Nghệ sĩ Trần Hạnh: Người chuyên đóng những vai diễn khắc khổ

Nghệ sĩ Trần Hạnh là lớp diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt nhờ những vai diễn ấn tượng khi hóa thân vào hình ảnh của người đàn ông vất vả, khổ sở.

Vai ông Bình trong "Chuyện cổ tích cho tuổi 17" (1988)

Bộ phim lấy đề tài chiến tranh và được dựng từ kịch bản của Trịnh Thanh Nhã dưới bàn tay của đạo diễn Xuân Sơn. Trong phim, nghệ sĩ Trần Hạnh đóng vai ông Bình bố của An, một cô bé đang có những rung động đầu đời. Ông Bình là người lính trở về từ chiến trường và lấy vợ là một người phụ nữ đã chờ đợi ông suốt bảy năm.

Không may vợ ông mất sớm nên ông phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Qua bộ phim người xem có thể cảm nhận được nỗi đau của người đàn ông nhưng ngoài mặt phải tỏ ra bình thản. Những phân đoạn nghệ sĩ nói chuyện với con gái về tình yêu thời chiến cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Ông Khiển trong "Người cầu may"

Trong phim này nghệ sĩ Trần Hạnh đảm nhận vai chính là ông Khiển - một người về hưu nhưng nuôi mộng đổi đời nhờ trúng vé số độc đắc. Nhưng càng dấn thân vào cuộc đỏ đen ông càng thua, đồ đạc trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi đến độ ông phải ngồi đầu đường làm nghề bơm xe đạp. Tuy nhiên, ông Khiển vẫn không từ bỏ giấc mộng của mình.

Vai diễn của cố nghệ sĩ lột tả chân thực hình ảnh của những kẻ cố chấp với niềm tin ngây thơ, mù quáng rằng vận may sẽ từ trên trời rơi xuống. Khán giả xem phim cũng vừa giận vừa thương khi nhìn thấy sự háo hức qua ánh mắt sáng rực của nhân vật mỗi lần ngồi dò số nhưng rồi lại chừng hửng vì tấm vé trên tay trở thành giấy lộn.

Lão Lâm trong "Chiếc bình tiền kiếp" (1990)

Đây là tác phẩm đầu tiên mà đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm về đề tài nông thôn Việt Nam. Nhân vật lão Lâm của nghệ sĩ Trần Hạnh trong một lần đào huyệt đã tìm thấy một chiếc bình mà theo hộ buôn đồ cổ trên thành phố thì đó là bình quý. Vì vậy lão Lâm đã quyết định không bán mà mang về giữ ở trong nhà.

Không ngờ việc làm này của lão đã dẫn đến nhiều bi kịch khi lão không ít lần hục hặc với những người thân trong gia đình hay họ hàng lối xóm, thậm chí còn vào tù ra tội và suýt mất mạng. Đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay lão mới đau đớn nhận ra chiếc bình chỉ là đồ giả. Phim đã cho thấy bi kịch của người nông dân thế kỷ trước bị lòng tham và sự thiếu hiểu biết che mờ con mắt.

Vai bố chồng trong "Cỏ lau" (1992)

"Cỏ lau" là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Năm 1992 đạo diễn Vương Đức đã chuyển thể thành phim truyện cùng tên. Nghệ sĩ Trần Hạnh đóng vai cha của Lực, một người lính tập kết ra Bắc và phải bọ lại cha già cùng vợ mới cưới ở quê.

Ngày anh trở về, người cha đã lú lẫn, ngây ngô như đứa trẻ khiến cuộc đoàn tụ mãi mãi dở dang. Diễn xuất của cố nghệ sĩ đã làm toát lên những nỗi khắc khổ của người dân quê cả đời lam lũ mà vẫn không thoát được số phận bất hạnh.

Ông ngoại trong "Cha cõng con" (2017)

Năm 2017 đạo diễn Lương Đình Dũng đã có cơ hội mời nghệ sĩ Trần Hạnh vào một vai diễn trong tác phẩm điện ảnh của anh. Đây cũng là lần cuối cùng cố diễn viên xuất hiện trên màn ảnh rộng khi hóa thân vào một người ông chăm sóc cho cháu trai đang điều trị ung thư.

Những hình ảnh xúc động trong phim của cố nghệ sĩ cùng đứa cháu nương tựa vào nhau và đều đang rất gần chặng cuối cuộc đời gây ấn tượng mạnh đối với khán giả. Hình ảnh thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu thương, đức hy sinh cũng như nét dịu dàng của những người đàn ông bị số phận đẩy đưa tới chỗ phải làm thay cả vai trò của người mẹ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-si-tran-hanh-nguoi-chuyen-dong-nhung-vai-dien-khac-kho-post121869.html