Nghệ sĩ Then - người thổi hồn thanh âm vào năm tháng
Ồn ã, hối hả, vội vã… chẳng biết từ khi nào cuộc sống hiện đại đã lấp đầy bởi những âm thanh ấy. Thử hỏi có mấy ai dành một khoảng lặng để đắm chìm vào âm sắc du dương của nghệ thuật truyền thống. Vậy mà ở nơi Cao Bằng xa xôi, vẫn có người nghệ sĩ mang tên Triệu Bích Phượng tận tâm, bền bỉ cất điệu hát Then, giữ tiếng đàn Tính dẫu năm tháng miệt mài trôi.
Với tình yêu nghề tha thiết, nghệ sĩ Triệu Bích Phượng vừa tham gia biểu diễn, vừa là cô giáo truyền dạy hát Then, đàn Tính cho biết bao thế hệ học sinh. Sau nhiều năm gắn bó với nghệ thuật dân tộc, bà được mời trở thành nhóm trưởng của Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then Thành phố Cao Bằng. Kể từ khi thành lập nhóm vào tháng 7/2023, bà cùng các thành viên đã có nhiều đóng góp đáng kể cho quá trình phục dựng và phát huy giá trị Di sản Then gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Thấm thoát nửa đời nặng lòng với nghề Then
Nghệ sĩ Bích Phượng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao Bằng - cái nôi của hát Then, đàn Tính. Tuổi thơ bà thấm nhuần những điệu hát Then của cha mẹ; để rồi kỷ niệm thuở tấm bé được nuôi lớn thành đam mê, rong ruổi cùng bà trên hành trình dài cống hiến với nghề. Đến nay, dù đã nghỉ hưu, bà vẫn dành trọn tâm sức để tiếp tục phát triển môn nghệ thuật dân tộc này. Có lẽ, hát Then, đàn Tính không chỉ là sự nghiệp mà đã trở thành “đứa con tinh thần” - một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nữ nghệ sĩ người Cao Bằng.
Là người con của quê hương cách mạng, của làn điệu dân ca phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, bà luôn tự hào kể về di sản thực hành Then - hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời, gắn bó khăng khít với người Tày, được UNESCO vinh danh là loại hình văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà Phượng không ngần ngại trải lòng: “Thành tích này là niềm tự hào, hạnh phúc to lớn đối với mỗi người làm nghề như tôi. Tôi mong rằng hát Then, đàn Tính không chỉ nhận được tình yêu từ những người làm nghề, mà còn lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là điều khiến tôi “nặng lòng” với hát Then đàn Tính đến tận bây giờ.”
Nỗi niềm tận tụy và lòng nhiệt huyết đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn để “gặt hái trái ngọt” suốt thời gian làm nghề và hoạt động cùng nhóm. Biểu diễn Then, đàn Tính đã khó, truyền dạy kinh nghiệm cho nhiều thế hệ còn là thách thức lớn hơn, bởi có những người chưa bao giờ tiếp xúc với cây đàn tính và biết đến hát Then. Họ có thể khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, cũng như nhận thức, khả năng tiếp thu. Tuy vậy, đó là những kỷ niệm quý giá, đáng trân trọng của bà mà chỉ khi tham gia truyền dạy, biểu diễn cùng nhóm mới có được.
Gìn giữ làn điệu dân gian để không đánh mất âm sắc vốn có
Điều tạo nên tiếng vang của âm nhạc dân gian không chỉ nằm ở người nghệ sĩ làm nghề lâu năm, mà còn là việc trao truyền và nối tiếp giá trị, tình yêu làn điệu truyền thống cho nhiều thế hệ sau. Có lẽ ta đã hiểu vì sao nhóm “Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng” đa dạng độ tuổi, từ trẻ nhỏ mới vào nghề đến những “lão làng” giàu kinh nghiệm. Nghệ sĩ Bích Phượng chia sẻ: “Đây là một trong những điều có ý nghĩa đặc biệt với nhóm. Bởi ‘tre già măng mọc’, một nhóm cần có các thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau; và muốn bảo tồn, phát triển được, phải có các bạn trẻ noi theo, kế thừa và phát huy giá trị ấy.”
Giữ vai trò tiên phong trong lực lượng nòng cốt truyền dạy hát Then, đàn Tính và hỗ trợ đề án đưa hát Then vào trường học, bà Phượng cho rằng ngay cả khi có nhiều loại hình âm nhạc hiện đại thu hút giới trẻ thì thanh âm dân tộc vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định, nếu nhận được sự quan tâm từ các cấp ban ngành và toàn thể nhân dân. Để phát huy tối đa khả năng bảo tồn môn nghệ thuật di sản ấy, trước hết cần tạo nền tảng, xây dựng tình yêu Then cho các bạn trẻ từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bà bày tỏ niềm tin sâu sắc: “Một người con sinh ra từ quê hương của hát Then, đàn Tính sẽ được thấm nhuần và dành tình cảm đặc biệt cho những làn điệu dân tộc này. Tôi cũng tin chúng là những đứa trẻ yêu quê hương, và sẽ hiểu rằng đánh mất bản sắc truyền thống cũng như mất đi nguồn cội của dân tộc. Bởi vậy mà đến nay, những người con của Cao Bằng vẫn luôn ôm ấp và gìn giữ làn điệu dân gian để không đánh mất âm sắc vốn có của chính mình.”
Trên tinh thần ấy, bà đứng ra tổ chức, thành lập những câu lạc bộ địa phương và lớp học dạy Then Tính cho bất cứ ai yêu thích môn nghệ thuật này. Đặc biệt, sau bao năm cống hiến, nghệ sĩ Bích Phượng đã đúc kết tất cả kinh nghiệm của mình thành một cuốn sách truyền dạy hát Then, đàn Tính cơ bản và được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép. Thông qua cuốn tài liệu, bà Phượng bày tỏ mong muốn lớp trẻ sẽ nối tiếp, cùng thế hệ đi trước chung tay bảo tồn để âm nhạc dân gian nói chung và Then Tính nói riêng được vang xa và trường tồn mãi với thời gian.
Không thể phủ nhận, ngoài lan tỏa giá trị văn hóa, hát Then đàn Tính cũng giữ nhiệm vụ thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Nhưng liệu đó có phải nguy cơ làm mai một những nét đẹp tinh túy của “điệu hát trời ban” này? Nhắc đến đây, người nghệ sĩ ấy khẳng định: “Để nói rằng có sợ thương mại hóa không, thì theo tôi là không vì thực hành Then đã trở thành thương hiệu xứng danh di sản UNESCO, nên tôi tin nó sẽ mãi sống đúng với giá trị dân gian vốn có. Việc đưa Then vào phục vụ du khách chỉ là nắm bắt cơ hội quảng bá thanh âm dân tộc quý báu cũng như tăng sức hấp dẫn với du khách nội địa và quốc tế”. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cùng các nghệ sĩ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời buổi hòa nhập. Đó là sự phấn đấu không ngừng nghỉ, là niềm tin chưa bao giờ tắt của nữ nghệ sĩ về tương lai phát triển âm nhạc quê hương.
Phải chăng hát Then, đàn Tính không còn là sở thích, đam mê cá nhân, mà đã trở thành nỗi niềm trăn trở, khao khát của người nghệ sĩ về sự phát triển của cộng đồng yêu Then, về công cuộc bảo tồn giá trị âm nhạc dân gian ở hiện tại và mãi về sau?