Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong và những khoảnh khắc lặng người từ Sài Gòn Covid-19

Tối 15/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong tổ chức buổi triển lãm ảnh và ra mắt tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021).

Một tác phẩm của NSNA Trần Thế Phong được trưng bày tại triển lãm.

Một tác phẩm của NSNA Trần Thế Phong được trưng bày tại triển lãm.

Đây là buổi triển lãm ảnh đặc biệt vì không đơn thuần giới thiệu những tác phẩm mới mà còn là dịp để mỗi người tưởng nhớ đến các chiến sĩ, y, bác sĩ, những đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Vì vậy, mỗi người tham quan triển lãm đều cầm trên tay một bông cúc trắng như những lời cầu nguyện gửi đến những người đã mãi mãi không trở về ngôi nhà của chính mình…

Năm 2020, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt sách ảnh Sài Gòn Covid-19 và tổ chức triển lãm ảnh cùng tên tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút đông đảo người xem và sự quan tâm của truyền thông.

 Mọi người dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19.

Mọi người dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19.

Nếu như ở Sài Gòn Covid-19, Trần Thế Phong ghi nhận những khoảnh khắc phố xá trầm lắng trong những ngày giãn cách xã hội của năm 2020; thì ở Sài Gòn Covid-19 (2021), 155 bức ảnh của anh làm thắt tim người xem nhưng không hề bi lụy. Đó là những bức ảnh chất chứa khát vọng sống, tình yêu thương và sự chung sức, chung lòng của đồng bào cả nước dành cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Dòng chảy cuộc sống vẫn cuộn trôi, nhưng ký ức bằng hình của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sẽ trở thành tư liệu lịch sử trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Như một định mệnh, cơ duyên đã cho nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong được hòa mình để chứng kiến và ghi lại các hình ảnh thực tế của thành phố vừa oằn mình chịu đựng những thử thách trong tâm điểm đại dịch Covid-19 (năm 2021). Một thành phố sôi động, náo nhiệt, bỗng chốc trở nên vắng lặng, bao trùm không khí ảm đạm, buồn bã.

 Người xem với những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong.

Người xem với những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong.

Những ngày tháng thành phố phải gồng mình chống dịch, cùng với sự đồng lòng, chung sức của mọi người. Các lực lượng tuyến đầu: Y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên… ở khắp mọi nơi thẳng tiến về đây chung tay, giúp sức Thành phố Hồ Chí Minh để vượt qua đại dịch.

Qua từng tấm ảnh, khán giả gặp lại hình ảnh một thành phố vắng vẻ, chỉ có những chiếc xe cứu thương vội vã từ đường lớn cho tới ngõ nhỏ hun hút sâu. Đó là những hộp cơm nghĩa tình được bày trên phố. Đó là hình ảnh của lực lượng y tế, quân đội, dân quân, thanh niên tình nguyện, đội thiện nguyện... đang cùng nhau làm tốt nhất có thể vai trò của mình với mong muốn cứu người, kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, san sẻ yêu thương để cùng dìu nhau qua đoạn khó của đời người.

155 tác phẩm ảnh được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh do anh chụp trong 5 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2021, để đưa vào tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) bằng tất cả tâm huyết, tình yêu thương của một người con được sinh ra và lớn lên tại một thành phố thân thiện, nghĩa tình.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong kể: “Tôi đã lặng người, bởi trong đời mình chưa bao giờ thấy và chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát đến chạnh lòng. Có nhiều người trong những giờ phút cuối đời đã ra đi lặng lẽ, không có gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh. Hay có những em bé mới sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời. Chưa bao giờ Sài Gòn lạ như thế! Chưa bao giờ Sài Gòn được yêu thương nhiều đến vậy”.

Bìa sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021).

Bìa sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong cho biết thêm, trong hành trình rong ruổi suốt 5 tháng, có những bức ảnh lột tả trực diện nỗi đau thương có thể cứa lòng, thắt tim người xem nhưng anh xin giữ những bức ảnh đó cho riêng mình. Sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) vẫn có nhiều khoảnh khắc lay động cảm xúc nhưng chúng không quá bi lụy, không đào sâu đau thương của người đã khuất và gia đình họ.

Sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) không đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mà đây là thành quả tâm huyết được trưng bày đẹp mắt với dụng ý nghệ thuật về sắp đặt, bố cục. Trong 155 bức ảnh, nhiều tác phẩm được đưa về màu đen trắng, ở một số nhóm chủ đề cần độ lắng về cảm xúc. Anh để ra nhiều khoảng trắng như khoảng nghỉ của thị giác để tiếp sau đó, người xem đi đến trải nghiệm “nặng đô” hơn.

Đây cũng là cuốn sách ảnh “nhiều chữ nhất” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bởi trong đó, anh đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác ở các ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì Covid-19...

Đã qua những câu chuyện đau lòng, giờ đây là một Thành phố Hồ Chí Minh hồi sinh, nhịp sống đã trở lại sôi động. Bộ ảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong sẽ để lại cho thế hệ mai sau một cách nhìn về sức mạnh của tình yêu, tình nhân loại, tình đồng chí, bà con, anh em ruột thịt tại Sài Gòn-Gia Định, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - Thành phố Hồ Chí Minh.

LINH BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/nghe-si-nhiep-anh-tran-the-phong-va-nhung-khoanh-khac-lang-nguoi-tu-sai-gon-covid-19--693356/