Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thành và duyên nợ với nghệ thuật cải lương
Đối với nghệ sĩ biểu diễn kịch hát dân tộc, bên cạnh 'thanh, sắc' trời ban, điều quan trọng còn phải biết nuôi lửa đam mê nghề nghiệp, biết lắng nghe, học hỏi để hoàn thiện mình. Luôn tâm niệm như thế nên trong suốt hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật cải lương nước nhà, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thành chưa bao giờ ngừng cố gắng, nỗ lực để tạo nên dấu ấn trong giọng ca và phong cách diễn xuất của riêng mình. Ông được công chúng mến mộ gọi là 'Hoàng tử cải lương đất Bắc'.
Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thành (tên thật là Nguyễn Văn Thành) sinh năm 1954 tại Hà Nội trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. Song, ông được thừa hưởng tình yêu dành cho những lời thơ, tiếng hát, điệu đàn từ chính mẹ mình - người phụ nữ đặc biệt mà theo lời ông kể là có khả năng xuất khẩu thành thơ, có thể đọc làu làu từng câu, từng chữ trong "Truyện Kiều".
Thế nên khi bắt đầu được tiếp cận nghệ thuật cải lương từ những năm 15 tuổi, 16 tuổi, chàng thanh niên Minh Thành đã lập tức “phải lòng” ngay. Học hết phổ thông trung học, dù được cha định hướng theo ngành công an, ông vẫn quyết tâm ghi danh dự thi cả ba đơn vị là Đoàn Cải lương Chuông Vàng, Đoàn Cải lương Kim Phụng, Đoàn Cải lương Nam Bộ (nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) để được sống với tình yêu nghệ thuật của mình, và chính thức trở thành diễn viên của Đoàn Cải lương Nam Bộ từ ngày 4/1/1974.
Tại đây, nghệ sĩ Minh Thành may mắn được theo học và truyền nghề bởi những người thầy tài danh của giới cải lương. Đó là cố Nghệ sĩ Ưu tú Công Thành, khi ấy là Đoàn phó Đoàn Cải lương Nam Bộ; là cố Nghệ sĩ Ưu tú Tấn Đạt - người đã hướng dẫn ông nhiều kỹ thuật về ca cải lương; là nghệ sĩ Thọ Hùng - người cung cấp cho ông những kiến thức về lý luận sân khấu; và nghệ sĩ Phạm Thành - người dạy ông về vũ đạo.
Công tác tại đây được hơn một năm thì tới Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Đoàn cải lương Nam Bộ dời vào miền nam, nghệ sĩ Minh Thành ở lại Hà Nội “đầu quân” cho Đoàn Cải lương Bắc Trung ương (sau là Nhà hát Cải lương Trung ương, nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) từ ngày 10/6/1976. Đoàn khi đó do Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên (ông thường gọi là má Ái Liên) làm trưởng đoàn.
Kể từ khi bước chân vào nghề, vì luôn ý thức được việc mình có xuất phát điểm thấp hơn so với những đồng nghiệp vốn là con nhà nòi, cho nên nghệ sĩ Minh Thành luôn cố gắng khổ luyện. Ngoài việc chăm chú quan sát, học hỏi, lắng nghe từ những người thầy giỏi trong nghề, từ bạn diễn, ông còn học từ chính những giọng ca mà mình thần tượng.
Nghệ sĩ Minh Thành chia sẻ, thời ấy, ông mê nhất là tiếng hát của đệ nhất danh ca Minh Cảnh. Đó cũng là lý do ông lựa chọn nghệ danh cho mình là Minh Thành. Ngoài ra, còn có các bậc tiền bối trong nghề như Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tuấn, các danh ca Hoài Thanh, Chí Tâm - những người mà đến giờ giọng ca vẫn còn rất hay. Ngày nào ông cũng bật băng đĩa có giọng ca của những “thần tượng” để nghe, luyện hát theo, học cách ép hơi, nhả chữ và đưa vào thêm những sáng tạo cá nhân để tạo dấu ấn riêng.
Đến giờ, ông vẫn nhớ như in lời dạy của thầy mình - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: “Là người nghệ sĩ, hãy luôn biết đeo cái bị ở đằng trước để đựng tất cả những góp ý khen chê, để rồi từ đó tiếp thu và thay đổi, hoàn thiện hành trang nghề nghiệp”. Luôn mang theo câu nói ấy, ông chịu khó lắng nghe ngay cả tiếng to, nhỏ từ những tràng pháo tay của khán giả, cả những phút người xem im phăng phắc để tận hưởng nghệ thuật hay vỗ đùi đánh đét vì bắt được câu ca ưng ý…, từng ngày cóp nhặt, rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn.
Giàu tinh thần học hỏi, cầu tiến, lại may mắn được tôi luyện trong những đơn vị vốn được coi là "cánh chim đầu đàn" của cải lương hai miền nam-bắc, có lẽ bởi thế mà giọng hát của nghệ sĩ Minh Thành có sự quyện hòa, mang sắc màu đặc biệt khó nhầm lẫn với bất cứ ai.
Vậy nên ngay từ khi mới chỉ thủ vai phụ là vai người lính trong vở “Hương tràm” (năm 1977) của Đoàn Cải lương Bắc Trung ương, cả vở chỉ được giao hát đúng hai câu vọng cổ, nhưng khi nghệ sĩ Minh Thành vừa cất tiếng hát, khán giả đã phải ồ lên vì phát hiện một giọng ca lạ đến thế. Và kể từ năm 1980, khi được Nhà hát Cải lương Trung ương giao vai chính đầu tiên là vai anh công an trong vở “Ngã tư đường phố”, nghệ sĩ Minh Thành đã khẳng định được tài năng, nội lực trong cả giọng hát và diễn xuất, để rồi trở thành kép chính trong hàng loạt vở diễn sau đó của Nhà hát như: “Lục Vân Tiên”, “Miền đất nhớ”, “Hoàng tử biển”, “Tiền và nghĩa”… Danh xưng “Hoàng tử cải lương đất Bắc” cũng gắn liền với ông từ những ngày đó.
Những người yêu cải lương vẫn nói, nếu nhắc đến nghệ sĩ Minh Thành mà không nhắc đến nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền sẽ là thiếu sót lớn, bởi đây là “bóng hồng” sân khấu đã góp phần làm nên những phút thăng hoa trong diễn xuất của ông. Ông chia sẻ trong nghiệp diễn cải lương đã từng sánh đôi với nhiều nghệ sĩ nữ, nhưng bạn diễn “tâm đầu ý hợp” nhất với ông là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Hiền.
Kể từ lần diễn chung đầu tiên năm 1986 trong vở “Đôi dòng sữa mẹ”, Minh Thành - Thanh Thanh Hiền đã trở thành cặp kép - đào nổi tiếng của Nhà hát và sân khấu cải lương miền bắc, liên tục bắt cặp trong suốt hơn chục năm với thành công của nhiều vở diễn như: "Khi thành phố lên đèn", "Biển tình cay đắng", "Chuyện tình của hai kẻ thù"… “Hiền gọi tôi là chú, xưng cháu, nhưng trên sân khấu, nhiều khi chưa nói trước đã hiểu ý nhau. Chúng tôi diễn ăn ý đến mức khán giả còn từng gọi tới đơn vị hỏi tôi và Thanh Thanh Hiền có phải vợ chồng thật ngoài đời hay không” - nghệ sĩ Minh Thành kể.
Ông vẫn nhớ mãi có một khán giả yêu cải lương người Hà Nội đã xem “Biển tình cay đắng” nhiều lần, nhưng vẫn mua vé và căn đúng khoảng thời gian từ 9 giờ đến 9 rưỡi tối để đến rạp hát xem Minh Thành và Thanh Thanh Hiền ca Đoản khúc Lam Giang và ba câu vọng cổ.
Ông thường đùa rằng đời mình có hai người vợ, một ở ngoài đời và một trên sân khấu, đó là những người ông luôn khắc trong tim. Nói về người bạn đời kém mình 5 tuổi, ông vẫn thầm cảm ơn duyên phận đã cho ông lấy được một người vợ đảm đang, biết lo toan chu toàn cho gia đình để ông yên tâm thả hồn vào nghệ thuật.
Nhớ về thời hoàng kim của sân khấu cải lương những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nghệ sĩ Minh Thành vẫn nhớ như in cảm giác hưng phấn khi được diễn trên sân khấu trước khán phòng đông kín khán giả. Có những ngày đoàn phải tăng ca diễn ba suất một vở. Có những vở diễn hàng chục đêm liền, diễn viên chỉ kịp ăn nhanh trong giờ giải lao để kịp diễn tiếp.
Đặc biệt, những lần lưu diễn tỉnh, bà con xếp chỗ đợi hàng tiếng để được xem vở, nghe hát. Hiếm lần nào nghệ sĩ phải quay về tay không vì bà con luôn yêu mến, người tặng khúc cá thu, xâu ốc biển, người tặng lít mắm chượp, buồng dừa, nải chuối… làm quà. “Sự mến mộ của khán giả là phần thưởng quý giá nhất đối với cuộc đời người nghệ sĩ” - Nghệ sĩ Minh Thành tâm sự.
Sự mến mộ của khán giả là phần thưởng quý giá nhất đối với cuộc đời người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thành
Với những kinh nghiệm dày dạn trong nghiệp diễn, năm 2002, nghệ sĩ Minh Thành được phân công làm Trưởng Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2014. Ở vị trí này, ông dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng kỹ năng ca, diễn cho những đồng nghiệp trẻ. Năm 1997, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Và mới đây, tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 vừa diễn ra ngày 6/3 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, nghệ sĩ Minh Thành đã vinh dự được Chủ tịch nước trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Dù nghỉ chế độ đã lâu nhưng đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thành vẫn luôn trăn trở với sự phát triển của nghệ thuật cải lương, nhất là trong bối cảnh sân khấu dân tộc đang thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, thiếu vắng khán giả.
Ông mong muốn nhà nước và những đơn vị nghệ thuật sẽ có chính sách để đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng đội ngũ khán giả tương lai; đồng thời chú trọng hơn đến khâu bồi dưỡng tác giả để có những kịch bản sân khấu chất lượng; có chế độ đãi ngộ xứng đáng đủ sức giữ chân và thu hút những nghệ sĩ tài năng, tạo động lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản sân khấu dân tộc nói chung, sân khấu cải lương nói riêng.