Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương: Gia đình, nghệ thuật và tình yêu với áo dài

Trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi có dịp đến thăm nghệ sĩ ưu tú Minh Phương. Trên phim hay trên sân khấu, chị được nhiều người biết đến như một 'bà mẹ quốc dân' hay 'người đàn bà đau khổ nhất màn ảnh Việt',… Nhưng khi trực tiếp gặp chị, chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ hơn ở người nghệ sĩ này những phẩm chất, tâm hồn, tính cách đặc trưng của một người phụ nữ Việt Nam.

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương hạnh phúc ở tuổi 60

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương hạnh phúc ở tuổi 60

Nghệ sĩ Minh Phương sinh năm 1962, là người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Năng khiếu diễn xuất của chị được bộc lộ ngay từ nhỏ, khi ở nơi sơ tán, được xem những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Đường về quê mẹ”..., chị đã tưởng tượng và diễn lại những nhân vật xuất hiện trong phim mà mình yêu thích. Khi ấy và cho đến bây giờ, thần tượng để nghệ sĩ Minh Phương theo đuổi và ước mong được trở thành đó là NSND Trà Giang. Còn nam diễn viên mà nghệ sĩ Minh Phương “mê mẩn” đó là NSND Lâm Tới.

Cứ thế, với tình yêu nghệ thuật, năm 1978, nghệ sĩ Minh Phương thi tuyển vào khóa diễn viên kịch của Nhà hát tuổi trẻ. “Bà Son” của “Đất và Người” trở thành lứa nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát cùng các nghệ sĩ như Chí Trung, Lan Hương, Ngọc Huyền. Trên sân khấu kịch, chị gắn bó với các vở “Đời cười 5”, “Bến Osin”, “Lời thề thứ 9”, “Nắng quái chiều hôm”,…

Là người của sân khấu nhưng Minh Phương có duyên với điện ảnh. Công chúng biết chị nhiều hơn với những vai diễn trong các bộ phim truyện nhựa và nhất là phim truyền hình. Hơn 40 năm trong sự nghiệp, NSƯT Minh Phương để lại dấu ấn với công chúng màn ảnh nhỏ qua vai bà Son trong Đất Và Người, người đàn mù trong Nắng Trong Mắt Bão, bà Mai Lan trong Bản Di Chúc Bí Ẩn, bà Máy trong Lặng Yên Dưới Vực Sâu, bà Phương trong Tình Yêu Và Tham Vọng,… và rất nhiều vai diễn khác.

Diễn viên Minh Phương thường vào vai những người phụ nữ Hà thành hiền thục, thanh lịch

Diễn viên Minh Phương thường vào vai những người phụ nữ Hà thành hiền thục, thanh lịch

Thăng trầm cuộc đời làm nên những vai diễn số phận

Với vẻ bề ngoài hiền lành, nhu mì, thậm chí nhẫn nhịn và chịu đựng qua biểu cảm, diễn xuất tài tình của nghệ sĩ Minh Phương, dường như các đạo diễn luôn lựa chọn chị để hóa thân vào những vai diễn có số phận éo le, cam chịu, thua thiệt. Ít ai biết rằng, để có thể hóa thân vào những vai diễn nội tâm mâu thuẫn giằng xé, Minh Phương đã phải trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời từ khi chị còn rất nhỏ.

Cột mốc đầu tiên là khi khi chị mới 6 tuổi, năm 1968, khi ấy bố của nghệ sĩ Minh Phương đang làm việc tại Ty Văn hóa, thì được lệnh Tổng động viên tham gia nhập ngũ. Ông vào Cần Thơ chiến đấu rồi mất liên lạc từ năm 1969, chị không có một tin tức gì về bố.

Từ nhỏ tâm hồn tôi đã lãng mạn và là người sống tình cảm. Nhớ hồi đó, khi ở với mẹ tại nơi sơ tán, gần đường quốc lộ 6 đi qua thị trấn Chi Nê (Hòa Bình), đây là con đường để vào Nam là đường hành quân của bộ đội. Tôi vẫn nhớ từng đoàn bộ đội ban ngày nghỉ, ban đêm hành quân, mỗi đêm họ đều thấy một em nhỏ 6 tuổi đứng nhìn các chú bộ đội hành quân qua, ngóng chờ xem có bố mình ở trong đó không, không thấy thì lại đứng lên từng cột mốc đếm từng người, từng người một. Đến khi tuyệt vọng, không thấy bố thì lại lủi thủi đi về. Ký ức đó rất ấn tượng với tôi, đến bây giờ trải qua rất nhiều nỗi đau, nhưng tôi vẫn không thể nào quên những hình ảnh đó” – NSƯT Minh Phương nhớ lại.

Cho đến cuối năm 1975, có người báo tin ông (bố nghệ sĩ Minh Phương) trở về, thì cả nhà vui mừng khôn xiết và vô cùng bất ngờ.

NSƯT Minh Phương xúc động: “Khi ấy tôi 13 tuổi, lần đầu tiên trong đời, đêm 30 Tết, ba mẹ con tôi chỉ ngồi canh bên nồi bánh chưng và khóc nức nở. Bố về rồi tại sao chúng tôi lại khóc? Vì 27 Tết bố tôi từ chiến trường trở về, cả cơ quan đến chúc mừng động viên gia đình, thì 28 Tết, bố tôi lên cơn sốt rét ác tính, cả gia đình đều lo lắng. Tôi cứ nằm ôm bố vì thương bố, ngày 29 Tết thì bố phải nhập viện vì sốt nặng quá. Một đứa trẻ 13 tuổi, bố đi biệt tăm gần 10 năm trời, khi bố về mừng bao nhiêu thì thấy bố như thế lại lo lắng bấy nhiêu, hụt hẫng bấy nhiêu. Sáng 30 Tết nhà tôi vẫn gói bánh chưng, đêm giao thừa vẫn ngồi canh nồi bánh chưng nhưng cả nhà vẫn không kìm được nước mắt”.

Một cột mốc nữa trong cuộc đời mà NSƯT Minh Phương cũng không thể quên đó là ngày bố chị qua đời vì bị bệnh hậu chiến tranh: “Bố kể lại khi ở trong chiến trường, bố bị ruột thừa cấp, khi đó ở trên trời thì bom dội xuống, dưới hầm mổ cho ông thì nước ngập đến ngang người, vì vậy điều kiện phẫu thuật rất dễ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Đến khi trở về, những năm 80 còn bao cấp, thương con, muốn cải thiện bữa ăn, ông lại tranh thủ ra sông cào hến, trai, ốc lại ngâm mình dưới bùn nước rồi bị tả thương hàn và mất năm 1982”. Khi ấy NSƯT Minh Phương vừa tròn 20 tuổi, bắt đầu với con đường nghệ thuật đầy gian nan, vất vả.

Nhiều khi tôi nghĩ, nếu bố tôi mà còn sống, thì tôi cũng không vất vả lắm đâu, vì tôi sẽ luôn có bố định hướng cho mình…” – Minh Phương tự nhủ.

Có lẽ, chính những biến cố đầu đời ấy đã tạo nên một NSƯT Minh Phương với thế giới nội tâm nhiều ngóc ngách, gai góc mà chính chị cũng phải thừa nhận: “Nếu không có những biến cố ấy, sẽ không có một diễn viên Minh Phương có thể rơi nước mắt bất cứ lúc nào”.

Trong 40 năm làm nghề, hình ảnh của chị gắn với người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng

Trong 40 năm làm nghề, hình ảnh của chị gắn với người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng

Không nhận đóng phim để ở nhà chăm sóc con

Bước khỏi những vai diễn, nghệ sĩ Minh Phương lại trở về nhà với tư cách là một người mẹ. Chị chia sẻ trong việc nuôi dạy con, mình phải rút kinh nghiệm từ chính mình, và rút kinh nghiệm từ những người mẹ đi trước.

Minh Phương kể câu chuyện từ năm 2012, khi chị tham gia quay cho bộ phim “Bản di chúc bí ẩn”, do đặc thù công việc thì cứ 6 giờ sáng chị ra khỏi nhà khi con còn chưa dậy, đến lúc 11 rưỡi đêm chị về thì con cũng đã ngủ mất rồi, cho nên chị không được gặp con nhiều. Nhà chỉ có hai bố con, mà bố với con trai thì ít khi dung hòa được với nhau vì cách xa nhau về thế hệ, nên thỉnh thoảng chị lại nhận được tin nhắn của chồng về chuyện “con hay cãi bố” hay “con thế nọ, thế kia,…”

Có một hôm tôi đi quay về, khi ấy con tôi đang học lớp 10, nhìn thấy đèn phòng con vẫn sáng, tôi mới lên hỏi tại sao con lại để bố suốt ngày nhắn tin cho mẹ, thì con nói một câu thế này: “bố không dạy con nhưng bố cứ luôn muốn bắt con phải thế này, phải thế kia”. Nghe thế, tôi mới nhắc con dù bố có nói không đúng, nhưng bố vẫn là bố của con, con không được cãi. Con có thương mẹ không? Em trả lời: “con mà không thương mẹ thì con bỏ đi lâu rồi”.

Tôi lặng đi. Sau đó, ngay khi kết thúc phim “Bản di chúc bí ẩn” là tôi không nhận phim nữa, hơn hai năm từ cuối năm lớp 10 đến năm lớp 12 là tôi ở nhà hoàn toàn luôn. Vì mình làm nghề diễn nên mình cũng nắm bắt được tâm lý của các lứa tuổi, mình hiểu rõ điều đó, chính vì thế khi con đang ở tuổi chông chênh, chưa trưởng thành mà mẹ vô tình vẫn đi làm, bỏ rơi con thì có thể nó sẽ hư. Hiểu điều đó nên tôi bỏ hết tất cả, để con yên tâm là luôn có mẹ ở nhà”.

Hiện nay, con trai NSƯT Minh Phương đã trở thành một bếp trưởng có danh tiếng ở Hà Nội.

Thường đóng nhiều vai khắc khổ, cam chịu nhưng ngoài đời NSƯT Minh Phương có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

Thường đóng nhiều vai khắc khổ, cam chịu nhưng ngoài đời NSƯT Minh Phương có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

NSƯT Minh Phương chia sẻ lúc nào chị cũng dành thời gian cho gia đình. Trước đây khi còn phải đi diễn nhiều tại Nhà hát, thì đó là công việc chính của chị, thì chị bắt buộc phải theo. Có những lúc chị đi công tác hằng tháng trời, nhưng lúc nào điện thoại cũng phải gọi về nhà, để nhắc nhở chồng con, nói vui là “chỉ đạo từ xa”.

Khi phải lựa chọn giữa nghề và gia đình, NSƯT Minh Phương không chút suy nghĩ, ngay lập tức lựa chọn gia đình. “Hồi trẻ thì mình chọn nghề vì lúc ấy mình chưa có gia đình, mình chọn nghề và mình sống hết mình với nghề. Nhưng khi mình đã có gia đình rồi, thì gia đình chính là nơi mình lui về. Tôi luôn tranh thủ những lúc nào không đi làm, không đi quay là tôi lại về với gia đình, cái tâm của mình luôn hướng về gia đình, thì người chồng luôn luôn họ cảm nhận được” – Minh Phương chia sẻ.

Khát khao đổi mới các vai diễn

Trở lại với câu chuyện nghệ thuật, dưới góc độ là một diễn viên với hàng chục năm tham gia đóng phim truyền hình, NSƯT Minh Phương nhận định phim truyền hình Việt Nam hiện nay rất hay, quay đến đâu chiếu đến đấy, diễn viên cũng không biết trước số phận của nhân vật mình sẽ đi đến đâu. Một số kịch bản phim phát triển theo xu hướng và phát ứng của khán giả. “Tôi thấy điều đó hay ở chỗ, diễn viên cũng được làm mới mình vì không hề biết số phận của mình sẽ đi đến đâu, mình sẽ làm gì tiếp theo và kết cục của mình sẽ như thế nào” – nghệ sĩ Minh Phương hào hứng.

Minh Phương để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi nhiều lần “lột xác” khỏi mẫu nhân vật quen thuộc để hóa thân vào những vai diễn phản diện hoặc đa tính cách

Minh Phương để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi nhiều lần “lột xác” khỏi mẫu nhân vật quen thuộc để hóa thân vào những vai diễn phản diện hoặc đa tính cách

Theo nghệ sĩ Minh Phương, có một giai đoạn chị luôn phải vào những vai đau khổ, khóc lóc, đau đớn: “mà buồn cười lắm, mình không bao giờ ế chồng nhưng bao giờ cũng đóng vai ế chồng, rồi góa chồng, mẹ đơn thân,…”– Minh Phương cười dí dỏm.

NSƯT Minh Phương chia sẻ: “Năm 2012, tôi tham gia đóng phim “Bản di chúc bí ẩn” với vai diễn bà Mai Lan chính là một bước đột phá, khi mình được hóa thân vào một kiểu vai diễn khác biệt hơn. Rồi cùng với đó là nhiều những bộ phim tôi được đóng những nhân vật mang nhiều tính cách, số phận khác nhau như: “Chân trời trắng”, “Mùa hè rớt”, “Tình yêu và tham vọng”, “Trở về giữa yêu thương”,… Có thể nói những dạng vai mà tôi ước ao được thay đổi, thì tôi đã được thay đổi rồi”.

Sắp tới trong bộ phim mới, tôi sẽ được vào vai một người mẹ có đứa con ham mê lô đề cờ bạc, phải bán hết nhà cửa để trả nợ,… không nơi trú phải đến ở nơi gầm cầu thang của các khu tập thể cũ, rồi bị xua đuổi, bị xa lánh,… nói chung là… bĩ cực đến tận cùng!” - “Bà Phương” của “Tình yêu và tham vọng” bật mí.

Lan tỏa tình yêu với áo dài

Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn luôn giữ được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt. Trong nhiều năm qua, NSƯT Minh Phương đã trở thành “sứ giả” lan tỏa tình yêu áo dài đến nhiều đối tượng khác nhau và nhiều thế hệ khác nhau, trong đó đa phần là chị em phụ nữ. Riêng với NSƯT Minh Phương, áo dài là loại trang phục gắn liền với hoạt động nghệ thuật của chị, đặc biệt là gắn liền với các vai diễn trên sân khấu kịch.

Áo dài gắn liền với hoạt động nghệ thuật của NSƯT Minh Phương

Áo dài gắn liền với hoạt động nghệ thuật của NSƯT Minh Phương

Nhắc đến áo dài, NSƯT Minh Phương cũng chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ cách nay gần 30 năm: “Năm 1995, tôi cùng với đoàn của Nhà hát Tuổi trẻ sang Bắc Kinh (Trung Quốc) công tác, hành trang tôi mang theo là một bộ áo dài. Khi Nhà hát Thanh niên và nhà hát Thiếu nhi của Bắc Kinh tổ chức giao lưu văn nghệ, tôi cũng “dũng cảm” mặc bộ áo dài Việt Nam cất cao giọng hát bài dân ca quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền”, dù tôi không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng có lẽ do trang phục, do bài hát, và biểu cảm của mình nên phần trình diễn của tôi được công chúng nước bạn vô cùng ấn tượng và thích thú. Tôi và anh em trong đoàn cảm thấy rất tự hào, đó là niềm tự hào của người Việt Nam khi mang trang phục truyền thống của đất nước mình ra với quốc tế”.

NSƯT Minh Phương thướt tha trong tà áo dài của NTK Trần Hoa Linh

NSƯT Minh Phương thướt tha trong tà áo dài của NTK Trần Hoa Linh

NSƯT Minh Phương cũng khẳng định: “Tôi rất thích mặc áo dài, vì thứ nhất là bản thân tôi mặc thấy đẹp, và khi mặc áo dài mình cảm thấy rất tự tin. Thứ hai là vì tà áo dài là đặc trưng cho người Việt Nam, đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, bất cứ người phụ nữ nào khi khoác lên mình bộ áo dài đều đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vừa thướt tha, duyên dáng. Hy vọng chị em phụ nữ đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn nữa đến áo dài vì đó là niềm tự hào của người Việt Nam”.

 Nữ diễn viên vừa thực hiện loạt ảnh để hưởng ứng Tuần lễ Áo dài 2023, tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ nhân ngày 8/3

Nữ diễn viên vừa thực hiện loạt ảnh để hưởng ứng Tuần lễ Áo dài 2023, tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ nhân ngày 8/3

Với những đóng góp cho sân khấu, tính đến nay, NSƯT Minh Phương đã có 2 Huy chương Vàng, đó là vai bà Xuyên trong vở kịch “Lời thề thứ 9” tham gia Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988 - 2013) do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức; vai Kiều trong vở kịch “Nắng quái chiều hôm” tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.

Trần Đức Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/nghe-si-uu-tu-minh-phuong-gia-dinh-nghe-thuat-va-tinh-yeu-voi-ao-dai-post9939.html