Nghệ sĩ điện ảnh giao lưu với LLVT, thanh niên và sinh viên
Khi nghe NSND Nguyễn Quốc Trị kể lại câu chuyện vào vai bộ đội Thục trong vở kịch nổi tiếng 'Đại đội trưởng của tôi', không gian Nhà văn hóa Thanh niên TP Vũng Tàu chiều 25-11 vang lên những tràng vỗ tay cổ vũ.
Hoạt động giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với lực lượng vũ trang, thanh niên, sinh viên trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, năm 2019 (LHP) diễn ra từ ngày 22 đến 27-11 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu này được các thế hệ nghệ sĩ háo hức và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Trên sấn khấu, Đại tá NSND Nguyễn Quốc Trị (nguyên diễn viên của Nhà hát Kịch nói Quân đội) kể lại những kỷ niệm trong vở kịch “Đại đội trưởng của tôi”. Nhớ về những kỷ niệm của thời kỳ khói lửa, với nghệ sĩ, gian khổ nhất có lẽ là năm 1977-1978 khi tham gia chiến dịch Tây Ninh, phục vụ bộ đội biên giới Tây Nam. Vai Thục trong vở “Đại đội trưởng của tôi” để lại ấn tượng nhất với chính nghệ sĩ. Ngày đó, buổi chiều các chiến sĩ vẫn tham gia đánh địch, buổi tối ngồi chật kín quanh thửa ruộng xem kịch. Nghệ sĩ và chiến sĩ dường như không có ranh giới, họ cũng chịu gian khổ, thiếu thốn. Không có nước tắm, gạo không đủ, phải ăn bo bo cùng bộ đội.
Tuy vậy, các nghệ sĩ vẫn đem hết sức mình diễn phục vụ các chiến sĩ. Ở đâu có bộ đội ở đó có văn công, suốt hai tháng trong năm 1979, NSND Quốc Trị đã cùng anh chị em nghệ sĩ đi dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc diễn vở kịch “Đêm và Ngày”. Tất cả những gian khổ ấy chính là động lực, là vốn sống cho những vai diễn về hình tượng người lính sau này của Quốc Trị. Những vai diễn luôn gần gũi với bộ đội, nhân dân, được mọi người quý mến, trân trọng. Chính ông cũng tự thấy những vai đậm chất lính là thế mạnh của mình. Với ông, mỗi một vai diễn đều phải xuất phát từ vốn sống của cuộc sống, của đời thực. Phải chiêm nghiệm trong cuộc đời của chính bản thân diễn viên cùng với sự quan sát có chọn lọc của người nghệ sĩ trong cuộc sống. Kiến thức như một ô ngăn kéo, đọc mỗi một kịch bản lại phải lục ngăn kéo tìm cái hay, dở, điển hình của nhân vật, phải cảm thụ sau đó mới có thể có lối diễn thật như cuộc sống. “Diễn viên trong quân đội sẽ có những khuôn phép nhất định. Mình phải xác định được trách nhiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ, lối sống không bon chen, không quỵ lụy ai, biết trân trọng mọi người, sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ và sống giữa đời không ngại ngần. Tất cả được phản ánh qua nhân vật, luôn bênh vực, nói hộ những tầng lớp lao động trong xã hội”, NSND Quốc Trị chia sẻ.
Vào các vai nữ chính trong các bộ phim nổi tiếng “Chị Tư Hậu”, “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”… NSND Trà Giang cũng gợi nhớ lại những kỷ niệm của một thời gian hóa vào các vai diễn để lại dấu ấn vàng son cho điện ảnh cách mạng Việt Nam: “Thế hệ diễn viên của tôi gặt hái được một số thành công, cố gắng hết sức của mình để diễn đạt cuộc sống của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Điện ảnh hôm nay, một người, một số người tâm huyết thôi chưa đủ. Hồi đó là cả một tập thể lớn luôn vì một nền điện ảnh dân tộc, vì nhau, trân trọng nhau và luôn quên mình”.
Tham gia giao lưu còn các nghệ sĩ được công chúng mến mộ khác như: NSND Nguyễn Lan Hương, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ…
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là đạo diễn đã có 3 phim điện ảnh tham gia LHP Việt Nam liên tiếp, từ “Khi ta không còn trẻ” (LHP Việt Nam lần thứ 18), “Cuộc đời của Yến” (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 19), LHP Việt Nam lần này là phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Là đạo diễn trẻ-sinh năm 1989, nhưng Đinh Tuấn Vũ thường chọn đề tài phim chính luận, chiến tranh cách mạng để hiện thực giấc mơ điện ảnh của mình. Với Đinh Tuấn Vũ, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng luôn được anh tìm tòi và mong mỏi được sáng tạo để cống hiến tới khán giả những thước phim mới mẻ, cách tiếp cận mới mẻ của người trẻ về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Qua đó truyền những thông điệp về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế hệ trẻ ngày hôm nay và mai sau.