Nghệ sĩ Pháp gây bất ngờ khi dựng nhạc kịch về Kiều
'Kim Vân Kiều' là vở nhạc kịch được Nhà hát L'Attrape Theấtre (Paris, Pháp) thực hiện với nhiều bỡ ngỡ về văn hóa, nội dung câu chuyện.
Một vở nhạc kịch mang nhiều tính thử nghiệm lạ lẫm nhưng ba buổi biểu diễn của đoàn kịch tại Việt Nam (Hà Nội và TP HCM) đều “cháy vé“.
“Vật lộn“ hơn một năm, nàng Kiều được chuyển thể nhạc kịch
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trở thành suối nguồn cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, múa rối. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên, câu chuyện về nàng Kiều được đưa lên sân khấu nhạc kịch, qua sự thể hiện của những nghệ sĩ tài năng Pháp. Tác phẩm được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện và đưa lên sân khấu nhạc kịch với tên gọi “Kim Vân Kiều”. Dưới bàn tay của đạo diễn Christophe Thiry, vở nhạc kịch mang đến góc nhìn mới mẻ từ những nghệ sĩ phương Tây.
Theo đạo diễn Christophe Thiry, ông đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du lần đầu là khi có một người bạn Việt Nam đưa cho ông cuốn truyện. “Đây là tác phẩm sâu sắc, giàu có về mặt văn hóa, nghệ thuật. “Truyện Kiều” sống động, hài hước nhưng cũng rất dữ dội và tôi nhận thấy hoàn toàn có thể đưa lên sân khấu“, đạo diễn người Pháp chia sẻ. Ông cũng thừa nhận, dựng vở diễn là quyết định táo bạo vì bản thân ông không biết nhiều về văn hóa Việt Nam và cũng chưa sang Việt Nam bao giờ.
Nhạc kịch đòi hỏi sự phối hợp nhiều loại hình như âm nhạc, sân khấu, khiêu vũ, thanh nhạc… nên các diễn viên được tuyển cũng là những người đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, “Truyện Kiều” dù phong phú nhưng không đi theo kết cấu của một vở kịch thông thường nên ê-kíp đã phải ngồi viết lại thành một kịch bản có chương hồi, lớp lang. Đây không phải điều dễ dàng, nhất là đối tượng khán giả hướng tới là những khán giả của Paris (Pháp) luôn có sự đòi hỏi khắt khe. Trên thực tế, các nghệ sĩ đã mất tới 1 năm để dựng nên một vở diễn chỉ khoảng 90 phút.
“Chúng tôi cố gắng để khi chuyển vở nhạc kịch sang tiếng Pháp phải tạo được sự tung hứng các yếu tố trong tác phẩm, từ sự dữ dội, sống động, hài hước… đã hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Du. Cạnh đó, tác phẩm bao phủ nhiều nền văn hóa, có tính phổ quát, đặc biệt là châu Á“, đạo diễn Christophe Thiry nói.
Không thể chấp nhận được việc bán mình chuộc cha
Trên sân khấu trống chỉ có sự xuất hiện của những dàn nhạc cụ, các nghệ sĩ thỏa sức vẫy vùng và dắt khán giả qua những miền không gian tưởng tượng, chuỗi bi kịch đổ lên nàng Kiều dần hiện ra. Vở nhạc kịch kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, múa, khiêu vũ, âm nhạc, opera để khán giả có thể thẩm thấu kiệt tác văn học này từ nhiều chiều, từ sự sống, tình yêu, bạo lực, bất hạnh, hy vọng…
“
Được biết trước khi tới Việt Nam, “Kim Vân Kiều“ từng có 5 đêm diễn thành công tại Paris (Pháp). Theo đạo diễn Christophe Thiry, nhiều khán giả của Paris và người Việt tại Paris đã tìm đến ê-kíp bày tỏ sự xúc động và cảm ơn về vở diễn.
Tại Việt Nam, ba đêm diễn trong các ngày 20 và 21/9 (TP HCM), 25/9 (Hà Nội) cũng kín khán giả với mức giá vé dao động từ 100.000 - 210.000 đồng. Sau đêm diễn tại Hà Nội, đoàn kịch trở về Pháp và dự kiến sẽ có những suất diễn mới để phục vụ khán giả tại Paris.
”
Vở diễn sử dụng hai nhân vật đóng vai người kể chuyện để truyền tải mọi thứ dễ hiểu nhất cho khán giả. Phần âm nhạc mang những thể nghiệm mới khi các nghệ sĩ vừa hát opera, Pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu các nhạc cụ Tây phương như violin, piano, guitar. Đặc biệt, hòa quyện với màu sắc Tây phương là những sắc màu Việt Nam từ các nhạc khí dân tộc như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu. Lý giải lý do đưa âm nhạc Việt Nam vào vở diễn, đạo diễn Thiry cho hay, ông muốn đưa một phần Việt Nam đương đại vào câu chuyện có từ xa xưa, cũng như muốn có sự hài hòa giữa châu Âu và Việt Nam để cả khán giả Việt lẫn Pháp đều có thể chạm tới cảm xúc và tiếp nhận được câu chuyện.
Nam diễn viên Nicolas Sihema tâm sự, khi nghiên cứu kịch bản của vở diễn, có nhiều điểm anh không hiểu được và có chút sốc về văn hóa như những khác biệt về đạo đức, truyền thống văn hóa, xã hội, gia đình… Nhưng với công việc của nghệ sĩ, họ buộc phải vượt qua được những điều ấy để hướng tới những giá trị nhân văn dù biết chắc không thể chạm được vào những văn hóa đó.
Nói rõ hơn, đạo diễn Christophe Thiry giải thích, việc bán mình chuộc cha như Kiều với người phương Tây là điều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, cuộc đời của Kiều trải qua những biến cố kinh khủng liên tiếp là điều rất vô lý đối với một con người bình thường. Thế nhưng cũng theo ông, hiện nay ở phương Tây phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đặc biệt là bạo lực nên những câu chuyện xảy ra với Kiều thực tế hoàn toàn có thể xảy ra tại phương Tây. Ngoài ra với nghệ thuật, những câu chuyện điên rồ như cuộc đời Kiều lại rất gần gũi. Chưa kể, đây là câu chuyện không xác thực nên các nghệ sĩ cũng có thể diễn thoải mái hơn mà không bị gò bó nhiều.
Trong khi đó, nữ diễn viên Odile Heimburger bộc bạch, vì không hoàn toàn hiểu hết văn hóa Việt nên ê-kíp chỉ cố gắng kể một câu chuyện tình yêu, chuyện đời của người phụ nữ đã sống cách đây hàng thế kỷ. Trong quá trình tập vở, có nhiều đoạn cô đã tự ứng tác mà không đi theo kịch bản.
Lần này, ngoài đạo diễn và các diễn viên là người Pháp, vở diễn có sự tham gia của hai nhạc công người Việt là Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam. Theo Mai Thanh Sơn, quá trình làm việc cùng ê-kíp người Pháp, anh đã tranh cãi nhiều lần những diễn biến, vấn đề mà đạo diễn Christophe Thiry làm. “Tôi là người Việt, am hiểu văn hóa Việt nhất nên tôi hiểu, để những người chưa từng tới Việt Nam như họ hiểu và chấp nhận văn hóa Việt không hề dễ dàng“, anh chia sẻ. Và để thể hiện được một trong những nét văn hóa của Việt Nam, nhân vật trong vở cũng thể hiện một đoạn hát bằng tiếng Việt. Nicolas Simeha (vai Người dẫn chuyện và Sở Khanh) đã phải dày công tập hát tiếng Việt, tập phát âm cho đúng giọng miền Nam để thể hiện một đoạn ca khúc “Dạ cổ hoài lang“.