Nghệ sĩ Chí Tài qua đời và sự vô cảm của đội quân livestream
Một khi hành động livestream điên cuồng và bất chấp cứ lặp đi lặp lại mà không vấp phải sự phản ứng nào, nó sẽ trở nên bình thường, tệ hơn là xúi giục người khác làm theo.
“Chào cả nhà. Mình đang có mặt ở lễ tang của chú Chí Tài”, người đàn ông giơ cao máy quay, thao thao bất tuyệt về sự ra đi đột ngột của danh hài gạo cội.
“Trấn Thành vừa tới đây rồi. Các bạn like và chia sẻ livestream nha”, một người chen chúc trong đám đông, cố tiến lại thật gần để quay hình MC nổi tiếng đến tiễn biệt người nghệ sĩ cha chú.
“Mọi người chào anh Khánh Phương đi”, hàng chục chiếc điện thoại cố dí sát vào mặt ca sĩ Chiếc khăn gió ấm, dồn dập đưa ra câu hỏi.
Đó chỉ là một vài cá nhân trong số hàng trăm YouTuber và streamer tụ tập, chen lấn trước cửa Trung tâm Pháp y TP.HCM để ghi lại hình ảnh các nghệ sĩ tới tiễn biệt danh hài Chí Tài tối 9/12.
Tiếng cười đùa, bình luận phục vụ người xem trên mạng xen lẫn âm thanh bấm máy, đèn flash nháy liên tục tạo nên khung cảnh hỗn loạn.
Những đội quân livestream như thế không còn xa lạ với nhiều người. Không chỉ xuất hiện tại đám tang của nghệ sĩ, hình ảnh này còn dễ dàng bắt gặp ở hiện trường vụ tai nạn, trận ẩu đả, thậm chí một thảm họa.
Tất cả có chung mục đích là “hóng biến” để có nội dung hot đăng lên mạng câu view và lượt like, bất chấp hành động này có không đúng lúc, đúng chỗ hay phản cảm đến thế nào.
Ở đâu có “biến”, ở đó có đội quân livestream
Tính năng Live được Facebook giới thiệu lần đầu vào tháng 12/2015, cho phép người dùng phát trực tiếp video ghi lại khung cảnh xung quanh. Hai năm sau đó, YouTube cũng mở livestream cho người dùng nếu có 10.000 lượt đăng ký.
Theo The Ludlow Group, giống hầu hết phương tiện truyền thông xã hội đang tồn tại, livestream cho thấy nhiều mặt trái.
Không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, ai cũng có thể phát trực tiếp chỉ bằng một nút nhấn. Họ có thể làm tất cả trước ống kính, từ ca hát, nấu ăn, trang điểm, chơi game, bán hàng cho đến những điều kỳ lạ khác.
Càng thu hút nhiều người xem, thu nhập càng tăng. Dường như việc kiếm tiền quá dễ từ hành động này khiến nhiều người sẵn sàng giơ điện thoại lên livestream trong mọi trường hợp.
Trong số nghệ sĩ có mặt ở Trung tâm pháp y TP.HCM tối 9/12 để lo hậu sự cho danh hài Chí Tài, vợ chồng diễn viên Hiếu Hiền lại livestream đăng lên trang cá nhân.
Clip 1 phút này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến nhiều nghệ sĩ và dân mạng bức xúc. Dù đã gỡ xuống, đoạn video vẫn kịp phát tán khắp nơi. Mỗi lần đăng tải, clip lại được đính kèm theo dòng mô tả gây sốc, câu view hơn.
“Cũng là nghệ sĩ với nhau, lại còn là bậc tiền bối. Tại sao lại nỡ quay clip, livestream”, “Xin hãy giữ tôn nghiêm với người đã khuất”, “Vì sao lại phải kiếm tiền trên nỗi đau của người khác như vậy” là một số bình luận phẫn nộ trước hành động trên.
Thậm chí, dù đám tang nghệ sĩ Chí Tài chưa diễn ra, nhiều YouTuber đã đăng tải video giả livestream để thu hút người xem. Để đánh lừa mọi người, nhiều kênh sử dụng biểu tượng vòng tròn màu đỏ tương tự logo phát trực tiếp của YouTube hay thiết kế thumbnail với di ảnh và quan tài của nam danh hài.
Chiêu trò câu view này cũng từng xuất hiện tại đám tang nghệ sĩ Mai Phương vào tháng 3.
Trước đó, tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ hồi năm ngoái, hàng trăm người dân cũng tụ tập, giẫm đạp lên mộ để livestream cảnh tiễn đưa nam nghệ sĩ.
Không chỉ các nghệ sĩ, nhiều người bình thường khi qua đời cũng trở thành “nạn nhân” của trào lưu livestream điên cuồng và bất chấp.
Cuối tháng 8/2019, thông tin về đám cưới của anh Thiên Ân (ở huyện Củ Chi, TP.HCM) với người bạn gái qua đời vì tai nạn thu hút hàng trăm người tới livestream, chụp hình. Dù gia đình nạn nhân đã phản ứng, “đội quân” này vẫn thản thiên cập nhật những gì diễn ra ở đám tang.
Ngoài cái chết, nhiều vụ việc gây chấn động cũng dễ dàng trở thành mục tiêu để đội quân YouTuber và streamer tìm tới livestream bất chấp nguy hiểm.
Đó là vụ cảnh sát vây bắt tên tội phạm giết người Tuấn “Khỉ” ở xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vào giữa tháng 2.
Hay đám đông chen chúc, trèo tường, leo rào để phát trực tiếp về đám cháy dữ dội tại KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, Bình Dương) hồi tháng 4/2019.
Dù ra đời với mục đích tốt là truyền đạt nội dung trên Internet để người xem được tương tác, giao lưu với streamer, từ đó tăng trải nghiệm, thay thế dần những loại hình giải trí truyền thống, trào lưu livestream đã bị biến tướng, trở nên lệch lạc khi người ta cố tìm mọi cách để có được nội dung độc, lạ, giật gân trên kênh của mình.
Không quá khi nói “ở đâu có ‘biến’, ở đó có đội quân livestream” bởi những năm qua, nó dường như trở thành thói quen khó bỏ. Trong khi đó, những hành vi quấy rối trên mạng xã hội rất khó kiểm soát và vẫn chưa có hình thức xử lý nào cụ thể, hiệu quả.
Cần xem livestream có chọn lọc
Theo nhiều chuyên gia, phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội hiện là một trong những loại hoạt động gây nghiện.
Tuy nhiên, tất cả nền tảng phát trực tiếp đều gặp bất lực trong việc kiểm duyệt nội dung phản cảm, bạo lực, theo một phát ngôn viên của Twitch - ứng dụng livestream của Mỹ qua CNN Money.
Các công ty hiện chủ yếu dựa vào báo cáo từ người dùng và đội ngũ kiểm duyệt nội bộ để loại bỏ, gắn cờ nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp. Tuy nhiên, hành động này chưa bao giờ hiệu quả bởi tính chất tức thời và không thể đoán trước của livestream.
“Mỗi ngày, mạng xã hội lại xuất hiện hàng triệu video livestream với nội dung khác nhau. Không khác nào nồi lẩu thập cẩm”, Nguyễn Phương Phương - quản lý một diễn đàn kiến thức trên Facebook - nhận xét.
Theo Phương, một khi hành động livestream điên cuồng và bất chấp cứ lặp đi lặp lại mà không vấp phải sự phản ứng hay kiểm duyệt gắt gao nào, nó sẽ trở nên bình thường, tệ hơn là xúi giục người khác làm theo.
Bởi vậy, trước khi phát trực tiếp, người livestream phải tự đánh giá vấn đề có phù hợp hoặc có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người xem hay không.
Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng cần là những người tỉnh táo, theo dõi một cách có chọn lọc các nội dung trên mạng để không bị cuốn theo hay vô tình tiếp tay cho điều xấu bằng lượt xem của mình. Họ cũng có quyền report các video phát trực tiếp nếu cảm thấy chúng phản cảm, thiếu văn hóa.
Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về mạng xã hội từng cảnh báo thứ đội quân livestream cần là like, share, view, nên người xem đừng cho họ, Nếu mỗi người đều nói “không” với nội dung phản cảm thì sự thờ ơ, tẩy chay sẽ trở thành vũ khí mạnh nhất.
Tối 9/12, sau những phản ứng, chỉ trích từ phía công chúng, Hiếu Hiền đã gỡ clip quay lại cận cảnh về thi thể đồng nghiệp khỏi trang cá nhân. Đồng thời, anh gửi lời xin lỗi tới khán giả vì hành động thiếu suy nghĩ của bản thân. Tuy vậy, khán giả vẫn khó lòng tha thứ cho hành động của Hiếu Hiền.
Nhiều người yêu mến nghệ sĩ Chí Tài có lẽ sẽ không phải chứng kiến cảnh tượng đau xót sau khi anh tạ thế nếu những người livestream như Hiếu Hiền hiểu và cân nhắc trước việc phát trực tiếp đang ảnh hưởng tới ai, có phản cảm, gây hậu quả xấu hay không.
Bởi một khi đã nhấn đăng, nội dung phát trực tiếp có thể xóa, song sự bực bội, phiền phức hay vết thương lòng trót gây ra cho người khác từ hành động vô ý thức lại không dễ nào xoa dịu.