Nghệ sỹ múa rối Nguyễn Văn Bốn: Trăn trở gìn giữ nghệ thuật dân gian
Trong cơn bão công nghệ và chuyển đổi số hiện nay, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống sẽ tìm cách nào để tìm được chỗ đứng, không bị mai một, lãng quên?
Từng có thời điểm, nghệ thuật dân gian như múa rối nước, hát chèo, hát then, đờn ca tài tử… được nhiều người dân quan tâm, chú ý khi được công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể. Tinh thần dân tộc và cảm xúc tự hào đã thu hút nhiều người, bao gồm cả giới trẻ tìm hiểu về các bộ môn nghệ thuật này. Thế nhưng thời gian trôi đi, giữa dòng chảy cuộc sống và sự ảnh hưởng nghiêm trong của dịch bệnh, những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một, trong đó có múa rối nước.
Là một trong những nghệ sỹ múa rối nước nổi tiếng tại Việt Nam, Nguyễn Văn Bốn từng là người duy nhất đoạt huy chương Vàng cá nhân cho vai Roberto trong vở "Hào quang từ quá khứ" tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2015. Với anh, bộ môn nghệ thuật này thực sự là một niềm đam mê từ thủa nhỏ khi được bố đưa đi xem múa rối nước, những hình ảnh con rối, chú tễu, con rồng quẫy trong nước biết nói, biết kể chuyện đã cuốn hút anh cho đến tận bây giờ.
Thế nhưng, với gần 10 năm làm nghề, có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày phải ngồi nhà, không được đi diễn vì dịch bệnh như năm nay. Dù có buồn một chút nhưng anh chia sẻ đó là điều cần thiết để xã hội có thể sớm trở lại bình thường, mỗi người nên có ý thức để hạn chế lây lan dịch bệnh và tuân thủ quy định của nhà nước.
Không còn đi diễn, anh kể lại những kỉ niệm đáng nhớ về chặng đường đến với bộ môn nghệ thuật dân gian. Đó là cả một hành trình rèn luyện gian khó. Kể từ khi bắt đầu bước vào con đường học nghề, anh phải học các kiến thức, lịch sử về múa rối và các kĩ thuật từ khó tới dễ của bộ môn này. Ít ai biết múa rối tồn tại ở Việt Nam cho đến nay đã trên dưới 1000 năm, phát triển mạnh nhất vào thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XII). Trong múa rối lại chia ra múa rối nước và múa rối cạn.
Trước khi được tham gia diễn rối nước, Nguyễn Văn Bốn phải học múa rối cạn và bắt đầu biểu diễn thử ở những trường mầm non cho các em nhỏ, hồi còn học ở ĐH Sân Khấu Điện Ảnh. Trái qua thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, anh mới dần được tham gia diễn rối nước và trở thành một trong những gương mặt sáng giá tại nhà hát múa rối nước Thăng Long.
Anh chia sẻ, ở thời điểm mùa du lịch, lượng khách tới xem đông đến mức không đủ vé mà bán, hầu hết là khách nước ngoài và khách từ các tỉnh muốn trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Có những ngày anh phải ngâm mình dưới nước mười mấy tiếng đồng hồ, mùa đông thì nước rất lạnh nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành phần biểu diễn, cho đến khi phần dưới cơ thể tê bì đi không còn cảm giác.
Thế nhưng, chỉ cần khi bước ra chào khán giả, nhận những trang vỗ tay khen ngợi là bao mệt mỏi tan biến hết. Niềm vui và sự tự hào trong anh lúc đó không gì có thể đo đếm được, là lý do anh lựa chọn bộ môn nghệ thuật góp phần gìn giữ văn hóa Việt, để cho con cháu sau này biết về cội nguồn, về những điển tích, truyền thuyết được tái hiện qua các con rối.
Đáng buồn là hiện nay, với sự phát triển của văn hóa ngoại lai, công nghệ, giới trẻ rất ít người còn quan tâm đến những ngành nghề truyền thống, những bộ môn nghệ thuật của cha ông. Điều này đặt ra bài toán nan giải để gìn giữ nghề và quan trọng hơn là tiếp lửa để giới trẻ có cảm hứng tìm hiểu, học hỏi về văn hóa, lịch sử của múa rối nước.
Anh Bốn chia sẻ, mong sao dịch bệnh sớm qua đi để thời gian tới có thể tiếp tục biểu diễn để phục vụ du khách tới trải nghiệm nghệ thuật văn hóa dân gian có tuổi đời hơn 1000 năm của Việt Nam, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.