Nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga - Múa giống như hơi thở và khí trời
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên múa Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quân đội Hà Nội, chị về công tác tại Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh. Đến năm 2005, tiếp tục theo học và tốt nghiệp chuyên ngành biên đạo múa tại Trường Cao đẳng VHNT Quân đội, chị về phụ trách công tác giảng dạy và kiêm biên đạo múa của Trường Trung cấp VHNT Hà Tĩnh và năm 2009, chính thức chuyển công tác về Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên múa Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quân đội Hà Nội, chị về công tác tại Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh. Đến năm 2005, tiếp tục theo học và tốt nghiệp chuyên ngành biên đạo múa tại Trường Cao đẳng VHNT Quân đội, chị về phụ trách công tác giảng dạy và kiêm biên đạo múa của Trường Trung cấp VHNT Hà Tĩnh và năm 2009, chính thức chuyển công tác về Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam.
Đến với nghệ thuật múa từ rất sớm và gặt hái được khá nhiều giải thưởng qua các mùa hội diễn và mới đây, tại Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016-2020) của tỉnh Hà Nam chị đã được vinh danh và trao giải Nhất với tác phẩm “Huyền thoại sông Châu” (thể loại múa). Đó cũng chính là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn và sự kiện - Trung tâm Văn hóa tỉnh.
P.V: Duyên cớ nào đã đưa chị đến với nghệ thuật múa? Tại sao lựa chọn bộ môn múa mà không phải một môn nghệ thuật khác?
Nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga: Có lẽ câu nói “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” rất đúng với trường hợp của tôi. Tôi sinh ra ở vùng Thạch Điền, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh, gia đình không có ai theo nghệ thuật, bố mẹ tôi đều là nông dân “một nắng hai sương” nên sau mỗi buổi đi học về tôi lại phụ giúp cha mẹ việc nhà và đi chợ bán rau. Năm 1993, có Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh về diễn ở xã và kết hợp tuyển sinh diễn viên. Bản thân tôi lúc đó cũng không có ý định đi thi tuyển nhưng rồi tình cờ, đúng hôm tôi đến cổ vũ cho một người bạn tham gia vòng sơ tuyển, thì trên loa gọi đúng tên tôi vào thi (sau này tôi mới biết chính bạn tôi là người đăng ký dưới tên tôi). Tôi đã làm tất cả những gì người ta yêu cầu một cách tự nhiên nhất, mộc mạc nhất. Không ngờ, trong 7 người bạn trong xóm đi thi thì chỉ có mình tôi trúng tuyển bộ môn Múa và được gửi ra Hà Nội học. Năm đó, tôi vừa tròn 15 tuổi. Đến năm 1996 tôi ra trường và chính thức trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp của Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh. Nghệ thuật múa đến với tôi giống như duyên tiền định vậy.
P.V: Con đường trở thành một diễn viên, biên đạo múa chuyên nghiệp không phải là một con đường trải hoa hồng?
Nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga: Đúng vậy! Múa là môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng trong đời sống xã hội. Những tiêu chuẩn khắt khe của nghệ thuật múa đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu, dáng vẻ cũng như phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cân nặng, tỷ lệ cân đối của cơ thể và sự khổ luyện ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Điểm khắc nghiệt nhất là quá trình luyện tập phải liên tục, hằng ngày, hằng giờ. Nếu thiếu sự đam mê, không thấu hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nghề đối với xã hội thì rất khó có thể theo nghề được. Chính vì vậy, số học sinh, sinh viên theo nghề đến nay vẫn còn rất hạn chế, mặc dù đây là một nghề mà xã hội đang cần. Thường thì thời gian học nghề diễn viên múa từ 2 – 6 năm tùy theo các trình độ đào tạo từ trung cấp, cao đẳng đến đại học.
Những ngày đầu đến bộ môn múa với tôi thực sự là khổ luyện. Có nhiều khi bị giãn tĩnh mạch chân vì tập xoạc ngang, xoạc dọc, tập xong đau quá không đi nổi mà phải bò cầu thang về phòng. Phía sau những ánh hào quang của ánh đèn sân khấu là cả một quá trình tập luyện gian khổ của người nghệ sỹ nhưng vì đam mê, khát khao được đứng trên sân khấu nên cho đến giờ tôi vẫn gắn bó và yêu nghề, vượt lên mọi trở ngại trong cuộc sống.
P.V: Được đánh giá là một trong những nghệ sỹ gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường hoạt động nghệ thuật, theo chị, bí quyết ở đây là gì?
Nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga: Mặc dù, đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp biểu diễn, rất nhiều huy chương chuyên và không chuyên đã được trao nhưng nếu so với nhiều “cây đa, cây đề” trong ngành múa thì những kết quả mà bản thân tôi đạt được cũng chưa thấm tháp gì. Tuy nhiên, với một người xuất thân trong một gia đình nông dân, không có truyền thống về nghệ thuật như tôi, thì để đạt được những thành tích đó là cả một quá trình khổ luyện. Như tôi đã nói ở trên, nghề múa xưa nay vốn lắm gian nan, không phải ai yêu nghề cũng có thể theo nghề được. Những khó khăn, thách thức của nghệ thuật múa có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể cảm nhận rõ nhất. Thêm nữa, không phải ai cũng có thể hiểu, thưởng thức được múa. Múa là nghệ thuật của tạo hình nên có tính trừu tượng cao, không phải ai xem múa cũng có thể hiểu và thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật múa. Đó là cái khó khi các nghệ sỹ muốn đưa nghệ thuật múa đến gần với công chúng.
Chưa cần kể đến quá trình khổ luyện đến đổ máu để trở thành một diễn viên múa ra sao nhưng hiện mức thù lao của diễn viên múa thường thấp hơn so với ca sĩ hay nhạc công. Điều này cũng một phần xuất phát từ cách nhìn của xã hội chưa đúng mực, chưa coi trọng múa. Việc đào tạo lớp kế cận vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Nói như vậy, để bạn thấy, đối với nghệ thuật múa muốn thành công thì không có gì ngoài năng khiếu, tình yêu, sự đam mê và sự khổ luyện.
P.V: Vậy theo chị làm thế nào để nghệ sỹ múa sống được bằng nghề, được thỏa mãn đam mê và đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng?
Nghệ sỹ, biên đạo múa Thúy Nga: Thực tế, hiện nay, hầu hết các biên đạo múa đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhưng cho đến nay, hầu như ngành văn hóa nói chung ngành múa nói riêng vẫn chưa có chính sách nào để hỗ trợ các biên đạo múa, nhất là các biên đạo trẻ, hầu hết các biên đạo tự thân phát triển. Vì vậy, theo tôi, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các nghệ sỹ. Chẳng hạn, khi phát hiện những biên đạo tài năng, ngành nên có sự đầu tư nhất định như: có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng người tài, tạo điều kiện để các biên đạo phát huy nội lực, có nhiều sáng tác mới, dự án chương trình mới, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị VHNT, không nên để các nghệ sỹ tự "bơi" như hiện nay. Về phía các nghệ sỹ, cũng cần nhanh chóng tiếp cận với nền tảng công nghệ số để đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng.
Trước kia các nghệ sỹ chỉ múa trên sân khấu, khoảng cách xa với khán giả, thì nay nhờ công nghệ đã rút ngắn được khoảng cách ấy. Rõ ràng sân khấu trực tiếp và sân khấu mạng hoàn toàn khác nhau, cách thức truyền tải nội dung, thông điệp đến công chúng trong thời đại công nghệ số cũng rất khác. Tuy nhiên, để quảng bá trên nền tảng số cần có sự đầu tư chuyên nghiệp về phương tiện kỹ thuật và nhân lực, song vấn đề khó nhất trong khâu quảng bá chính là kinh phí. Suốt 2 năm dịch bệnh, văn hóa nghệ thuật đã bị “đóng băng” khiến nguồn thu của các văn nghệ sỹ sụt giảm nghiêm trọng. Thách thức này đòi hỏi các biên đạo múa phải tự mày mò tìm lối đi cho riêng mình. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực thì khó khăn đôi khi lại là chất xúc tác khiến các nghệ sỹ thăng hoa.