Nghệ sĩ Quang Thảo: 'Khán giả bây giờ thông minh hơn cả đạo diễn'
Ngày 1.12, vở kịch 'Dưới bóng giai nhân' do Nhà hát kịch IDECAF đầu tư thực hiện, Quang Thảo đạo diễn, cảm tác từ kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du chính thức công diễn.
Vở chính kịch dài 3 tiếng, được đầu tư quy mô, với sự tham gia của dàn nghệ sĩ kịch nói gạo cội: Thanh Thủy, Hồng Ánh, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Bạch Long, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Tuyền Mập, Công Danh… cùng sự góp mặt của nghệ sĩ - Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, diễn ra tại Nhà hát Bến Thành.
Quang Thảo đảm nhận cả hai vai trò quan trọng: tác giả kịch bản và đạo diễn. Dưới bóng giai nhân được phổ thêm những diễn biến mới mẻ bên cạnh cách kể khác về những cái tên tưởng chừng quen thuộc, lồng ghép vào đó các yếu tố nhân văn thời đại. Con số ấn tượng 14 màn trong vở kịch cũng khiến giới chuyên môn và khán giả thêm mong đợi.
Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện với Quang Thảo về yếu tố nghệ thuật cũng như sự mạo hiểm ra mắt Dưới bóng giai nhân ở thời điểm này.
Cứ mỗi lần sân khấu thành phố ra mắt một vở chính kịch mới thì thêm một lần người làm nghề lo lắng: không biết khán giả phản hồi thế nào với chính kịch?
Hiện nay sân khấu biểu diễn, đặc biệt là sân khấu kịch, đang gặp rất nhiều khó khăn do xã hội chuộng nhiều loại giải trí khác như web drama, tiktok… Có quá nhiều mạng truyền thông, giải trí, mọi người có thể ngồi nhà để xem cả thế giới, nên việc thuyết phục khán giả dành thời gian đến sân khấu là cả một vấn đề. Việt Nam đã làm được một mảng, đó là điện ảnh, đã có nhiều bộ phim kéo khán giả đến rạp. Nhưng với cải lương và kịch nói, tôi thấy hơi khó.
Với tư cách một người làm nghề, tôi cũng chạnh lòng, tủi thân lắm. Sự sáng tạo, tâm huyết của nghệ sĩ kịch nói, cải lương rất lớn, lao động rất cực, nhưng tiếp cận được với khán giả thì quá ít.
Tôi nghĩ mình nên làm điều gì đó để phục vụ khán giả đại chúng. Để ra đời một tác phẩm đột phá, mới mẻ, thì thật sự tôi cũng không biết như thế nào là mới. Chuyện tình tay ba tay tư khốc liệt, hay giới tính, hay mâu thuẫn gia đình… mình đã làm hết rồi.
Không phải làm điều mới là phải hiện đại, là đi trước thời đại. Tại sao không đi ngược lại, tìm về giá trị cũ, để mang đến cho giá trị cũ một màu mới. Dòng chảy nghệ thuật luôn có một vòng lặp rất rõ, có khi là 10 - 20 năm, đi lòng vòng cũng về lại cái cũ. Thế là tôi nghĩ đến Truyện Kiều.
Nhiệm vụ của tôi là phải thuyết phục khán giả đây không phải là một kịch bản cũ. Nó là những cái nhìn mới, của người đương đại nhìn về tác phẩm cũ, lồng ghép vào đó yếu tố giải trí để khán giả cảm thấy xứng đáng khi bỏ tiền mua vé.
Về mặt giá trị nghệ thuật, bất kỳ nghệ sĩ trong lĩnh vực nào cũng luôn mong muốn có những tác phẩm giá trị, tạo dấu ấn, làm cho “đã nư”, cho “sướng”, được chơi nghề, được sống thật sự với nghệ thuật. Chọn một tác phẩm khó để làm cột mốc cho bản thân, đó không chỉ là đối với tôi, mà với tất cả nghệ sĩ. Nhiều ca sĩ biết làm liveshow lỗ nhưng lâu lâu họ vẫn làm, thậm chí có người bán nhà để làm là vậy. Đó chính là tham vọng của nghệ sĩ, tham vọng được chứng tỏ, được tri ân khán giả, được đóng góp vào nền nghệ thuật nói chung.
Từ thành công năm 2019 với vở cải lương Trăm năm nguồn cội, tính đến nay thời gian vừa đủ để tôi ra mắt tác phẩm tiếp theo. Thực sự mà nói không ai biết được 5 năm nữa, Quang Thảo có còn sáng tạo được tác phẩm nào nữa không? Đời người có bao nhiêu lần 5 năm, lỡ như mình không còn tồn tại để sáng tạo nữa thì sao? Do đó, Dưới bóng giai nhân với tôi nó là tác phẩm hay nhất, hoàn hảo nhất, tâm huyết nhất.
Khi có ý tưởng về vở kịch Kiều, anh chia sẻ với ai?
Tôi chấp bút lần đầu năm 2019, sau đó Covid-19 bùng nổ, tôi viết một biến đoạn mang tên Nỗi lòng Hoạn Thư. Trong đại dịch, tôi làm tình nguyện viên, chứng kiến đồng bào chết nhiều, cả xã hội cách ly, hoang mang, tôi nghĩ cuộc đời này sao mong manh quá, lỡ như đùng một cái tất cả chết hết, rồi 100 năm sau, người ta sẽ kể gì về đại dịch này? Họ sẽ thêu dệt, viết nên những truyền thuyết…
Tôi liên tưởng tới những gì ông Nguyễn Du đã viết, những ba trăm năm sau, thiên hạ ai người khóc Tố Như, còn ai khóc Kiều, khóc Đạm Tiên… Vậy là tôi lấy Kiều ra viết tiếp. Nhân vật đầu tiên tôi viết là Hoạn Thư, sau đó là Đạm Tiên, Tú Bà. Nhân vật sau cùng tôi viết là Kiều.
Kịch bản này lạ ở chỗ là từng nhân vật độc lập như một vở kịch riêng, sau đó, mình lồng ghép với nhau. Tôi đã viết gần 100 kịch bản nhưng đây là lần đầu tiên tôi viết kịch bản dạng này, tức là lấy bất kỳ nhân vật nào ra cũng có thể dựng nên một vở kịch ngắn, riêng biệt.
Năm 2023, tôi đề xuất IDECAF làm dự án này. Tôi đã mất nhiều thời gian thuyết trình, chia sẻ với ban giám đốc. Tôi phải làm lại đường dây kịch bản, xâu chuỗi các nhân vật lại, tạo nên các mắt xích khiến họ liên quan tới nhau, gây hệ lụy cho nhau. Tôi tự tin rằng trong Dưới bóng giai nhân, tất cả các nhân vật đều hay, xuất phát từ cách viết riêng từng nhân vật như ban đầu.
Hai người đầu tiên tôi chia sẻ về dự án này là NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Thanh Thủy. Lúc đó, tôi định làm kịch ngắn mang tên Nỗi lòng Hoạn Thư khoảng 35 phút, NSND Bạch Tuyết vào vai Hoạn Thư, Thanh Thủy vào vai Kiều, trong một dự án lớn liveshow của chị Bạch Tuyết nhưng vì Covid-19 nên gác lại. Sau đó, tôi chia sẻ với chị Thanh Thủy rất nhiều. Chị xúc động lắm, chị nói tôi không phải đàn bà, tôi cũng không đau tình, đau đời mà sao tôi có thể viết về những thân phận phụ nữ để chị đọc phải bật khóc. Khán giả xem nhân vật Hoạn Thư do chị Thanh Thủy thủ vai thì sẽ hiểu vì sao chị nói vậy.
Cho tới bây giờ, mỗi khi làm việc cùng nhau, dù đã tập đi tập lại mà các diễn viên lấy kịch bản ra đọc đều bật khóc. Bật khóc không phải vì thê lương, ủy mị, mà vì những điều lồng ghép trong tác phẩm. Bạn có thể không khóc, nhưng chắc chắn bạn sẽ đau với nhân vật.
Từ trái: nghệ sĩ Thanh Thủy (vai Hoạn Thư) và nghệ sĩ Hồng Ánh (vai Thúy Kiều) trong Dưới bóng giai nhân.
Tôi có chút niềm tin tâm linh với dự án này. Con người có những giai đoạn, bỗng dưng tới năm đó, ngày đó, giờ đó, tự nhiên trời đất cho bạn cái tinh hoa có thể viết được những ý, những câu hay. Tôi tự nhận rằng có ai đó hay có điều gì đó thuộc về trời đất đã xui khiến tôi có sự rung động để viết lên những câu rất lạ với chính mình, để khi đọc lại, đôi khi không hiểu vì sao mình có thể viết được.
Nếu xem kịch bạn khen tôi thì tôi xin nhận 50%, còn lại thuộc về trời đất, cơ duyên.
Yếu tố giải trí trong một vở chính kịch được giải quyết ra sao để thu hút khán giả?
Vở kịch 14 màn, phải tả ước lệ chứ không thể tả thực dòng sông con suối. Mà cái ước lệ đó phải mãn nhãn khán giả. Bây giờ khác ngày xưa, ngày xưa quăng cái bục ra sân khấu nói là con thuyền, là dòng sông, con suối, là ghế sofa đều OK. Bây giờ khán giả họ cần coi những gì màu sắc, hấp dẫn, hoành tráng, giải trí. Bạn ước lệ đó là việc của bạn, nhưng khán giả phải đã mắt, đã tai rồi mới tới chuyện nội dung kịch hay.
Tôi có quan điểm về làm nghề rằng nếu bạn cho người ta một viên thuốc đắng, thì phải đính kèm viên đường. Bạn hô hào kịch tôi hay, giá trị, nhưng khán giả tới toàn thấy giáo điều, lên lớp, dạy đời thì là thất bại. Tôi quan niệm, nghệ thuật giải trí là chính, thông điệp là phụ. Khán giả bây giờ họ thông minh hơn cả đạo diễn. Đừng bao giờ nghĩ làm kịch là để dạy đời, kêu gọi khán giả đi xem kịch để học các bài học làm người. Không bao giờ.
Một tác phẩm là quá trình học làm người của đạo diễn, tác giả, diễn viên… Chúng tôi mãi mãi là những học trò, học mãi cho tới khi chết mà thôi. Để kêu gọi khán giả vào rạp, chúng tôi phải phục vụ phần giải trí trước: quần áo đẹp, cảnh trí đẹp, nhạc hay, có múa, có võ, có đánh trống… đủ màu sắc. Còn khi khán giả xem, ai bắt gặp chính mình trong đó thì sẽ xúc động, sẽ thích.
Quang Thảo bên nghệ sĩ - Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, vai Ni sư trong Dưới bóng giai nhân
Nhưng nói thì dễ, làm giải trí trong một vở kịch giải trí, hiện đại thì dễ. Còn tính giải trí trong một tác phẩm văn học kinh điển như Truyện Kiều là bài toán cực kỳ khó. Chúng tôi phải dung hòa các yếu tố để khán giả thích thú.
Chúng tôi giải quyết bằng cách giữ nhiều đoạn thơ nguyên tác của Nguyễn Du, diễn viên nói thơ, chúng tôi có lẩy Kiều, ngâm Kiều, nói thơ Kiều; đưa Kiều thành một đoạn chầu văn, kết hợp múa đương đại mà phải kết hợp sao cho không khiên cưỡng, sao cho tất cả phải nằm trong đường dây câu chuyện, thể hiện tâm lý nhân vật.
Sẽ có những màn cười hay không?
Có chút chút, nhè nhẹ. Cái khó là nếu làm cười thì dễ ra khỏi đường dây câu chuyện, kéo khán giả vòng lại nội dung chính thì rất khó về việc nối lại cảm xúc.
IDECAF tính toán đến yếu tố kinh doanh ra sao khi vở kịch dài 3 tiếng với nhiều tên tuổi, diễn ở Nhà hát Bến Thành mà giá vé chỉ 250 ngàn đến 500 ngàn đồng?
Muốn nhiều người đến sân khấu xem thì chúng tôi phải tính giá vé sao cho đại chúng. Chúng tôi không muốn làm ra tác phẩm chỉ để phục vụ người có tiền. Chúng tôi dựng vở này không phải để kinh doanh. Với Dưới bóng giai nhân, IDECAF muốn có một vở chính kịch đến với đại chúng chứ không vì mục đích lợi nhuận.
Diễn viên nào sẽ vào vai chính?
Đây là vở diễn không có vai chính, không có vai phụ. Mỗi nhân vật xuất hiện trên sân khấu đều là vai chính của cảnh đó, của trường đoạn đó. Các nhân vật như Khương Cẩu, Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh… cũng là vai chính.
Thúy Kiều là sự kiện chính, là nguồn cơn để đưa khán giả đi qua những miền tối sáng của tâm lý con người. Chúng tôi không tả một mình Thúy Kiều. Cô là một mạch nguồn để đưa khán giả đi đến những nơi Thúy Kiều đến, gặp những người Kiều gặp, đi tới đâu là tan hoang tới đó, không cháy nhà thì người chết… qua đó là những hỉ nộ ái ố về thế thái nhân tình, để chúng ta thấy rằng Kiều có trách nhiệm với những lỗi lầm của mình.
Thúy Kiều vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là người kể chuyện, vừa là nhân vật… Tôi gọi vui Thúy Kiều như một hướng dẫn viên du lịch. Tôi chọn Hồng Ánh, vì lần này Kiều hoàn toàn khác những nàng Kiều chúng ta thường thấy - xỉu lên xỉu xuống, lướt thướt… Trước Ánh có 5 người thử vai nhưng không ổn. Ban đầu Hồng Ánh vào vai Tú Bà. Sau đó, tôi mời Ánh cast vai Kiều. Và Ánh chính là người tôi tìm.
Sắp đến ngày công diễn, anh có điều gì muốn gửi đến khán giả?
Tôi cũng có chút tâm tư khi một tác phẩm chưa công diễn mà nhiều người bình luận tiêu cực, chê bai. Tôi mong mọi người, cả những người trong nghề, hãy mừng cho các đơn vị ra vở mới. Hãy để cho sân khấu kịch, sân khấu cải lương có nhiều cơ hội, nhiều tuồng mới để khán giả yêu thương sân khấu, tạo một không khí khởi sắc chung. Hãy mở lòng cho chúng tôi cơ hội làm nghề.
Đình Toàn: “Vì quá yêu nên chúng tôi làm hết sức”
Hợp tác với nhau đã 18 năm, Đình Toàn và Quang Thảo được gọi là "cặp đôi sóng thần" vì các dự án làm chung của cả hai đều thành công. Trong Dưới bóng giai nhân, Đình Toàn vào vai Hồ Tôn Hiến, đồng thời là phó đạo diễn phụ trách tổ chức nhân sự, diễn viên, hóa trang, mỹ thuật, cảnh trí, phục trang…
Đình Toàn chia sẻ: “Vai diễn Hồ Tôn Hiến sẽ là một phát hiện mới của khán giả. Vai này được viết lại hoàn toàn, mọi người hay đùa đó là trùm cuối. Tôi đánh giá cao việc tác giả đã xâu chuỗi, kết nối những câu chuyện khác nhau, của những mảnh đời khác nhau. Các nhân vật đi trên trục câu chuyện, có đầy đủ những hỉ nộ ái ố và cuối hành trình đó có một người đứng đợi, đó là Hồ Tôn Hiến.
Vai này với tôi là cực kỳ khó và hấp dẫn. Vai diễn từng làm tôi hoang mang, phân vân không biết diễn thế nào vì vai này rất ác nhưng không được diễn ác, thủ đoạn lắm nhưng không được diễn thủ đoạn. Mọi người có hỏi trong vở này, tôi có phản biện cho Quang Thảo không? Chúng tôi luôn tranh luận, cãi nhau kịch liệt tới mức có lần tôi giận nói thôi, tôi không làm nữa. Nhưng nói vậy thôi, cuối cùng tôi phải tôn trọng ý đạo diễn vì đó là vai trò quan trọng nhất. Hơn tất cả, tôi vô cùng yêu quý tập thể IDECAF, khi diễn chúng tôi canh vai, góp ý cho nhau, thêm bớt mảng miếng.
Khi anh Quang Thảo đưa kịch bản, đầu tiên chúng tôi nghĩ chỉ làm ở sân khấu IDECAF, nhưng tầm vóc kịch bản quá lớn, và vì muốn mọi thứ thật đẹp và được đầu tư nên chúng tôi chọn Nhà hát Bến Thành. Đây là cách chúng tôi muốn giới thiệu về IDECAF ở thời điểm này. Nhiều người bạn hỏi kịch đó có vui không, giờ mệt quá, suy nghĩ nhiều quá, vui thì mới đi, cười mới đi. Nhưng nếu như vậy thì những vở chính kịch và có giá trị khác sẽ đi về đâu? Đó là lý do bên cạnh đầu tư những vở giải trí kinh doanh tốt, chúng tôi làm những vở diễn mang giá trị văn học, thẩm mỹ, là cách chúng tôi làm nghề, chơi nghề.
Chúng tôi tập vở này ròng rã hơn một tháng, từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối. Vì quá yêu nên chúng tôi làm hết sức, chứ nói về cát sê thì làm sao đủ trả nổi công sức cho các diễn viên hạng A của sân khấu kịch”.
Trâm Anh thực hiện - Ảnh: TLNV