Nghề sửa 'lỗi' thời gian

Qua bao tháng năm, giữa tấp nập, nhộn nhịp của thành phố, vẫn còn những người thợ hằng ngày cặm cụi, nhẫn nại và tỉ mỉ tìm tòi, sửa chữa từng lỗi nhỏ để trả lại nhịp chuẩn thời gian cho những chiếc đồng hồ. Ngày càng có ít người trẻ chịu khó theo học nghề này, bởi theo kinh nghiệm của những người thợ lâu năm, nghề sửa đồng hồ đòi hỏi ngoài tính nhẫn nại, chịu khó thì phải có sự yêu thích, đam mê và cả năng khiếu mới có thể lành nghề.

 Ông Đoàn Đản (bên phải) với công việc thường ngày - Ảnh: T.T

Ông Đoàn Đản (bên phải) với công việc thường ngày - Ảnh: T.T

Một chiếc tủ nhỏ kê khiêm nhường trước dãy hàng kinh doanh vàng bạc ở chợ Đông Hà, bộ đồ nghề với những món đồ nhỏ xíu chuyên dụng để “bắt bệnh” đồng hồ bị hỏng, tiệm sửa đồng hồ của ông Đoàn Đản thoạt nhìn cũng như bao người làm nghề khác ở khu vực chợ Đông Hà. Thế nhưng, người đàn ông năm nay hơn 70 tuổi này đã có thâm niên gắn bó với nghề ngót nghét 47 năm. Nguyên là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đông Hà, có nhiều đóng góp trong công tác hội, từng được vinh danh là công dân tiêu biểu của TP. Đông Hà, ông Đản vẫn tự nhận, nghề sửa đồng hồ đã ăn trong máu thịt, vừa giúp ông nuôi các con ăn học, vừa thỏa đam mê làm nghề từ nhỏ đến tận bây giờ. Ông cũng chính là người thầy dạy nghề cho bao lứa học trò nay đã là những thợ sửa đồng hồ có tay nghề ở khắp các vùng quê trong tỉnh.

“Năm 1975, tôi từ Triệu Long, Triệu Phong ra Đông Hà lập nghiệp bằng nghề sửa đồng hồ học được từ người anh ruột. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề này nên từ nhỏ, khi chưa được anh chính thức dạy nghề, tôi đã học lỏm khi xem anh sửa đồng hồ cho khách. Rồi đến khi được cầm tay chỉ việc một cách bài bản, tôi ngày càng thích thú với nghề này và được khen là có năng khiếu, tiếp thu nhanh. Ra Đông Hà khi thị xã mới giải phóng, tôi mở một ki ốt sửa chữa và bán đồng hồ ngay gần chợ Đông Hà. Nghề này lúc bấy giờ “sang trọng” lắm, vừa có thu nhập tốt, vừa là nghề được nhiều người muốn theo học”, ông Đản nhớ lại.

Từ một ki ốt nhỏ đến cửa tiệm đồng hồ Tân Bình được khách hàng gần xa biết tiếng, công việc buôn bán, sửa chữa đồng hồ của gia đình ông Đản ngày càng thuận lợi. Ông bắt đầu nhận dạy nghề cho học trò, chủ yếu là con em ở quê và các vùng nông thôn lân cận, cơm đùm gạo bới lên nhà ông ở lại để học việc. Thời buổi khó khăn, ông đùm bọc, cưu mang học trò của mình, nuôi ăn ở trong nhà, mỗi lứa học nghề mất hai, ba năm trời mới thành thạo.

“Tôi vẫn luôn dặn học trò mình là người thợ sửa đồng hồ ngoài sự tỉ mỉ cao thì cần có khả năng quan sát tinh tường để “bắt bệnh” cho những “cỗ máy thời gian”. Làm nghề này, nếu ai nóng vội và không thật sự yêu nghề sẽ không làm lâu dài được. Sau này ra làm nghề, quay trở lại thăm thầy dạy nghề, nhiều học trò của tôi mới thấm thía những điều tôi nhắc nhở”, ông Đản chia sẻ.

 Nghề sửa đồng hồ cần đôi tay khéo léo, chuyên nghiệp - Ảnh: T.T

Nghề sửa đồng hồ cần đôi tay khéo léo, chuyên nghiệp - Ảnh: T.T

Nói đến nghề, ông phấn chấn hẳn lên khi có người muốn tìm hiểu. Ông nhớ, thời điểm “hưng thịnh” nhất của nghề sửa đồng hồ là khoảng những năm 70 - 90 của thế kỷ trước, khi đó đồng hồ rất có giá, nhiều chiếc đồng hồ tính bằng chỉ vàng và trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Với phụ nữ, ngoài chức năng để xem giờ thì đồng hồ còn là món trang sức không thể thiếu. Vì vậy, nghề sửa đồng hồ theo đó mà bận rộn luôn tay. Khác với những nghề khác, nghề sửa đồng hồ khá đặc biệt. Những đồ nghề chính như tua vít, kìm, chổi quét, nhíp, búa, kính lúp…, tất cả đều rất nhỏ. Món đồ nghề đắt nhất cũng chỉ là chiếc máy kiểm tra thời gian và máy ép kính có giá vài triệu đồng. Ông Đản vẫn giữ bên mình chiếc búa nhỏ được người anh ruột làm tặng từ khi ông ra làm nghề cho đến tận hôm nay, coi đó như vật kỷ niệm đặc biệt gắn bó với nghề.

Mỗi chiếc đồng hồ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chi tiết. Có những chi tiết rất nhỏ, phải dùng đến kính lúp, kính hiển vi để thực hiện sửa chữa. Dù với bất kỳ loại đồng hồ nào, khi sửa chữa, người thợ cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ thẩm định, kiểm tra tình trạng, hiệu chỉnh cân bằng..., cho đến kiểm tra độ kín nước, kiểm tra thẩm mỹ. Ngày đó, linh kiện thay thế cho đồng hồ bị hỏng rất khó mua, đắt tiền, để tiết kiệm cho khách, có khi ông Đản phải mày mò “độ” lại bánh răng bị gãy, sửa lại sợi tóc hư… Thoạt nghe thì đơn giản, nhưng không phải người thợ sửa đồng hồ nào cũng có kỹ năng để chế tác, hay còn gọi là “độ” lại được bánh răng gãy.

Ông Đản kể, để khắc phục sự cố gãy một răng trên chiếc bánh răng nhỏ của đồng hồ khá đắt tiền mà khách mang đến nhờ sửa, ông đã dùng miếng kim loại có cùng chất liệu và mài dũa, chế một chiếc răng có kích thước chưa đến 1 mm, đúng với kích thước chiếc răng bị hỏng. Khi đã dũa chiếc răng đến độ chuẩn, công đoạn khó khăn tiếp theo là dùng dụng cụ để tán vào chỗ chiếc răng bị hỏng. Lắp gần được lại bị trật ra, rất nhiều lần như vậy dù đã tập trung cao độ, nên có lúc ông thối chí. Nhưng ông không bỏ cuộc. Lại kiên nhẫn, tập trung cao độ và căng mắt để làm cho bằng được, đến khi kim đồng hồ chuyển động, tiếng tích tắc nhẹ nhàng vang lên, ông thở phào nhẹ nhõm và cảm giác sung sướng khó tả, như vừa chiến thắng chính mình.

 Anh Nguyễn Phước Hoàng gắn bó với nghề sửa đồng hồ hàng chục năm nay - Ảnh: T.T

Anh Nguyễn Phước Hoàng gắn bó với nghề sửa đồng hồ hàng chục năm nay - Ảnh: T.T

Trước đây, đồng hồ chạy bằng cơ, người dùng đến cửa hàng chủ yếu để lau dầu, chỉnh lại thời gian. Hiện nay, đa số sử dụng đồng hồ điện tử nên khách thường mang đồng hồ đến thay pin, thay mặt kính hay bảo dưỡng máy, cắt nối dây đeo… Đó là những “bệnh” đơn giản, chỉ cần vài phút là xong. Cũng có những chiếc “bệnh” nặng, thử thách tay nghề và lòng kiên nhẫn của người thợ, có khi phải mất vài tiếng, thậm chí vài ngày mới xong.

Qua nhiều năm gắn bó với nghề, ông Đản đúc rút được thêm nhiều kinh nghiệm, bí quyết sửa đồng hồ. Bởi vậy, có những lỗi hỏng hóc, cần đến thợ dày dặn kinh nghiệm như ông mới bắt ra “bệnh” để sửa. Ngoài sửa chữa, ông còn có thú vui tìm mua và tân trang những chiếc đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn đến đồng hồ quả lắc treo tường cũ bán cho khách hoặc sưu tầm. Con trai của ông Đản cũng có người nối nghiệp cha, mở một quầy sửa chữa nhỏ ngay trong khu vực chợ Đông Hà. Dù tay nghề khá chuyên nghiệp, anh vẫn tự nhận mình còn phải học hỏi ba rất nhiều.

Nghề sửa đồng hồ đã gian nan, việc học nghề cũng khó khăn không kém. Đơn giản như việc tháo, mở đồng hồ để sửa chữa, bảo dưỡng, người thợ cũng phải mất hàng tháng trời thực hành mới có thể thực hiện một cách cơ bản. Mới bước vào nghề, việc phải đền các chi tiết đồng hồ do làm hỏng vì chưa quen tay là chuyện cơm bữa. Và “học phí” để học nghề, nâng cao trình độ thường rất đắt đỏ, bởi chỉ cần làm mất, làm vỡ, gãy một chi tiết rất nhỏ sẽ phải đền những món tiền lớn. Thợ học nghề sửa chữa đồng hồ phải thể hiện được mình có yếu tố cần là tính kiên nhẫn, sự cần cù, chịu khó, nghị lực và yếu tố đủ là sự tư duy, sáng tạo và ham học hỏi.

Anh Nguyễn Phước Hoàng từng học nghề ở ông Đản, nay mở một cửa hàng sửa chữa đồng hồ trên đường Lê Quý Đôn. Sau mấy chục năm làm nghề, tích lũy nhiều kinh nghiệm cộng với tay nghề cao, mỗi tháng anh được một công ty chuyên kinh doanh, sửa chữa đồng hồ cao cấp ở Hà Nội mời ra làm công khoảng 10 ngày. Anh Hoàng cho biết, ở những cửa hàng lớn tại Hà Nội, đồng hồ khách mang đến sửa thường có giá trị rất lớn, là những loại đồng hồ hiện đại nên những lỗi cũng vô cùng phức tạp, đòi hỏi thợ có tay nghề cao mới xử lý được. Những chuyến đi sửa đồng hồ ở Hà Nội là cơ hội để anh tiếp cận với nhiều mẫu mã đồng hồ mới, tiếp cận được máy móc, thiết bị sửa chữa hiện đại, chuyên nghiệp để nâng cao tay nghề. Anh Hoàng chia sẻ, thợ dám nhận sửa những chiếc đồng hồ đắt tiền, có giá trị lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, khách hàng thường phải gửi đến hãng sản xuất hoặc gửi ra nước ngoài để sửa chữa. Vì vậy, đòi hỏi người thợ ngoài tâm huyết với nghề chưa đủ, muốn trở thành thợ giỏi để khách hàng tin tưởng thì phải rèn luyện tay nghề hằng ngày.

Điều mà những người gắn bó với nghề sửa đồng hồ lâu năm và tâm huyết như ông Đản, anh Hoàng vẫn trăn trở là không có trường lớp, môi trường đào tạo nghề bài bản, chuyên nghiệp cho người học. “Vẫn biết theo nghề là không dễ, nhưng tôi vẫn muốn nhiều bạn trẻ có đam mê xem việc trở thành một “bác sĩ thời gian” như là một lựa chọn tốt để lập nghiệp. Có như thế, nghề sửa đồng hồ mới có thể phát triển, trở thành một nghề chuyên nghiệp”, ông Đản chia sẻ.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=167524&title=nghe-sua-%E2%80%9Cloi%E2%80%9D-thoi-gian