Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín và vai diễn định mệnh trong Ván bài lật ngửa
Chỉ một vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa cũng đủ để lưu danh Nguyễn Chánh Tín. Sự ra đi của ông khiến khán giả một lần nữa nhìn nhận lại thành tựu cũng như thêm ngưỡng mộ vai diễn huyền thoại về nhà tình báo lỗi lạc Phạm Ngọc Thảo.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín là người vô cùng đa năng. Ông làm nhiều nghề khác nhau, từ ca hát, diễn kịch, đóng phim, đạo diễn, nhà sản xuất cho đến đi buôn… nhưng rồi chỉ có sự nghiệp điện ảnh là nổi bật nhất với ông. Và với điện ảnh, chỉ có vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân là nổi tiếng nhất. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cái tên Nguyễn Chánh Tín trở lên lẫy lừng và sống mãi trong ký ức của khán giả.
Người ta nói, vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân như sinh ra là để dành cho Nguyễn Chánh Tín và ngược lại. Chính vì thế, kể cả phim được làm lại chắc cũng khó có ai mà vượt qua được hình tượng mà ông đã thổi hồn cho vai diễn.
Năm 1982, bộ phim được bấm máy, chuyển thể từ tác phẩm "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng, do đạo diễn Lê Hoàng Hoa viết kịch bản và đạo diễn. Phim quay xong tập 1 nhưng nam chính không được đánh giá cao nên có một số ứng viên nổi tiếng khác được đề cử như Thế Anh, Lâm Tới… Do đây là phim khắc họa chân dung nhà tình báo vĩ đại Phạm Ngọc Thảo trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta thời Diệm - Nhu lúc miền Nam còn tạm chiếm nên được kiểm duyệt rất kỹ của Trung ương từ kịch bản cho đến diễn viên. Phương án thay thế diễn viên bằng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín được chính nhà văn Trần Bạch Đằng giới thiệu.
Khi đưa "hồ sơ diễn viên" của Chánh Tín, có một chi tiết về đời tư của ông đã được giấu đi. Số là hồi còn là diễn viên của đoàn kịch Bông Hồng, vì thu nhập bèo bọt, cuộc sống quá vất vả nên Chánh Tín đã tìm cách vượt biên. Chuyến đi không trót lọt, ông bị bắt và phải ngồi tù.
Lúc đó, ông Sáu Thảo, tức Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP.HCM rất thương Chánh Tín nên tìm cách để cho ông "lấy công chuộc tội". Nếu đưa chi tiết ông vượt biên và ngồi tù mà vào vai một đại tá tình báo thì không ổn, nên thông tin "nhạy cảm" này đã được giấu đi. Khi gửi đoạn quay thử lên thì nhận được cái gật đầu của Trung ương. Đó cũng là khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín.
Nguyễn Chánh Tín ngày đó sở hữu chiều cao vượt trội cùng với vẻ ngoài lãng tử, hào hoa với hàng ria nam tính, lịch lãm. Thời gian này, ông đang là ca sĩ nổi danh với các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy như "Tìm nhau" và "Nghìn trùng xa cách". Từ sự nổi tiếng này mà ông được các đạo diễn chú ý, mời tham gia các phim như: "Vĩnh biệt tình hè" do Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn, "Đời chưa trang điểm" của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Riêng "Đời chưa trang điểm" đoạt 7 giải Vàng, cá nhân Nguyễn Chánh Tín giành Huy chương Vàng điện ảnh.
Đa năng là vậy nhưng hàng ngày, "tài tử" vẫn phải ra chợ phụ vợ bán rau, ráp xe đạp để sinh sống và nuôi vợ con. Vợ ông vốn là tiểu thư con nhà vai vế, là bạn diễn ăn ý với ông trên sân khấu ca nhạc. Nhưng đi hát, cả hai vợ chồng chỉ kiếm được 13 đồng. Chỉ đến khi đóng "Ván bài lật ngửa", cuộc sống và cuộc đời của diễn viên Nguyễn Chánh Tín như được thay áo mới.
Phim dài 8 tập, quay trong 5 năm (từ năm 1982 đến năm 1987), gồm: Đứa con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thủy và bản tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ, Vòng hoa trước mộ.
Với kịch bản hoàn hảo, được tạo dựng từ những tên tuổi tài năng, dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng (ngoài Chánh Tín còn có ca sĩ Thanh Lan, Thúy An, Thương Tín…), lời thoại súc tích, thâm sâu… "Ván bài lật ngửa" đã gây tiếng vang khắp cả nước. Trong đó, lối diễn như "xuất thần" của Nguyễn Chánh Tín đã làm nên nhân vật để đời trong ký ức của khán giả, trở thành người hùng màn bạc thời đó.
Người ta nói, nhân vật đại tá Nguyễn Thành Luân được yêu thích hơn nhờ ngoại hình lý tưởng, gương mặt điển trai khá "Tây" của Nguyễn Chánh Tín. Cho đến bây giờ, nhắc đến đại tá Nguyễn Thành Luân, những ai đã xem phim hẳn thấy ký ức mình hiện lên những khung hình về màn đấu trí căng thẳng, kịch tính của đại tá Nguyễn Thành Luân với phía "bên kia"; hay cảnh rượt đuổi gay cấn bằng xe gắn máy xen lẫn đấu súng đầy chất hành động Hollywood của ông ở Đà Lạt...
Và mãn nhãn nhất là cảnh "người hùng" bước xuống từ chiếc xe hơi màu đen, trong trang phục áo măng tô, mũ phớt đen, chậm rãi bước đi trên con đường đầy lá rơi trong rừng cao su dài hun hút. Phân cảnh kéo dài tới 3 phút nhưng đủ làm nên sức ám ảnh một đời với người xem về một khung cảnh đầy chất điện ảnh, thơ mộng nhưng cũng vô cùng hùng tráng.
Bộ phim được nhiều nhà bình phim đánh giá là một trong những thành công lớn của điện ảnh Việt Nam về đề tài tình báo. Kể cả bây giờ, dù điều kiện làm phim tốt hơn trước nhưng cũng khó mà vượt qua được Ván bài lật ngửa của 38 năm trước.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, phim đã xuất sắc giành giải đặc biệt; giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và giải nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985 cho nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín.
Thành công mọi mặt là vậy nhưng về cát-sê, nam chính như nghệ sĩ Chánh Tín lúc đầu chỉ được nhận ba trăm đồng cho 6 tháng làm việc, không lãnh bất kỳ nhu yếu phẩm nào khác. Tính ra, một ngày, cát-sê của ông được gần 2 đồng, mà lúc đó 6 đồng là ăn được khoảng 2 tô phở, còn nếu ăn phở hẻm thì 1 đồng 1 tô.
Thu nhập diễn viên "bèo bọt" nhưng bù lại, ông kiếm tiền bằng sức hút của vai diễn như chụp hình quảng cáo, ca hát. Hát một đêm thu nhập được khoảng hai, ba chục đồng. Có sự kiện, ông được trả hai, ba trăm đồng một đêm. Nếu đi tỉnh, cát-sê của ông lên tới năm trăm, thậm chí bảy, tám trăm đồng. Cuộc sống của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín cũng trở nên giàu có hơn từ thành công của vai diễn.
Sau này, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín còn thành công ở vai trò đạo diễn và sản xuất phim. Năm 1992, từ chỗ là "người làm thuê" cho đạo diễn, ông bắt tay với Lê Hoàng Hoa sản xuất bộ phim Ngôi nhà oan khốc. Trong tác phẩm này, Chánh Tín kiêm cả hai vai trò biên kịch và diễn viên. Với sức nóng của hai cái tên lừng lẫy, dù chỉ phát hành dưới dạng video, bộ phim vẫn thu về số tiền được coi là siêu "khủng" thời điểm bấy giờ. Bộ phim còn vực dậy dòng phim kinh dị sau hơn 2 thập kỷ bị bỏ quên.
Từ cú đột phá trên, Nguyễn Chánh Tín mạnh tay chi tiền để cho ra đời nhiều phim cùng thể loại như: Xác chết trên cao nguyên, Chiếc mặt nạ da người… Năm 2000, Chánh Tín trở lại với thể loại phim tâm lý xã hội trong tác phẩm Bến sông trăng dài 13 tập. Bộ phim Dòng máu anh hung tuy thất bại về doanh thu vì bản quyền bộ phim bị đánh cắp, khiến phim không thể phát hành ở nước ngoài. Sau cú "ngã ngựa" này, ông cũng ít làm phim hơn, chỉ tham gia vài vai diễn nhỏ cho đỡ nhớ nghề.
Minh Nhật
"Ván bài lật ngửa" dựa trên cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo lỗi lạc Phạm Ngọc Thảo nhưng bên cạnh đó còn đưa vào nhiều chi tiết liên quan đến nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông Ba Quốc. Lúc đó có nhiều người nhận xét là xây dựng hình ảnh ông Phạm Ngọc Thảo như vậy là chưa đúng; Tại sao chiến công của ông này lại đưa vào cho ông kia? Một số khác thì sợ rằng phim làm lộ bí mật… Vì vậy, có thời điểm, phim từng bị tạm dừng, không cho sản xuất tiếp.