Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang: Viên gạch đầu tiên của Nhà hát Sao Biển

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (bìa trái) sau một đêm diễn của Đoàn ca múa nhạc Sao Biển. Ảnh: TL

Hơn 32 năm hình thành và phát triển, Sao Biển bây giờ đã là một tên tuổi được khẳng định trên bản đồ nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam. Để có được thành công ấy, chúng ta không thể quên cánh chim đầu đàn, người anh cả, viên gạch làm nền móng đầu tiên, cố nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang.

Đầu năm 1990, anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Sơn Hòa, được UBND tỉnh điều chuyển về Sở VH-TT để xây dựng một đoàn ca múa nhạc, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tái lập tỉnh Phú Yên.

Xây dựng, phát triển đoàn

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang

Trong thời điểm tái lập tỉnh Phú Yên, một số diễn viên, nhạc công của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng 2 đã đi cùng ngành VH-TT về cập bến Phú Yên. Xác định đây là những nhân tố quan trọng cho đoàn trong giai đoạn thành lập, anh Nguyễn Ngọc Quang đã tập trung tối đa thời gian, công sức để xây dựng bộ khung đơn vị nghệ thuật dựa trên lực lượng này. Có thể nói, đây là quyết định chiến lược cho việc xây dựng đoàn, vì các nghệ sĩ này là những diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, đã nhiều năm đứng trên sân khấu, xứng đáng làm nền móng cho sự phát triển của đơn vị. Nói thêm là sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh chỉ đạo Đài Phát thanh tỉnh thành lập một đoàn nghệ thuật để tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với mục đích giới thiệu đến bạn bè khắp nơi về Phú Yên. Thành phần nòng cốt của đoàn là các nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên đến từ Hà Nội cùng một số anh chị em đang hoạt động phong trào ở Phú Yên. Sau khi tham gia liên hoan, đầu năm 1990, đoàn giải thể.

Sức hút của một đoàn nghệ thuật mới thành lập cùng với chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ” đúng đắn của người trưởng đoàn nên chỉ trong một thời gian ngắn, nghệ sĩ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã về đầu quân, trong đó có những nghệ sĩ, ca sĩ đã thành danh như Tôn Thất Kỳ, Long Nhật, Tường Vy (Hạ Vy), Kim Nhạn, Carol Thủy... Giữa năm 1990, anh Bùi Xin (cán bộ Sở VH-TT Phú Yên), anh Đàm Hữu Hân (cựu nhạc công, cán bộ Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng 2) được bổ nhiệm làm phó đoàn. Đầu năm 1991, vì lý do sức khỏe, anh Hân về lại Khánh Hòa; Sở VH-TT bổ nhiệm anh Cao Hữu Nhạc, Trưởng Đoàn cải lương xã Hòa Bình 1, về làm Phó Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Phú Yên. Đây là những viên gạch đầu tiên của Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Phú Yên.

Dù còn mới toanh ở cương vị trưởng đoàn nhưng anh Nguyễn Ngọc Quang đã thể hiện khả năng lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, xác định rõ nhiệm vụ của một đoàn nghệ thuật là phải đi biểu diễn phục vụ cho dân. Các buổi biểu diễn liên tục trong năm của đoàn luôn đầy ắp khán giả, được nhân dân trong tỉnh đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh chiếc xe Bac - sac (loại xe còn lại từ thời bao cấp được Sở VH-TT cho đoàn tạm sử dụng trong giai đoạn đầu mới thành lập) lặc lè, chật kín người ngồi và thiết bị, có mặt ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh để đem lời ca tiếng hát, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi.

Không muốn chỉ dừng lại ở những buổi biểu diễn phục vụ trong tỉnh, người trưởng đoàn đầy nhiệt huyết còn mong muốn đưa tên tuổi của đoàn và đặc biệt là địa danh Phú Yên (lúc bấy giờ không có nhiều người biết Phú Yên là tỉnh nào, ở đâu) đến với bạn bè khắp nơi trên đất nước. Biến ước mơ thành sự thật, anh Nguyễn Ngọc Quang cùng các cộng sự đã đưa cánh chim lạ Sao Biển (tháng 1/1992, đoàn đã đổi tên thành Đoàn ca múa nhạc Sao Biển) bay đi khắp mọi miền đất nước để quảng bá, giới thiệu về Phú Yên bằng những chương trình nghệ thuật chất lượng và giàu bản sắc.

Tỉnh vừa mới tái lập, không có trường nghệ thuật, chưa có nhiều hoạt động phong trào để phát hiện hạt nhân văn nghệ nhằm đào tạo, bồi dưỡng thành chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ, diễn viên trong thời kỳ này hay đi, ở bất thường, rất khó để duy trì ổn định một lực lượng diễn viên có tay nghề, sẵn sàng phục vụ. Để khắc phục tình trạng này, đoàn phải thực hiện chủ trương tuyển dụng diễn viên, nhạc công mọi nơi mọi lúc, cả trong và ngoài tỉnh, ở tất cả những nơi đoàn đến biểu diễn. Lại một quyết định đúng đắn và kịp thời nữa của người đứng đầu đơn vị khi đó. Nhờ vậy, đoàn củng cố được lực lượng, không bị động về nhân sự.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (ngoài cùng bên phải) trong một hoạt động khen thưởng của Đoàn ca múa nhạc Sao Biển. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (ngoài cùng bên phải) trong một hoạt động khen thưởng của Đoàn ca múa nhạc Sao Biển. Ảnh: TL

Bước đột phá

Nhận thấy không thể dựa hoàn toàn vào “bầu sữa” ít ỏi từ ngân sách được cấp để nuôi “đàn con” đang tuổi ăn tuổi lớn, người trưởng đoàn đầy cá tính đã quyết định phải tìm nguồn thu từ biểu diễn. Và thế là rong ruổi dặm trường vào Nam ra Bắc, “vượt nắng, thắng mưa”, anh học hỏi và sử dụng tất cả những cách thức tổ chức biểu diễn lúc bấy giờ để đưa người xem đến với những đêm diễn của đoàn. Có những nơi biểu diễn mà các đoàn nghệ thuật khác luôn ao ước một lần góp mặt, như rạp Trưng Vương - Đà Nẵng, Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội, rạp Việt Nhật ở Hạ Long - Quảng Ninh, rạp Việt Tiệp ở Hải Phòng… thì với Sao Biển là điểm lui tới thường xuyên hàng năm với những đợt biểu diễn kéo dài cả tuần lễ và luôn đầy ắp khán giả.

Việc xã hội hóa nguồn thu của một đơn vị nghệ thuật trong giai đoạn đất nước ta mới chập chững bước vào nền kinh tế thị trường là cả một vấn đề, không phải đoàn nào cũng làm được. Nói vậy để thấy được cái tài của người lãnh đạo. Đây cũng là bước tạo đà cho giai đoạn hoàng kim về biểu diễn bán vé của Đoàn ca múa nhạc Sao Biển.

Dẫu thời gian ở cương vị trưởng đoàn không lâu (năm 1997, anh Nguyễn Ngọc Quang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở VH-TT Phú Yên) nhưng những gì anh làm được cho đoàn là rất đáng trân trọng. Từ những bước khởi đầu mạnh mẽ, Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Phú Yên đã tạo dựng một thương hiệu vững chắc, tiền đề cho những thành công tiếp nối sau này của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển.

Hơn 32 năm hình thành và phát triển, Sao Biển bây giờ đã là một tên tuổi được khẳng định trên bản đồ nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam. Để có được thành công ấy, chúng ta không thể quên cánh chim đầu đàn, người anh cả, viên gạch làm nền móng đầu tiên, cố nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang.

Bài viết là sự tưởng nhớ về anh, lời tiễn biệt đong đầy sự trân quý và ghi nhận!

Nhạc sĩ HUỲNH TẤN PHÁT

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/272135/nghe-si-uu-tu-nhac-si-nguyen-ngoc-quang--vien-gach-dau-tien-cua-nha-hat-sao-bien.html