Nghệ sĩ Đào Tân và những cuộc chuyện trò với đá

Nếu không có đơn hàng từ vị khách người Canada năm đó thì có lẽ Đào Tân đang là ông chủ một cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, thay vì trở thành một nghệ sĩ điêu khắc như hiện tại. Tố chất là điều quan trọng, những nhân duyên cũng là điều quan trọng, nhưng trên tất cả là cái ý muốn đi tới cùng mới khiến một người ở vào đúng vị trí - chỗ mà ở đó họ làm nên ý nghĩa cuộc đời mình.

Nghệ sĩ Đào Tân nói: Nghĩ thế cũng không sai. Nhưng tôi thì cho rằng, ý nghĩa cuộc đời của mỗi người nằm ở thái độ của họ trong từng việc họ làm, mà những việc đó không nhất thiết phải hoành tráng hay gây tiếng tăm. Tôi có thể vẫn hài lòng khi tôi chỉ là một anh thợ lao động chân tay bình thường ở xưởng đá hồi đó, hay là một nghệ sĩ sáng tác như bây giờ. Vì ở cả hai tư cách, tôi đều được làm những việc mình thích. Như cái hồi tôi nhận lời làm ba bức tượng cho người khách Canada ấy, người ta đưa tiền, nói số lượng tượng họ muốn làm, còn muốn tạc gì đẽo gì là tùy tôi.

Lúc đấy tôi chẳng hiểu gì về giải phẫu cả, nên là tôi cứ tự gồng cánh tay mình lên, nhìn ngắm kỹ rồi đục đẽo chạm tạc theo; cả hai bức ý niệm sau đó nữa, tôi cứ đẽo theo những gì nảy ra trong đầu thôi. Cho tới khi hoàn thành, bàn giao cho khách thì tôi mới nghĩ tới chuyện đi học, bởi tôi thấy rằng, nếu chỉ làm theo bản năng thôi thì không đủ, mình cần phải học những thứ cơ bản nữa, giải phẫu chẳng hạn, anh không thể tạc một bức tượng mà sai giải phẫu được. Hơn nữa, tôi cũng muốn biết người ta dạy những gì trong một trường Mỹ thuật.

Chân dung nghệ sĩ Đào Tân.

Chân dung nghệ sĩ Đào Tân.

Vậy có thể xem bản năng là nguyên liệu thô, còn kiến thức thu nạp được là phương tiện kỹ thuật?

Đúng thế. Khi có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, anh ta sẽ tiết kiệm được thời gian. Rất nhiều. Cái khó là sử dụng phương tiện sao cho không bị nó chi phối, nó chỉ được phép hỗ trợ mình, chứ không có quyền can thiệp hay định hướng mình.

Nói về kỹ thuật, dễ nhận thấy là anh chủ yếu dùng đá cho các sáng tác của mình. Vì sao có sự chọn lựa này? Nó có liên quan gì đến trải nghiệm của anh ở xưởng chế tác đá mỹ nghệ trước đây không vì có vẻ như đá không phải là chất liệu có khả năng tạo hình đa dạng do tính chất của nó?

Làm sáng tạo thì phải thử qua tất cả các chất liệu, mỗi tạo hình lại phù hợp với một loại chất liệu nhất định, và mỗi nghệ sĩ cũng lại có một chất liệu ưa thích của mình. Với tôi thì là đá. Đúng là tôi chọn đá vì những trải nghiệm trước kia. Tôi có cảm nhận rất sâu sắc với đá, như là một gắn bó hữu cơ vậy.

Có thể với người khác, đá là chất liệu cứng, khô, khó thao tác kỹ thuật, nhưng tôi thì thấy làm đá nhàn hơn so với các chất liệu khác, thậm chí nhàn hơn làm đất. Nói một cách đơn giản dễ hiểu thì là tôi chơi được với đá. Chúng tôi tương tác hài hòa với nhau. Tôi không phải cố để gò ép nó. Thân thuộc rồi thì chỉ cần nghe tiếng mũi khoan chạm vào đá là sẽ hiểu tính chất của tảng đá đó như thế nào, để có những ứng biến phù hợp tiếp theo. Thêm nữa, đá khá đa dạng về thể loại, thế nên tôi cứ tha hồ mà thử nghiệm thôi.

Cũng như các loại hình nghệ thuật tạo hình khác, điêu khắc cũng có sự kết hợp đa dạng giữa các chất liệu. Ở anh là sự kết hợp giữa đá với đồng và sắt. Và rõ ràng, nó mang đến một hiệu quả thị giác ấn tượng, nhưng từ đâu mà anh cho chúng kết hợp với nhau?

Đá và đồng, xét về niên đại thì chúng là hai thời kỳ kế tiếp nhau, như kiến thức phổ thông chúng ta đã học, hết thời kỳ đồ đá thì sang thời kỳ đồ đồng. Nhưng đồng hay sắt hiện nay lại thuộc về chất liệu công nghiệp, trái ngược lại với đá là chất liệu tự nhiên. Kết hợp chúng với nhau nhằm tạo ra một xung đột, một tương phản; và để người ta phải đặt ra câu hỏi: vì sao các nguyên liệu tự nhiên mất đi, vì sao chúng lại trở thành chất liệu công nghiệp?

Tác phẩm 20 năm, 30 năm, và 50 năm.

Tác phẩm 20 năm, 30 năm, và 50 năm.

À, có vẻ chúng ta đang bàn đến trách nhiệm của nghệ thuật với xã hội? Thế thì theo anh, nghệ thuật có độc lập với xã hội không?

Không. Làm sao mà có thể độc lập được? Trước giờ tôi không nghĩ đến chuyện nghệ thuật phải có trách nhiệm thế này thế kia, hay mình phải làm cái này cái khác, nhưng mọi sáng tác của tôi, cho tới nay, đều đến từ những biến động của xã hội. Tôi không cố tình chú ý hay tìm kiếm, tôi cứ để mọi thứ trôi trượt quanh mình, tự nhiên như cách chúng ta sống thôi. Cái gì va vào mình thì mình tiếp nhận nó, nó ở đó trong tôi, và tôi làm việc với những va đập đó. Đó là cách tôi sáng tạo.

Khi đã có ý tưởng, anh bắt đầu tìm hình hài cho nó?

Không (có vẻ tôi nói “không” hơi nhiều nhỉ, cười). Tôi không cố tìm hình. Tôi chỉ nghĩ về cái ý đó thôi, và rồi tự nhiên một lúc, nó hiện ra trong đầu tôi, kết cấu, bố cục, và chất liệu…

Cả chất liệu luôn?

Đúng vậy. Ngày trước thì tôi cũng làm đúng quy trình, đó là dựng phác thảo trên đất, đổ thạch cao, chuyển chất liệu… Nhưng rồi sau thì tôi sáng tác thẳng trên chất liệu luôn, cũng có thể vì tôi đã hiểu đá đến độ làm chủ được nó mà không cần qua bước trung gian.

Tôi phải thú nhận rằng, việc tạo tác trực tiếp trên chất liệu mang lại những trải nghiệm cảm xúc cực kỳ thú vị, không hẳn vì mình chinh phục được nó. Chỉ biết là thấy khoái sướng như được tặng quà vậy.

Tác phẩm Hôm qua, hôm nay và ngày mai, chất liệu đá.

Một nghệ sĩ trẻ như anh, khi đưa sáng tạo của mình ra trước công chúng thì tâm lý thường như thế nào? Nghệ sĩ luôn được xem là nhạy cảm, thế thì việc khen chê của công chúng có tác động tới họ ra sao?

Tôi không phải là nghệ sĩ trẻ. Tôi chỉ trẻ so với những người lớn tuổi hơn thôi (cười), còn với tư cách nghệ sĩ thì không còn trẻ nữa. 30 là độ tuổi mà một người làm sáng tạo phải định danh được mình rồi, chưa kể những tìm tòi thể nghiệm liên tục mà anh ta phải luôn ý thức thực hiện. Nhưng tôi có thể nói về những triển lãm đầu tiên mà tôi tham gia.

Cảm giác không tự tin là điều thường thấy ở các nghệ sĩ trẻ. Tôi cũng đã từng như thế. Nhưng chỉ một lần thôi, vì sau đó tôi nghĩ là mình phải tin vào mình. Mình trẻ thì tất nhiên trải nghiệm của mình còn mỏng, còn nông. Nhưng tuổi nào có năng lượng của tuổi đó, có cái hay ho thú vị của tuổi đó, thế nên cứ tự tin mà bày biện ra thôi.

Điều cốt tử của một người làm sáng tạo là bảo vệ được quan điểm của mình tới cùng.

Những sáng tạo ấy, chúng là chính mình vào thời điểm đó, chẳng có gì mà phải xấu hổ ngượng ngùng cả. Nếu một ai đó chê thì vấn đề nằm ở họ chứ không nằm ở mình, vì rõ ràng là ông ta thiếu khách quan khi đứng ở tư cách người trưởng thành nhiều kinh nghiệm để mà phán xét một kẻ đang chập chững. Mà thực ra, khen hay chê đều không ảnh hưởng gì tới tôi cả. Khen xã giao, khen động viên còn khiến tôi thấy khó chịu hơn là chê.

Điều cốt tử của một người làm sáng tạo là bảo vệ được quan điểm của mình tới cùng. Cái đó có thể bị xem là bảo thủ hay cực đoan, nhưng nếu anh không bảo vệ được quan điểm của mình, thì cái mà anh làm ra đâu còn là con người của anh nữa. Anh đã làm một thứ hàng fake rồi. Ví dụ cụm tác phẩm tôi đang làm này chẳng hạn, cái đoạn này nó chuyển rất đột ngột, mọi người đều thấy thế và có thể không thích. Nhưng tôi thì lại cần nó phải đột ngột thế cơ. Như thế mới đúng là tôi.

Với tư cách một người làm sáng tạo, thì việc bị “án tích” như thế có gây trở ngại gì cho anh không?

Án tích nào nhỉ?

Vụ tác phẩm Đơn hàng của anh, tác phẩm tham dự Festival Nghệ thuật trẻ năm 2017, từ giải nhất bị đánh tụt xuống giải nhì. Anh có cho rằng việc thay đổi thứ hạng của giải là một sự thiếu minh bạch và không chuyên nghiệp?

Ồ, tôi đã quên béng chuyện đó rồi đấy, nếu không nhắc lại thì có lẽ tôi không còn nhớ đã từng có chuyện đó xảy ra. Thật tình mà nói thì tôi không quan tâm tới giải thưởng đâu. Được giải hay không được giải thì tôi vẫn làm việc thôi.

Về sự thay đổi thứ hạng giải thưởng thì tôi nghĩ là họ có lý do của họ, còn tôi thì không quan tâm tới điều đó. Tôi cũng không buồn bực hay muốn truy vấn vì sao. Giá trị của một tác phẩm đâu chỉ nằm ở giải thưởng hay những lời tụng ca.

Một số tác phẩm của nghệ sĩ Đào Tân.

Một số tác phẩm của nghệ sĩ Đào Tân.

Nhưng như anh đã nói ở trên, hầu hết các tác phẩm của anh cho tới giờ này đều bắt nguồn từ đời sống và từ những biến động xã hội, mà tác phẩm Đơn hàng là một ví dụ rõ nét nhất. Anh không thuyết minh nó, nhưng bản thân cái tên và tạo hình của tác phẩm đã cho thấy đó là một tác phẩm phản biện xã hội. Từ thực tế kiểm duyệt ngặt nghèo đối với các triển lãm mỹ thuật trong những năm gần đây, anh có nghĩ rằng việc đưa các sự kiện xã hội vào tác phẩm của mình sẽ khiến người nghệ sĩ gặp những trở ngại không mong muốn?

Tôi không nghĩ đến việc đó. Chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Công việc của tôi là sáng tạo. Thì tôi cứ sáng tạo thôi. Ai mà cấm được não mình hoạt động chứ?!

Theo anh, những tác phẩm đã hoàn thiện có độc lập hoàn toàn với tác giả của nó không? Hay vẫn có những ảnh hưởng qua lại lẫn nhau?

Có ảnh hưởng chứ, dù nó đã có một cuộc đời độc lập, thì ít nhiều vẫn có liên quan. Nó là con người mình mà. Nó phản ánh nội tâm mình tư duy mình ở thời điểm đó. Có thể lúc đó mình thấy nó rất hay rồi, nhưng sau khi đã có một độ lùi nhất định, thì mình nhận thấy là chưa đủ, chưa tới. Mình có thể dẹp nó sang một bên, như là một thử nghiệm; hoặc sẽ xem nó như là một gợi ý, một phác thảo cho những tác phẩm khác chẳng hạn.

Được biết anh chưa từng triển lãm cá nhân. Anh có kế hoạch cho việc đó không?

Có đấy. Tôi muốn tổng kết giai đoạn đơn hàng này để tập trung cho những dự định ý tưởng mới. Có quá nhiều thứ mà tôi muốn làm, nhưng để hiện thực hóa chúng một cách nghiêm ngắn thì tôi cần kết thúc giai đoạn này. Phải ngắt ra để dành năng lượng cho những dự án tiếp theo. Tôi đang lên kế hoạch rồi, có thể là năm tới hoặc 2025.

Sẽ có những tác phẩm anh đã trưng bày chứ?

Không. Tất cả đều làm mới. Tôi không muốn bày lại các tác phẩm cũ. À, nhưng cũng có thể tôi sẽ chọn một vài tác phẩm cũ nhưng sẽ thu nhỏ lại, để công chúng dễ có một hình dung hoàn chỉnh về một giai đoạn sáng tác của tôi.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện. Rất mong chờ được xem những sáng tạo mới của anh!

Nghệ sĩ Đào Tân kể về tác phẩm Đơn hàng

Bắt đầu từ việc vô tình thấy những status đăng tải lên facebook với nội dung tuyển đơn hàng đi lao động tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, tôi đã có suy nghĩ, phải thú nhận là khá nặng nề: đây rõ ràng là con người đi làm việc cơ mà, tại sao lại là đơn hàng?

Trong các thông tin đăng tuyển còn nói rất chi tiết, mỗi đơn hàng bao nhiêu người, được chuyển tới đâu. Tôi nghĩ, ồ con người người ta còn bán được thì còn cái gì mà người ta không bán được?

Bộ tác phẩm Đơn hàng, chất liệu đá.

Ý tưởng làm một tác phẩm như thế đã nảy ra trong đầu tôi, nhưng phải hai năm sau, tức là năm 2017, khi tôi cảm thấy đã “đủ” thì tôi mới bắt tay vào làm. Đó cũng là bài tốt nghiệp Đại học của tôi. Sau đó, tôi phát triển thêm lên, cũng trên chất liệu đá, nhưng khái quát lại, đặc tả những nỗi niềm những trói buộc những gánh nặng mà những “đơn hàng” phải mang vác trên hành trình tha hương của họ.

Nghệ sĩ Đào Tân sinh năm 1991, tốt nghiệp khoa Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2017, đang làm việc tại Hà Nội với tư cách một nghệ sĩ tự do. Anh từng tham gia triển lãm nhóm tại Hà Nội, như là Hôm qua, hôm nay và ngày mai (2020), Biến chuyển (2021), Lựa chọn (2023)…

Quý Phạm thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghe-si-dao-tan-va-nhung-cuoc-chuyen-tro-voi-da-40721.html