Nghệ sĩ trẻ làm mới nhạc truyền thống: Kỳ vọng có 1 Vpop đậm bản sắc Việt
Âm nhạc truyền thống đang được nhiều nghệ sĩ trẻ đưa vào những hơi thở đương đại bằng nhiều cách khác nhau để đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Kết hợp hát xẩm với nhạc thính phòng; sử dụng những câu hát, một đoạn trong một bài cổ nhạc làm chủ đề chính, phát triển trong một tác phẩm âm nhạc mới… đó là những cách nghệ sĩ trẻ đưa âm nhạc truyền thống vào gần hơn với đời sống đương đại, gần hơn với khán giả.
Những cú rẽ bất ngờ
Vào tháng 5 năm 2024, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật Về Kinh Bắc của nhóm nhạc Thiên Thanh, do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang làm tổng đạo diễn. Trong đêm nhạc, chất liệu dân gian đã được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau.
Nói về sự biến tấu này, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết: “Trong những lần chu du khắp nơi trên thế giới, ở mỗi quốc gia tôi đặt chân tới hay chương trình biểu diễn có tính quốc tế được đề cao, âm nhạc dân gian Việt Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Làn điệu ngũ cung không những được hòa mình bay lượn cùng âm nhạc các nước để người nghe thấy được âm sắc hoa mỹ rất Việt, mà còn được đón nhận một cách nồng nhiệt từ nhiều tầng lớp khác nhau bởi yếu tố văn hóa và lịch sử của âm nhạc truyền thống”.
Thực tế gần đây, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn sử dụng những làn điệu dân ca làm nền tảng cho sáng tác, kết hợp với hòa âm phối khí hiện đại để tạo nên những bản phối mới mẻ, cuốn hút. Một số nghệ sĩ còn kết hợp âm nhạc dân gian với các thể loại nhạc hiện đại như Pop, Rock, R&B... để tạo nên những sản phẩm độc đáo, bắt tai.
Có thể kể đến như ca khúc Thị Mầu của Hòa Minzy và Masew; Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh; Hà Myo với Xẩm Hà Nội; NSƯT Tân Nhàn với MV Xẩm Công cha nghĩa mẹ sinh thành…
Ngoài ra, cũng có trường hợp kết hợp một bài cổ nhạc với một sáng tác mới để trở thành một tác phẩm như trường hợp Trống quân trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai; hoặc khai thác giai điệu âm nhạc của một bài cổ nhạc nhưng đặt lời mới và “kết duyên” với một sáng tác mới như trường hợp Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết với Hoàng Dũng khai thác điệu Lý con sáo dân ca Nam bộ…
Mới đây nhất, nghệ sĩ Vũ Thùy Linh đã chính thức giới thiệu với công chúng album Tơ đồng thánh thót. Đây là một sản phẩm âm nhạc đặc biệt, với bốn bài dân ca, dân gian nổi tiếng của Việt Nam, gồm: Lúng liếng (Quan họ Bắc Ninh), Công cha ngãi mẹ sinh thành (hát Xẩm), Luyện năm cung (hát Chèo), Chầu Năm suối Lân (Chầu văn)...
Điều đặc biệt, trong dự án này, Vũ Thùy Linh đã thể hiện các làn điệu dân ca cổ trên nền nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Lưu Quang Minh làm đạo diễn âm nhạc. Để thực hiện các bài dân ca nguyên gốc, cô đã dành thời gian học hỏi từ NSND Thanh Ngoan (xẩm, chèo) và NSND Thúy Hường (quan họ Bắc Ninh).
Mặc dù việc làm mới xẩm là điều nên khuyến khích các nghệ sĩ trẻ, nhưng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - học trò ruột của nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng lưu ý: “Chúng ta phải cố gắng nắm chặt lấy tinh thần của xẩm, chất liệu của xẩm để có thể sáng tạo xẩm một cách cảm xúc nhất, một cách bài bản nhất, hay nhất.
Nghệ sĩ trẻ phải làm cho việc sáng tạo của mình trở nên dễ tiếp cận, tức khán giả nghe một tác phẩm đầy sức sống mới nhưng vẫn cảm nhận được hơi thở của xẩm trong thời đại ngày hôm nay”.
Kỳ vọng một Vpop mang đậm đặc bản sắc Việt
Theo nhạc sĩ Lưu Quang Minh, việc làm mới âm nhạc dân tộc không phải là vấn đề mới nhưng việc giữ lối hát nguyên gốc cổ trên nền nhạc giao hưởng rất ít nghệ sĩ thực hiện.
Ê-kip thực hiện kỳ vọng cách làm mới này sẽ góp phần tôn vinh, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, sản phẩm này sẽ dễ dàng biểu diễn ở nước ngoài để quảng bá cho văn hóa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng việc làm mới âm nhạc truyền thống là một tín hiệu vui, nó cho thấy các bạn trẻ đang ngày càng chú ý tới kho tàng âm nhạc truyền thống vốn vô cùng đặc sắc và phong phú của dân tộc.
Theo anh, trong khi làm mới âm nhạc truyền thống, việc khai thác một ý, một câu, một đoạn hay toàn bộ bài cổ nhạc dân tộc; khai thác cả giai điệu cùng lời ca hoặc chỉ khai thác một phần... tất cả đều góp phần tiếp thêm sức sống mới cho cổ nhạc truyền thống dân tộc.
Một điểm đáng chú ý nữa, nghệ sĩ trẻ làm nhạc bây giờ luôn có chủ đích, những ca khúc khai thác chất liệu dân tộc, làm mới âm nhạc dân tộc đều thuộc về mảng ca khúc mà họ muốn dành cho đối tượng thưởng thức là khán giả trẻ. Điều đó có nghĩa âm nhạc phải trẻ.
Cho nên, cổ nhạc được nghệ sĩ trẻ khai thác vào tác phẩm âm nhạc trẻ chủ yếu là âm nhạc điện tử, có thể có kết hợp với rap, tạo nên một không gian mới. Lúc này tác phẩm không còn đơn thuần là cổ nhạc nữa mà đã là một sản phẩm âm nhạc hiện đại có khai thác yếu tố truyền thống.
“Nếu đi đúng hướng, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ có năng lực, có tài thì đó sẽ là điều may mắn cho âm nhạc đại chúng của chúng ta.
Như vậy trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có được một Vpop mang đậm đặc bản sắc Việt, ở đó ca khúc khai thác hoặc mang chất liệu cổ nhạc truyền thống dân tộc là một trong những nhánh chính, vững chắc cho nhạc Việt” - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.
Hát chèo, cải lương được đưa vào các concert "Anh trai"
Các concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" đã tạo nên sức hút lớn với khán giả đại chúng. Một trong những điều khán giả cảm nhận được đó là chất liệu dân gian, âm nhạc truyền thống được đưa vào chương trình một cách hợp lý, có sự kết nối hài hòa.
Trong concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" tối 14-12, nghệ sĩ cải lương Hữu Quốc đã hát Dạ Cổ Hoài Lang, NSND Thu Huyền cùng Nhà Trẻ trình diễn ca khúc "Đào liễu".
NSND Thu Huyền cho biết sau khi bài "Đào liễu" được phát sóng, rất nhiều bạn trẻ, bao gồm cả con trai của chị đã bắt đầu biết hát chèo. “Trước đây, các con chỉ nghe chèo, giờ thì chúng biết hát luôn, thậm chí hát Đào liễu"- chị cho biết.
NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng thành công của các concert này đến từ sự kết hợp giữa chiến lược truyền thông hiệu quả và chất lượng âm nhạc đa dạng. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã khéo léo hòa quyện yếu tố dân tộc với âm nhạc hiện đại, tạo nên màu sắc riêng biệt, mang đến một bảng nhạc đa dạng, từ những ca khúc trữ tình đến những bản hit sôi động, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả….