Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hiện nay, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Xuân Bắc và Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do đã có những trao đổi cụ thể trong buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào chiều 21/4, tại Hà Nội.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Xuân Bắc cho biết, quan điểm xử lý của Cục lâu nay luôn nhất quán với chủ trương đương lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghệ sĩ hay người nổi tiếng cũng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật như mọi công dân khác. Cũng theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử với người hoạt động nghệ thuật, để từ đó, những người hoạt động nghệ thuật để từ đó nhận thức đúng đắn hơn. Đây là quy tắc ứng xử, không có nội dung nào về xử lý vi phạm cụ thể. Năm 2024, Cục đã phối hợp với thanh tra bộ kiểm tra hành vi vi phạm của một số cá nhân và đã có thông báo, nhắc nhở.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí về xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí về xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cũng cho biết, quan điểm của Cục giống với Cục Nghệ thuật biểu diễn, tức là xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật dựa theo quy định pháp luật. Trong quy định pháp luật hiện hành không phân biệt có quy định riêng nào hay mức xử lý tăng nặng hơn đối với nghệ sĩ, người nối tiếng. Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Các bộ ngành cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với các lĩnh vực của bộ, ngành quản lý. Tuy nhiên, đây không phải là quy định pháp luật kèm theo đó là chế tài nên không có xử lý ai. Nhận thấy bộ quy tắc ứng xử không kèm theo tính răn đe, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể chế một số nội dung trong bộ quy tắc trong Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và đưa vào dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Dựa thảo Luật Quảng cáo sửa đổi dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2025.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, ngoài quy định cứng là quy định pháp luật thì cần có quy định mềm là quy tắc ứng xử nhằm tạo môi trường văn hóa để khán giả bày tỏ chính kiến của mình đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng vi phạm đạo đức.

Họp báo thường kỳ quý I năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Họp báo thường kỳ quý I năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về câu hỏi nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật rồi xin lỗi là xong, ông Lê Quang Tự Do khẳng định, việc xin lỗi có mấy vấn đề. Lời xin lỗi của bất cứ người nào làm sai rất cần thiết, khi làm sai nên nhận lỗi và xin lỗi. Nhưng xin lỗi suông thì không đủ mà phải khắc phục lỗi và nên triển khai đồng thời, vừa xin lỗi vừa tự nguyện tự giác khắc phục hậu quả và thực hiện xử phạt của pháp luật nghiêm túc.

Về xử lý quảng cáo sai sự thật, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin khẳng định, các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Bộ quản lý quảng cáo - không thể biết sản phẩm quảng cáo có phải là hàng giả hay không. Khi có kết luận sản phẩm là hàng giả thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xử lý. Nội dung này đã được quy định rõ trọng Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

“Trong quá trình xử lý, chúng tôi thấy, các nghệ sĩ, người nổi tiếng nhận thức pháp luật về quảng cáo rất yếu nên nhận hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không quan tâm nội dung họ đưa cho mình có đúng hay không nên rất dễ vi phạm”, ông Lê Quang Tự Do nói. Ông cũng cho rằng, trường hợp của Quang Linh Vlog rất đáng tiếc. Nếu Quang Linh hiểu biết pháp luật hơn sẽ tránh được hậu quả đau lòng. Với nghệ sĩ, nhiều người vừa hiểu biết pháp luật chưa cao, lại có tính nghệ sĩ nên khi đối tác đưa nội dung, nhờ nói thêm, nghệ sĩ dễ biến tấu, nói thêm ngoài nội dung ghi trong văn bản hợp đồng. Họ nói sản phẩm có tác dụng tăng chiều cao vượt trội, nghệ sĩ nói tăng 5 – 10cm mà không có cơ sở nào. Ngay cả việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo dựa trên trải nghiệm của cá nhân cũng bị xem xét vì trải nghiệm của cá nhân họ không thể áp dụng chung có tất cả mọi người. Ví dụ, có người nói họ sử dụng sản phẩm dầu gội đầu khiến tóc xơ rối nhưng vì lý do nào đó họ bị ảnh hưởng còn rất nhiều người khác sử dụng bình thường. Như thế, nếu quảng cáo cũng là sai sự thật, nói dối.

Ông Lê Quang Tự Do cũng lưu ý, khi nghệ sĩ hợp tác với các công ty sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong vai trò là gương mặt đại diện nhưng được trả bằng cổ phần, nhưng nếu sản phẩm quảng cáo sai sự thật, họ sẽ bị kết luận là sản xuất hàng giả.

Việc xử lý những trường hợp vi phạm cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Cục đã nhận được phản ánh và trước mắt đã phối hợp với ngành Y tế đề nghị xử lý 2 trường hợp cụ thể là biên tập viên Quang Minh bị đề nghị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng và Vân Hugo bị đề nghị xử phạt 70 triệu đồng vì quảng cáo sữa không đúng với các nội dung sản phẩm được công bố của cơ quan chức năng. Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử cũng khuyến cáo, để tránh vi phạm quảng cáo sản phẩm, người tham gia quảng cáo nên kiểm tra kỹ giấy phép liên quan và nội dung quảng cáo liệu có vượt qua tính năng, công dụng của sản phẩm được cơ quan chức năng công nhận hay không…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nghe-si-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-bi-xu-ly-nhu-the-nao--i765857/