Nghệ sĩ Đại Nghĩa toát mồ hôi khi xem vở kịch 'Làm đĩ'
Tối 11-3, đông đảo khán giả và giới chuyên môn đã đến Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận xem vở kịch Làm đĩ.
Vở kịch dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do tác giả Chu Thơm chuyển thể sang kịch bản sân khấu, NSND Hồng Vân làm đạo diễn.
"Các diễn viên trẻ đã nỗ lực hết mình nhưng tôi không muốn khen ngợi bằng những mỹ từ khiến các bạn sẽ ngộ nhận về mình. Các bạn cần khắc phục nhiều để có thể diễn hay hơn, nhất là về môn tiếng nói sân khấu. Tuy nhiên phải ghi nhận là nỗ lực đáng quý của các diễn viên khi đến với tác phẩm văn học mà cách đây 11 năm đã có một ê kíp diễn viên tài hoa thể hiện thành công" - nghệ sĩ Đại Nghĩa nhận định.
Đại Nghĩa đã đồng hành với NSND Hồng Vân trong quá trình dàn dựng để rèn giũa cho từng diễn viên vốn chỉ quen với kịch sinh hoạt, nay lại bước vào một không gian kịch văn học.
Đây là vở kịch văn học mà NSND Hồng Vân mong muốn truyền những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ diễn viên trẻ. Từ nền tảng dòng kịch văn học đã có sẵn cốt truyện hay, ly kỳ; tính cách nhân vật có đầy đủ những cung bậc cảm xúc; tiết tấu, tình huống, tính tư tưởng, mỹ học đầy ắp, các diễn viên trẻ sẽ có vốn liếng để ứng biến trong quá trình làm nghề chuyên nghiệp. Theo NSND Hồng Vân, đó là việc cần làm ngay để có một thế hệ kế thừa.
Nhiều năm qua, Sân khấu kịch Hồng Vân - Phú Nhuận đã khai thác dòng văn học hiện thực phê phán những năm 1930-1945 với các tác giả như: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố...
Vở "Làm đĩ" gây tiếng vang sau suất diễn đầu tiên bởi sự thể hiện tự tin, đầy sáng tạo của 12 diễn viên trẻ như: Linh Chi, Băng Tâm, Trung Nhựt, Thiên Phước, Mỹ Mỹ, Trương Tiểu Nhu, Minh Nhiều, Diệu Mai, Cảnh Duy, Đỗ Hoàng Luân, Vũ Bảo Phúc, Tú Tài. Họ đã thể hiện đầy đặn cảm xúc của nhân vật, mang lại cảm nhận tươi mới qua cách kể chuyện của thế hệ diễn viên thời nay.
Vở diễn qua bàn tay dàn dựng của NSND Hồng Vân đã tạo hiệu ứng tốt trong thưởng thức tác phẩm văn học của khán giả. Đó là động lực để thế hệ diễn viên trẻ từng bước khắc phục những điểm yếu, bồi đắp thêm cho nghề bằng bài học kinh nghiệm quý.
NS Đại Nghĩa mong muốn vở "Làm đĩ" sẽ được tái diễn nhiều suất trên sân khấu kịch Phú Nhuận sau khi được chăm chút kỹ hơn. Anh sẽ tiếp tục lên lớp phân tích sâu về chuyên môn để các diễn viên trẻ thể hiện tốt hơn vai diễn của mình.
NSND Trần Minh Ngọc nhận định tất cả các loại hình nghệ thuật đều phản ánh hiện thực cuộc sống, nhưng cách thức phản ánh lại rất khác nhau do quan niệm nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ khác nhau.
Cuộc sống tồn tại quanh ta được xem là hiện thực thứ nhất. Khi được phản ánh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đó là hiện thực thứ hai. Và khi phân tích tỉ mỉ hơn thì đối với người xem, qua cách thưởng thức kịch chính là hiện thực thứ ba. Khán giả khi ấy là người đồng sáng tạo nên tác phẩm. Do vậy, kịch dựa theo tác phẩm văn học rất cần thiết trong giáo dục văn học hiện nay, để qua từng vở diễn, sự cảm nhận sẽ phong phú hơn. Thế hệ diễn viên trẻ có thêm cơ hội để đúc kết kinh nghiệm, tỏa sáng bằng tài năng đích thực.
Để đạt được điều này, cần "bà đỡ" Nhà nước giúp các sân khấu mạnh dàn dựng kịch văn học và đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu, trong đó có sân khấu Kịch Hồng Vân nơi thường xuyên tổ chức dàn dựng kịch văn học.