về bản thân và quê hương mình.

Tương tự đêm khai mạc, tối 9/6, đặc sản mưa Huế lại lần nữa thử thách lòng nhiệt huyết của những nghệ sĩ quốc tế. Trên sân khấu trơn ướt, mưa nặng hạt vẫn không thể ngăn được những bước nhảy, cú xoay lộn đầy ấn tượng của các vũ công nhóm nhảy Double Impro đến từ Wallonie Bruxelles (Vương quốc Bỉ). Xung quanh khu vực biểu diễn, người dân Cố đô mặc áo mưa, che dù vây kín hò reo càng tiếp thêm lửa, động lực cho các nghệ sĩ. Không làm người xem thất vọng, các vũ công đã chiêu đãi khán giả các màn biểu diễn mãn nhãn bằng cuộc “đối thoại” nghệ thuật sâu sắc và lôi cuốn.

Nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa

Các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 quy tụ gần 30 đoàn nghệ thuật từ 8 quốc gia (Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam). Ở đây, mỗi nghệ sĩ là một “sứ giả” truyền tải văn hóa, nghệ thuật của quê hương vượt qua các châu lục. Họ được thỏa sức giao lưu, học hỏi cũng như thiết đãi người dân xứ Huế những bữa tiệc đa sắc màu văn hóa.

Đến lễ hội lớn này, Đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji Nhật Bản để lại ấn tượng bằng nhịp điệu trống mạnh mẽ và chuyển động múa lân đẹp mắt của Eisa (điệu múa truyền thống của tỉnh Okinawa, Nhật Bản). Mỗi tiết mục đều mang đến làn gió tươi vui, sảng khoái, đầy nhiệt huyết và sức sống mới từ những nghệ sĩ trẻ tuổi tham gia. Anh Ooshiro Yuuga, Trưởng Đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji cho hay, đây là lần đầu tiên đoàn đặt chân đến Huế nhưng mọi người rất mong chờ cơ hội được giới thiệu đến đất nước Việt Nam và các nghệ sĩ quốc gia khác về nghệ thuật múa trống Eisa. Anh Ooshiro Yuuga mong rằng mọi người sẽ được thỏa sức tìm hiểu về đất nước Nhật Bản.

Bên cạnh các nghệ sĩ quốc tế, nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam cũng đưa nét văn hóa đa vùng miền (Huế, Nam Bộ, Tây Nguyên…) đến Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với tinh thần giao lưu và lan tỏa giá trị di sản. “Đoàn nghệ thuật của nhà hát sẽ giới thiệu và trình diễn các tiết mục dạ cổ hoài lang, ca nhạc Bạc Liêu rực sáng trời tương lai, Tân cổ ai ra xứ Huế…; mong muốn góp phần quảng bá đến bạn bè muôn phương về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Việc mọi người biết đến loại hình nghệ thuật này sẽ thúc đẩy gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của tỉnh Bạc Liêu” - diễn viên Hoàng Dững của Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu bày tỏ.

Đúng với chủ đề Festival Huế 2024 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là nơi phát huy giá trị ngoại giao văn hóa giữa các đoàn nghệ thuật và hơn hết là xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia nói chung và giữa các thành phố nói riêng.

Các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nếu như Cergy (Pháp) là thành phố trẻ thì Huế là thành phố có tuổi đời hàng trăm năm hình thành và phát triển. Từ tháng 4/2019 khi hai bên thiết lập mối quan hệ hợp tác, nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ dành cho giới nghệ sĩ đã được triển khai, điển hình là Tuần lễ Festival Huế. Phó chủ tịch thành phố Cergy (Pháp) Moussa Diarra bày tỏ: "Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi, thể hiện mối quan hệ kết nghĩa giữa Cergy và thành phố Huế; giúp chúng tôi được học hỏi nhiều điều tại Festival này. Hy vọng chúng tôi sẽ có cơ hội quay trở lại trong các kỳ Festival sau".

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã khuấy động không khí và khiến Huế sôi động hơn bao giờ hết. Người dân, du khách Huế được chiêu đãi những "bữa tiệc" nghệ thuật đa sắc màu, thỏa sức chọn lựa “thực đơn” nghệ thuật cho riêng mình từ trong nước đến ngoài nước, từ truyền thống đến hiện đại.

Trong đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, Festival Huế đã thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế và mang nhiều nét hiện đại. Lễ hội có tính quốc tế, là nơi nhiều dân tộc trên thế giới trình diễn nét đẹp văn hóa đặc trưng. Qua đó góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hóa, trọng văn hóa và hội nhập quốc tế toàn diện.

Đúng như nhận định của ông Lê Hoài Trung, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế năm nay đã thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia trên nền tảng văn hóa đa sắc màu. Vượt các châu lục, các đoàn nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã dùng tiếng hát, điệu múa, bước nhảy để gắn kết mọi người với nhau, bền chặt và sâu thắm.

Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nghe-si-bon-phuong-hoi-tu-tai-tuan-le-festival-nghe-thuat-quoc-te-hue-20240611115448680.htm