Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo hạnh phúc khi trở thành cô giáo
Vũ Diệu Thảo được công chúng mến mộ từ vai diễn trong phim Phía trước là bầu trời. Song không theo nghiệp diễn cô trở thành giáo viên dạy đàn Tỳ bà.
Làm cô giáo là mong ước từ nhỏ
Chia sẻ về quyết định theo con đường giảng dạy thanh nhạc, cô giáo Vũ Diệu Thảo cho biết: “Được trở thành cô giáo là niềm mơ ước từ những năm tháng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Các thầy cô giáo là tấm gương, động lực lớn lao để nuôi dưỡng ước mơ, đam mê của Thảo.
Thế rồi ước mơ đó cũng trở thành sự thật khi Thảo tốt nghiệp ra trường với kết quả tốt, được giữ lại trường giảng dạy. Con đường trở thành giảng viên chuyên ngành đàn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đến trong hạnh phúc, trân trọng…”.
Gắn bó với công việc dạy học gần 20 năm nhưng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với Vũ Diệu Thảo vẫn tràn đầy cảm xúc. Cô chia sẻ: “Tôi luôn thấy hạnh phúc, tự hào vì đã chọn lựa đúng ngành nghề yêu thích, tôi xúc động và vui khi mỗi lần được học sinh chúc mừng dưới vai trò cô giáo… Ngày 20/11 là dịp tôi thường dành nhiều thời gian, sự quan tâm và nhớ ơn các thầy cô của mình. Những người thầy đã dạy dỗ, dìu dắt để tôi có được ngày hôm nay, tôi luôn biết ơn và học hỏi được nhiều điều ở thầy cô...”.
Vũ Diệu Thảo cho biết, suốt quá trình học tập và trưởng thành của mình, cô may mắn được học và được chỉ bảo của nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm yêu học trò. Trong đó, gắn bó sâu đậm và thân thương nhất với Thảo từ thuở ấu thơ đến khi trở thành giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn có 3 người thầy.
“Khi mới vào trường, cô giáo đầu tiên dìu dắt Thảo là NSND Mai Phương - người mà các thế hệ học sinh đàn Tỳ bà đều gọi là “Mẹ Mai Phương”, “U Phương”. “Mẹ Phương” tình cảm, chu đáo, dù năm đầu vào trường Thảo còn nhỏ tuổi, chưa hiểu nhiều, nhưng vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương của mẹ Phương dành cho mình và các thế hệ học sinh, và cây đàn Tỳ bà. Sau đó, Thảo học NSƯT Kim Hạnh dìu dắt Thảo suốt quãng thời gian dài học sơ cấp và trung cấp. Vào Đại học, Thảo tiếp tục được học NSND Mai Phương. Lên cao học, Nhà giáo nhân dân Hoàng Dương hướng dẫn Thảo…”, Diệu Thảo cho biết.
“Khó tính” để học trò thêm trưởng thành
Công chúng thường quen với một hình của ảnh Vũ Diệu Thảo đẹp mong manh, dịu dàng, thuần khiết bên cây đàn Tỳ bà. Tuy nhiên, với vai trò cô giáo, Thảo lại nhận mình là một giáo viên khó tính.
Cô chia sẻ: “Tôi khá nghiêm khắc với học trò dù yêu thương các em đến mấy. Tôi luôn để học trò được lựa chọn điều các em yêu thích rồi tự cố gắng, nỗ lực. Cô giáo chỉ đóng vai trò, nhiệm vụ hướng dẫn và khuyến khích, “thổi đam mê” học tập. Thế nên học trò theo cô Thảo học đàn Tỳ bà hoàn toàn vì thích học, đam mê… mà không có bất kỳ sự gượng ép. Khi các em tự nguyện và yêu thích môn học thì cô giáo trong mắt học trò dù khó tính không còn khó tính…”.
Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo cũng cho biết trong nghệ thuật luôn để cao, yêu thích sự sáng tạo, thích áp lực để trưởng thành. Vậy nên nhiều khi cô trò tập luyện miệt mài quên cả giờ nghỉ, thế nhưng mỗi ngày đến trường và luyện tập đàn với với cô Thảo học trò đều cảm nhận một ngày vui.
Có những ngày cô Thảo dạy thông trưa, không có cả thời gian nghỉ, cô tranh thủ và dành từng phút cho dạy học trò bởi hiểu rằng không chỉ học chuyên môn các em còn cần thời gian để học tốt văn hóa, tiếng Anh, học hòa tấu. Nghệ sĩ hiện đại ngoài chuyên môn tốt, thì nền tảng văn hóa sẽ giúp nghệ thuật thăng hoa hơn, nghệ sĩ vững vàng, sâu sắc, sáng tạo…
Lớp học của cô giáo Vũ Diệu Thảo luôn được tạo không khí như một gia đình nhỏ, cô trò cùng dạy và học nghiêm túc nhưng không khí vui vẻ và yêu thương. Cô giáo hết lòng vì sự tiến bộ dù nhỏ của học trò. “Tôi không sợ học trò đánh giá khó tính. Bởi để các em trưởng thành, học tập tốt hơn thì khó cũng cần thiết. Có khó khăn mới giúp học trò thấy được bản thân cần nỗ lực hơn và phát triển hơn nữa trong học tập và cuộc sống, từ đó các em mau tiến bộ…”, cô Vũ Diệu Thảo trải lòng.
Vũ Diệu Thảo cũng cho biết cô thấy mình may mắn khi được giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - ngôi trường có truyền thống đào tạo và biểu diễn âm nhạc. Đây là điểm tựa, lợi thế lớn cho những giảng viên kiêm “nghệ sĩ” đang công tác tại trường.
“Trường luôn tạo điều kiện hết sức để các thầy cô giáo chuyên tâm dạy học. Trong những sự kiện lớn của quốc gia, những chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, các thầy cô cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt công tác biểu diễn quảng bá âm nhạc Việt Nam. Tuy áp lực, nhưng chúng tôi hạnh phúc và tự hào được đóng góp công sức nhỏ bé của mình, hoàn thành tốt các vai trò được Nhà nước, nhà trường giao phó…”, nghệ sĩ Vũ Diệu thảo bày tỏ.
Hành trình làm nhà giáo, điều khiến Vũ Diệu Thảo cảm thấy hạnh phúc nhất là được chứng kiến các thế hệ học trò dần lớn lên, trưởng thành và thành công. “Thế hệ nối tiếp thế hệ, các em học sinh giống như hình ảnh phản chiếu của mình. Nhìn các em xuất hiện trên các sân khấu lớn, mang tiếng đàn Tỳ bà đến mọi miền tổ quốc và các quốc gia trên thế giới cảm giác vỡ òa và tự hào vô cùng. Sự nghiệp “trồng người” của mình đã có được “trái ngọt”, thành quả đó chính là hạnh phúc”… nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo trải lòng.