Nghệ sĩ thành phố tưởng nhớ NSND Diệp Lang
Ngày 20-3, Hội Sân khấu TPHCM phối hợp cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức Lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang tại Hội Sân khấu TPHCM, 5B Võ Văn Tần, quận 3.
Ban tổ chức Lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang gồm có NSND Kim Cương, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng các đồng nghiệp và học trò NSND Diệp Lang.
Tham dự Lễ tưởng niệm có ông Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng VHVN Ban Tuyên giáo TPHCM, NSND Bạch Tuyết, NSND Trọng Hữu, NSND Thanh Vy, NSƯT – đạo diễn Ca Lê Hồng, NSƯT – đạo diễn Hoa Hạ, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, NSƯT Tú Trinh, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Phượng Hằng, soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, tác giả Nguyễn Anh Kiệt, NS Quyền Linh, NS Nguyễn Sanh, nghệ nhân Văn Tòng… cùng đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên nhiều thế hệ của sân khấu cải lương, sân khấu kịch nói, điện ảnh TPHCM.
Trước di ảnh NSND Diệp Lang, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM kính cẩn đọc điếu văn tưởng niệm, thể hiện niềm tiếc thương vô hạn của giới văn nghệ sĩ TPHCM, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu đối với NSND Diệp Lang.
Lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm, bằng tất cả tấm lòng thành kính của bao thế hệ văn nghệ sĩ thành phố, nhằm tri ân và tưởng nhớ người nghệ sĩ tài năng và vô cùng tài hoa của sân khấu cải lương, kịch nói, điện ảnh, ông đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống, góp phần vào sự phát triển cho văn học nghệ thuật của TPHCM.
NSND Lệ Thủy chia sẻ cảm xúc: “Lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng như vậy, tôi thấy rất ấm lòng. Tôi có nhiều dịp đóng chung vai hai cha con với anh Diệp Lang trên sân khấu từ trước đến sau giải phóng, nhất là ở Đoàn Cải lương 284 cả chục năm. Sau đó tham gia diễn chung trong hàng loạt video cải lương. Nhớ hồi Sân khấu Vàng hoạt động sôi nổi, NSND Diệp Lang dựng vở Tình mẫu tử rất ăn khách, kinh phí thu về giúp chúng tôi xây được rất nhiều nhà tình thương”.
Nhắc đến NSND Diệp Lang bằng tất cả sự yêu thương quý trọng, NSND Kim Cương bộc bạch: “Tuy hoạt động khác lĩnh vực (cải lương và kịch nói), nhưng thâm tình của tôi và anh Diệp Lang đã có với nhau từ thuở nhỏ, từ lúc 6 tuổi, chúng tôi đã chơi với nhau rất thân. Tôi nhớ kỷ niệm cuối cùng với anh là khoảng thời gian cách đây vài năm, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, tôi nói chuyện qua điện thoại với anh, hai đứa nói đủ thứ chuyện rất vui. Nhưng sau cùng, câu nói của anh làm cho tôi nhớ hoài là “Bà Kim ơi, tôi nhớ sân khấu quá!”. Tôi đã khóc vì câu nói “nhớ sân khấu quá!” của anh, vì đây cũng chính là tâm niệm của tất cả anh em nghệ sĩ chúng tôi, khi người nghệ sĩ không còn đứng trên sân khấu nữa, thì biết bao tình cảm dành cho sân khấu, nỗi nhớ khán giả, nhớ sân khấu luôn luôn chất chứa đầy ắp trong lòng”.
Đạo diễn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hạnh phúc khi có được những dịp làm việc chung với NSND Diệp Lang trên sân khấu kịch của anh qua các vở Trái tim trong trắng, Thuyền tình… Anh chia sẻ cảm nhận: “Với tôi, chú Diệp Lang xuất hiện trên sân khấu kịch là quá trễ, đó là sự thiệt thòi cho bao lớp nghệ sĩ trẻ. Năm 2001, thời điểm cải lương rơi vào khủng hoảng, chú tham gia diễn kịch bên tôi với hai vở bi kịch và hài kịch. Nhìn chú tập, diễn trên sân khấu, tôi nhận ra ngay, chú chính là kỳ tài của nghệ thuật kịch nói. Tôi không biết nên diễn tả cảm xúc như thế nào cho đúng, nhưng thật sự, chú như một vì tinh tú trên sàn kịch. Với hai vở kịch trên, vở nào chú “trị” cũng rất ngọt, rất tuyệt vời. Vai diễn nào chú diễn cũng như không diễn, chú diễn như thấm từ trong máu diễn ra vậy! Còn nhân cách của chú là số 1. Chú luôn chia sẻ, nâng đỡ, giáo dục, dành nhiều lời khuyên hữu ích cho lớp trẻ trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp. Tôi luôn cảm thấy tiếc nuối vì chú hoạt động ở sân khấu kịch có 5, 6 năm thôi rồi chú đi định cư”.
Đạo diễn – NSƯT Ca Lê Hồng (đồng đạo diễn vở Áo cưới trước cổng chùa cùng NSND Diệp Lang), là một trong những vở cải lương ăn khách thời sân khấu hoàng kim. Ngoài ra, nữ đạo diễn cũng liên tục nhiều năm liền cùng với NSND Diệp Lang chấm giải Trần Hữu Trang, bà tâm sự: “Làm việc chung với anh mới thấy hết sự tài hoa và tài năng của anh trong nghề. Anh là người nghệ sĩ có tài, có tâm, có đức. Trong cuộc sống, anh rất dung dị. Với nghề, anh diễn có chiều sâu, ca trong diễn, diễn trong ca, khai thác rất tinh tế và sâu sắc tâm lý từng nhân vật, không chỉ về hình thức, dáng vẻ bên ngoài mà còn là nội tâm sâu thẳm bên trong con người. Vai diễn nào anh diễn cũng đều tạo nên một dấu ấn rất riêng, độc đáo. Trong dàn dựng, anh có rất nhiều sự sáng tạo đặc biệt, tạo sức cuốn hút với người xem trong mỗi vở diễn. Anh là người nghệ sĩ tài hoa, anh ra đi đã để lại biết bao thương nhớ cho nhiều người!”.
Sự ra đi của NSND Diệp Lang là một mất mát không gì bù đắp được. Dù biết rằng sinh tử là quy luật của tạo hóa nhưng bao thế hệ nghệ sĩ sân khấu cũng không thể tránh khỏi nỗi bùi ngùi thương tiếc người nghệ sĩ tài hoa, sáng ngời nhân cách, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sân khấu cải lương.
Tiễn biệt NSND Diệp Lang, văn nghệ sĩ và khán giả cả nước còn mãi khắc ghi hình ảnh, tiếng ca của ông trở thành mẫu mực về nghệ thuật dân tộc và nhân văn dành cho sân khấu; nhớ mãi một tấm gương sáng về hoạt động nghệ thuật và nhân cách sống cao cả của người nghệ sĩ... Sự nghiệp sân khấu và nhân cách ấy trở thành mẫu mực và là tấm gương cho các thế hệ văn nghệ sĩ học tập và noi theo!
Tại Lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang, gia đình NSND Diệp Lang tại Mỹ cảm ơn và tri ân đến tấm lòng văn nghệ sĩ TPHCM đã luôn yêu thương, quý trọng NSND Diệp Lang.
NSND Diệp Lang, tên thật Dương Công Thuấn, sinh ngày 4-3-1941, tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ông đã qua đời vào lúc 6 giờ, ngày 11-3, tại San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.
Trong cuộc đời, sự nghiệp hoạt động sân khấu NSND Diệp Lang đã đạt nhiều giải thưởng cao quý: HCV Giải Thanh Tâm (1963), Bằng Danh dự Giải Thanh Tâm (1964), Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1993), Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (2003).
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghe-si-thanh-pho-tuong-nho-nsnd-diep-lang-post682731.html