Nghệ sĩ cải lương Thùy Dung: Sự đồng cảm là chìa khóa để nhập vai
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 2009, nghệ sĩ Thùy Dung được mời về Nhà hát Cải lương Việt Nam. Chị được tin tưởng giao nhiều vai chính trong các vở cải lương về đề tài lịch sử và đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan sân khấu...
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 2009, nghệ sĩ Thùy Dung được mời về Nhà hát Cải lương Việt Nam. Chị được tin tưởng giao nhiều vai chính trong các vở cải lương về đề tài lịch sử và đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan sân khấu: Huy chương Vàng tài năng trẻ sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với trích đoạn “Cung phi Điểm Bích” (năm 2014), Huy chương Vàng với vai diễn Hạ Kiều trong vở “Vua Thánh triều Lê” (2015), Huy chương Vàng cho vai diễn công chúa Mỵ Châu trong vở “Chiếc áo thiên nga” tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018...
- Trong vở “Vì nghĩa nước non” vừa được dàn dựng, chị vào vai nữ chính - công chúa An Tư. Vai diễn này có làm khó chị?
- Với tôi, mỗi vai diễn đều là thử thách. Chúng tôi phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh lịch sử, xuất thân, tính cách và số phận của nhân vật. Với nhân vật công chúa An Tư, khi nhận vai, tôi cũng mông lung lắm. Trong tư liệu lịch sử có rất ít thông tin về bà. Ban đầu tôi chưa hiểu hết được nhân vật này nhưng đạo diễn, phó đạo diễn đã phân tích, hướng dẫn, giúp tôi hiểu hơn về nhân vật.
Tôi cũng nghiên cứu lời ca, câu thoại, cố gắng đi sâu thể hiện mối quan hệ của nhân vật chính với các nhân vật khác để có cử chỉ, hành động, lời nói phù hợp. Tôi luôn muốn tìm ra cách biểu hiện hay hơn, tốt hơn nữa.
- Trải qua khá nhiều vai diễn chính về đề tài lịch sử, theo chị, chìa khóa để mỗi diễn viên có thể nhập vai, thăng hoa là gì?
- Mỗi nhân vật lịch sử đều có một cái hay riêng, cái khó riêng, cái lạ riêng. Mỗi lần nhận vai, tôi luôn cố gắng tìm hiểu để hiểu về nhân vật, cố gắng nghiên cứu để tìm ra những gì độc đáo nhất. Tôi phải phân đoạn, tuyến này cần gì, tuyến kia biểu hiện ra sao. Ví dụ, với nhân vật Mỵ Châu công chúa, vai diễn này trải qua nhiều trường đoạn cảm xúc.
Đặc biệt, phần kết tác phẩm là cảnh nàng khóc, cầm kiếm của cha để tự sát, tôi phải ngửa cổ ca gần 20 phút. Mỗi lần tập, diễn hay tham gia cuộc thi, tôi phải nhờ bạn diễn hỗ trợ, ban đầu thực sự cảm thấy rất khó nhưng tập luyện dần rồi tôi đã làm được. Hình ảnh một nàng công chúa đáng trách nhưng cũng rất đáng thương ấy khiến đồng nghiệp, khán giả xúc động.
- Gia đình chị có ai theo nghệ thuật không?
- Chỉ có tôi theo nghệ thuật. Hồi học lớp 11, tôi tham gia cuộc thi “Người đẹp cố đô Hoa Lư” tại tỉnh nhà Ninh Bình và đoạt giải. Tôi đã được các cô chú trong đoàn chèo hướng tham gia thi tuyển và đỗ vào đoàn chèo Ninh Bình. Tuy vậy, tôi vẫn đau đáu với cải lương. Từ khi biết xem tivi, tôi đã thích môn nghệ thuật này. Tôi vẫn thường nghe và hát theo, lúc ấy chẳng biết đó là bài bản gì nhưng rất thích. Khi biết tin có chuyên ngành cải lương, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi đã làm hồ sơ và trốn đi thi. Lúc ấy, tôi một lòng quyết tâm gắn bó bằng được với môn nghệ thuật này.
- Chị có nhớ vai diễn đầu tiên của mình lúc mới về Nhà hát Cải lương Việt Nam?
- Năm 2009, khi mới về Nhà hát Cải lương Việt Nam được hơn 1 tháng, tôi tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy tôi được phân vai trong nhóm (kíp) 2. Nhưng trong quá trình tập và tổng duyệt vở, buổi đầu tiên ra diễn thì chị sắm vai chính của nhóm khác bị sốt xuất huyết, không thể diễn được. Lãnh đạo Nhà hát đã quyết định để tôi vào vai của chị ấy.
Chỉ trong 3 ngày, tôi phải học lời thoại và tìm hiểu nhân vật đồng thời lên tập cùng các anh chị. Đó là vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, có 3 vai nữ chính thì tôi diễn cả 3 vai, ở 3 vị trí khác nhau: Nguyên phi Ỷ Lan, Hoàng hậu Thượng Dương và Thuần Khanh (vợ Thái úy Lý Thường Kiệt). Riêng với vai Thuần Khanh, tôi đã thức trắng 1 đêm để mở đĩa và nghe, chép lại lời văn để sáng hôm sau lên tập cùng dàn nhạc. Đêm diễn thành công và tôi được Nhà hát thưởng nóng vì đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc.
- Mọi người vẫn nhắc đến chị với hình tượng nhân vật Nguyễn Thị Lộ trong vở “Bên ánh Sao Khuê” bởi họ cho rằng giữa chị và nhân vật chính dường như có mối tương cảm trên sân khấu?
- Đây là một vai diễn khó, đòi hỏi người diễn viên vừa phải có hình thức, vừa nhập vai tốt để toát lên hình tượng nhân vật. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho rằng: Nguyễn Thị Lộ là một con người mẫn tiệp, thanh cao và nhiệm vụ của tôi là tái hiện hình ảnh của bà trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, với những tuyến nhân vật khác nhau. Tôi đã có nhiều dịp về Lệ Chi Viên nhưng khi nhận vai bà Nguyễn Thị Lộ, tôi đã tự về thăm nơi ấy nhiều hơn, một mình ngồi ngắm tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, ngồi nghe các cụ kể chuyện lịch sử để tìm ra những điều căn cốt nhất trong con người bà. Đây là vở diễn mà tôi thích nhất. Tôi có thể nhớ từng câu hát, từng đoạn kịch và dường như có một sự rung cảm, có những lúc khóc nghẹn nhưng tôi vẫn hát được.
- Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Thùy Dung!