Nghệ sĩ trước nguy cơ bị nốc-ao
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba thực sự khiến nghệ sĩ ngấm đòn. Hoạt động tê liệt, nhiều buổi diễn bị hủy bỏ vì tiền thu về từ bán vé không đủ trả tiền điện.
Chưa thể sáng đèn
Các hoạt động công cộng, chương trình văn hóa nghệ thuật được mở lại từ đầu tuần qua. Phố đi bộ, di tích, lễ hội chùa Hương có thể rộng cửa đón khách, nhưng các nhà hát gần như đóng băng.
Nhà hát Kịch Việt Nam thường nhộn nhịp vào dịp này hằng năm với hàng chục suất diễn, nay cũng khá im lìm. Cuối tháng Ba nhà hát mới dự kiến đưa vở Ngũ hổ tướng của cố NSND Anh Tú dàn dựng trở lại sàn. Lãnh đạo Nhà hát hiểu rõ tâm lý khán giả hiện nay vẫn e dè, chưa có tâm trạng đến với nghệ thuật nên không hề sốt sắng tổ chức biểu diễn. “Chúng tôi vẫn có thể sắp xếp lịch diễn, tuy nhiên vì đợt dịch trước phải hủy nên nhiều khán giả cũng nản. Dù việc hủy bỏ là bất khả kháng vẫn ảnh hưởng tới cảm xúc của khán giả”, đại diện Nhà hát nói.
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đầy tâm tư bởi dù dịch bệnh không còn căng thẳng như trước song tâm lý e ngại còn nguyên đó. “Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa có nhà hát riêng, việc biểu diễn chủ yếu dựa vào hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp và nhiều tỉnh phía Bắc, cho nên chúng tôi chưa thể trở lại được”. Thông thường nghệ sĩ cải lương đắt sô hết dịp hội hè suốt tháng Giêng, nay vì dịch bệnh mà phải ngồi bó gối là chính.
Lên lịch diễn khai xuân sáng 14/3, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải hủy suất vào phút chót. NSND Tống Toàn Thắng buồn bã cho biết Liên đoàn chỉ bán được ba chục vé. “Cả rạp nghìn chỗ ngồi nên tối thiểu phải bán được 100 vé chúng tôi mới đủ tiền chi trả điện đóm, diễn như thế cũng cực kỳ buồn rồi. Vậy mà không gom nổi trăm khán giả nên đành xin lỗi, rồi ngậm ngùi hủy buổi diễn khai xuân. Kinh tế khó khăn đã đành, tâm lý khán giả ngày càng e ngại hơn”, NSND Tống Toàn Thắng nói.
Đêm diễn “mở hàng” của Nhà hát Tuổi trẻ cũng chỉ bán được độ trăm vé, gọi là lấy may. Thank xuân 21 vốn là chương trình ca nhạc hài kịch được dàn dựng diễn dịp Tết Nguyên đán, quy tụ dàn nghệ sĩ hùng hậu và nhiều diễn viên trẻ quen thuộc như Thu Quỳnh, Phan Thắng... “Suất diễn tối 13/3 thôi, xem như màn khởi động, đo sự quan tâm của công chúng. Chúng tôi hy vọng dần đưa hoạt động biểu diễn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát nói. Hài kịch Tốc độ được khán giả đón nhận dịp trước Tết cũng được lên lịch diễn vào dịp cuối tuần kế tiếp.
Ngấm đòn
Từ đầu năm 2020, Nhà hát Tuổi trẻ buộc phải dừng ký hợp đồng với hàng loạt diễn viên. Một số diễn viên chủ động sắp xếp công việc sự vụ, nhưng rất khó thích nghi với trạng thái mới. Đồng lương đôi ba triệu đồng không phải nguồn sống chính cho họ, nhưng không có dịch bệnh diễn viên trẻ còn có cơ xoay xở được. Văn ôn võ luyện nên diễn viên đều đặn được lên sàn diễn chính là cơ hội rèn nghề. “Dịch bệnh khiến nghệ sĩ tổn thương không ít. Tôi cũng buồn khi một số đồng nghiệp sống và làm việc cùng mình cả chục năm nay bỗng một ngày không được ký hợp đồng nữa”, NSƯT Sỹ Tiến nói.
Nghệ sĩ có tên tuổi và diễn viên trẻ có chỗ đứng dù sao còn có thể chân trong chân ngoài để thêm thu nhập. Nghỉ diễn ở nhà hát thì đóng phim truyền hình, quay quảng cáo, nỗi lo áo cơm chưa quá khốn đốn. Diễn viên trẻ mới ra trường mất cơ hội về các nhà hát, hoặc thu nhập cực bấp bênh do không có việc làm. “Không biểu diễn, không bán vé được cho khán giả đồng nghĩa không có nguồn thu, lấy gì để trả cho các em đây. Đào tạo một nghệ sĩ trẻ theo nghệ thuật dân tộc vốn gian nan, nhưng lúc này giữ được họ như thế nào quả thật là chuyện rất đau đầu”, NSND Triệu Trung Kiên nói. Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn đang gắng gượng để bảo toàn lực lượng trong bối cảnh khó khăn.
Hỏi chuyện Thu Hương - nghệ sĩ tài năng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cô cười trừ vì không biết nên dùng từ nào để nói về tình trạng hiện tại. Hai vợ chồng đều là quân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên khó khăn nhân lên nhiều lần. Dịch giã phải đóng cửa rạp nhưng nghệ sĩ xiếc không thể ngừng tập. “Nghệ sĩ vốn không sống nhờ đồng lương, chúng tôi vẫn có việc thêm bên ngoài, hiện nay tất cả đều đóng băng. Vợ chồng tôi còn may mắn hơn - được biên chế chính thức, chứ nhiều diễn viên chân ướt chân ráo vào nghề vô cùng khó khăn. Liên đoàn cũng cố gắng mở căng tin hỗ trợ suất ăn trưa cho diễn viên bằng cách chỉ thu 5 ngàn đồng”, Thu Hương nói.
NSND Tống Toàn Thắng không còn giữ được sự lạc quan như hai đợt dịch trước đó nữa. “Nghệ sĩ bây giờ thực sự ngấm đòn, đối mặt với cú nốc-ao của dịch bệnh”, anh lo lắng. Nghệ sĩ, diễn viên đều hiểu rõ khi kinh tế đình trệ vì dịch bệnh, khán giả khó có tâm trạng nghĩ tới vui chơi, giải trí. Nghệ thuật là lĩnh vực phục hồi sau cùng, nghệ sĩ xác định còn phải gắng gượng, cầm cự dài dài.
Trong thời gian chờ đợi lịch biểu diễn vào mùa hè tới, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam vừa ra mắt khán giả ca khúc mang tên Bình minh SEA Games (Sunrise on SEA Games). Ca khúc này được chuyển tới Ban Tổ chức SEA Games 31 để tham gia bình chọn làm bài hát chính thức của đại hội. Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Phương, Phó Giám đốc Nhà hát viết ca khúc với niềm hy vọng ở tương lai, tin tưởng vào sức mạnh tổng hợp của người dân Việt Nam, tin ở sự đoàn kết của khối ASEAN. Ca khúc còn nhận được sự cố vấn âm nhạc của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nghe-si-truoc-nguy-co-bi-nocao-1806656.tpo