Nghệ sĩ Thu Trần: Chiến đấu với bản thân mình là gian khó nhất

Hiếm có nữ nghệ sĩ nào mà số phận liên tiếp trải qua thử thách như Thu Trần. Từ một thiếu nữ miền núi, mải miết theo con đường nghệ thuật, đứng trước bao trắc trở phận người, lầm lũi âm thầm miệt mài bên mỗi tác phẩm, dốc hết sức lực, tiền bạc, chỉ mong truyền tải được tình yêu hồn thiêng dân tộc.

Nghệ sĩ Thu Trần.

Nghệ sĩ Thu Trần.

Để rồi khi thành tựu nghệ thuật đang rực rỡ, lại trải qua những tai nạn liên tiếp, sức khỏe suy giảm... Mỗi khi nhìn nghệ sĩ Thu Trần làm việc, cảm giác như chị đang chạy đua với thời gian đời người.

Những ngày này, nghệ sĩ Thu Trần vẫn cặm cụi chống nạng tập đi, tiếp tục sáng tác những tác phẩm khổng lồ, mà trên môi vẫn tươi tắn tiếng cười hảo sảng núi rừng, rồi động viên chính những người đang lo lắng cho chị: ổn hết thôi, sắp khỏe rồi…

Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, thách thức, thế nhưng, một bộ phận người trẻ đang tỏ ra yếu đuối về ý chí và nghị lực sống. Chính vì thế, việc rèn luyện sức mạnh tinh thần, trước hết, đưa các bạn trẻ vượt qua được những áp lực trước mắt, dần có sức mạnh để đạt được những mục tiêu xác định, góp phần phát triển bản thân cũng như xã hội, đang là việc cấp bách cần làm.

Thu Trần tâm sự, nhiều người nhìn thấy, là phụ nữ, lại hy sinh, cống hiến cho nghệ thuật nhiều đến thế, chị làm sao để rèn luyện ý chí? Thực ra, chị không nghĩ nhiều đến thế, khi không làm việc, không thực sự sống đời sống dấn thân sẽ không hiểu thế nào là sự hi sinh. Khi hiểu rồi chị thấy mình chỉ là một người phụ nữ bình thường, hàng ngày lao động nghệ thuật, từ “cống hiến”, chị không dám nhận về phần mình.

Chị chia sẻ: “Ví như tôi là một cô giáo, đi dạy học, thì đúng là nhiệm vụ của tôi đã làm được hơn 30 năm, nếu có thể chia sẻ cho ai những điều tâm huyết, tôi sẽ làm được việc đó, ít nhất tôi cũng đã hiểu nó như thế nào. Bởi nghệ thuật với tôi là cánh cửa mở ra văn hóa, tri thức cho tôi và cũng là nơi nương náu trú ngụ tâm hồn tôi. Một phần đời đẹp đẽ của tôi là sống và tìm hiểu về nghệ thuật. Tôi thực sự thấy nghệ thuật xứng đáng để trải cùng máu và nước mắt mới có hoa hồng thấm đẫm tình yêu cuộc đời.

Rèn luyện ý chí chẳng dễ dàng gì đối với bất cứ ai, nhưng tôi nhớ những người thầy, người anh trên tôi nói với tôi, cuộc chiến đấu gian khó nhất là “chiến đấu với chính bản thân mình”.

Khi hiểu ra điều đó chính là lúc tôi quay vào bên trong để tìm hiểu bản thân mình có những gì thuận và nghịch. Cuộc chiến đấu này đòi hỏi cá nhân mỗi người phải có một thế giới quan về xã hội, tri thức, phần nào cần cho quá trình thực hành công việc thì bổ sung và nhận vào, rồi tái tạo và chính xác nhất là sáng tạo để trở thành của mình.

Điều quan trọng nhất mọi sự tổng hòa của xã hội cũng như của bản thân thì đó chính là giới hạn. Giới hạn chứ không phải là ranh giới của mỗi người, nó luôn biến chuyển, giằng co trong mỗi chặng đường vì vậy sự kiên trì, nhẫn nại là thứ quan trọng nhất.

Tôi cũng suy nghĩ về thế hệ Gen Z, các bạn ấy phải chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội, giữa ảo và thực. Phàm con người ta sinh ra thuận lẽ đều thích hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp… muốn bất cứ thứ gì đều có thể online trên mạng… vậy thì sang Gen Z còn khác nữa”.

Năm 2018, nghệ sĩ Thu Trần tham gia một triển lãm với nghệ sĩ múa Trang Nguyễn và một số nghệ sĩ khác trong triển lãm tên là “Rừng” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Triển lãm không hẳn chỉ nói về rừng, mà nói về tâm lý của thế hệ Gen Z đứng trước sự biến đổi xã hội, thời đại, họ không biết bám víu vào đâu ngoài mạng xã hội biến ảo và thay đổi từng phút giây. Cái họ cần là thực hành và xây dựng ước mơ. Cái họ muốn chứng tỏ tuổi trẻ của mình lại là thứ khó khăn nhất là ngăn trở họ giữa thực tế và ảo vọng, giữa thực và mơ, gia đình và xã hội… dần họ rơi vào những căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại đó là bệnh trầm cảm và căn bệnh ấy mọc lên như “rừng”.

Với Thu Trần, chị cho rằng: “Đối diện những vấn đề đó chúng ta cùng nhận diện và chia sẻ với thế hệ Gen Z, đặc biệt bằng con đường nghệ thuật, khai mở con đường văn hóa vốn di sản cha ông để lại để lấy gốc rễ bám trụ và phát triển.

Tình yêu đất nước, yêu nguồn cội trong mỗi người vẫn có đấy thôi, chỉ là khi nào thì họ ý thức và sống cùng nó để đi đúng con đường mà cuộc đời mỗi cá nhân lựa chọn.

Trên hết là lòng biết ơn tới gia đình, tổ tiên. Những ngôi đền, chùa, miếu, nhà thờ xuất hiện đều có câu chuyện. Thế hệ sau xây dựng tỏ lòng biết ơn đối với những bậc thánh thần có công với đất nước, làng xã…

Trên hết là đừng để mất thời gian, mất niềm tin và cần hơn là luôn tự học tự bồi dưỡng và thực hành lao động”.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-si-thu-tran-chien-dau-voi-ban-than-minh-la-gian-kho-nhat-10286948.html